Thoát nghèo bền vững nhờ vốn ngân hàng

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/1/2017 | 2:12:28 PM

YBĐT - Với mục tiêu cung cấp vốn kịp thời cho đối tượng thụ hưởng, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, những năm qua, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Mù Cang Chải đã tạo đà cho nhiều hộ nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, trở thành điểm tựa vững chắc cho người nghèo tại địa phương.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội gia đình anh Giàng A Dình không những đã thoát nghèo mà còn có kinh tế khá giả.
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội gia đình anh Giàng A Dình không những đã thoát nghèo mà còn có kinh tế khá giả.

Vài năm trở về trước, gia đình anh Giàng Giảng Chư vẫn còn nằm trong diện hộ nghèo của bản Nậm Khắt, xã Nậm Khắt (Mù Cang Chải) nhưng đến nay cuộc sống đã hoàn toàn thay đổi khi anh được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay của NHCSXH huyện. Nhận thấy lợi thế, tiềm năng của địa phương thích hợp cho việc chăn nuôi trâu, bò gia đình anh Chư vay vốn đầu tư mua 2 con trâu giống về nuôi, sau một thời gian nhân lên được 6 con trâu. Anh bàn bạc với vợ con bán bớt để thanh toán số nợ cũ, rồi tiếp tục đăng ký vay thêm 30 triệu đồng từ NHCSXH thông qua ủy thác của Hội Phụ nữ xã để đầu tư nuôi thêm bò sinh sản.

Sau hơn 10 năm tập trung phát triển chăn nuôi, đến nay gia đình anh Chư đã thanh toán được đủ cả tiền gốc, lãi cho ngân hàng và trong chuồng luôn có từ 8 đến 10 con trâu, bò. Cũng từ tiền bán trâu, bò gia đình anh mua thêm được hơn 2.000 m2 đất ruộng để cấy lúa, bảo đảm đủ để phục vụ sinh hoạt gia đình.

Anh Chư chia sẻ: “Cảm ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho gia đình có nguồn vốn để tập trung phát triển kinh tế. Ở địa phương, cỏ làm thức ăn chăn nuôi trâu, bò rất nhiều, quan trọng là mình phải biết cách chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ theo yêu cầu, hướng dẫn của cán bộ thú y”.

Cũng ở xã Nậm Khắt, từ năm 2005 đến nay gia đình anh Giàng A Dình - bản Cáng Dông sau 3 lần vay vốn từ NHCSXH thông qua ủy thác của Chi hội Cựu chiến binh đầu tư phát triển chăn nuôi tổng hợp gia đình đã thoát nghèo và giữ được nguồn vốn bằng 10 con trâu, bò và đàn dê gần 20 con.

Anh Giàng A Lồng - Tổ trưởng Tổ vay vốn bản Cáng Dông cho biết: “Trong bản có 52 hộ vay vốn NHCSXH để phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn, đồi hộ vay nhiều là 50 triệu đồng, hộ ít thì 10 triệu đồng, nhờ đó đời sống của bà con đã khá lên nhiều. Năm 2016, đã có 12 hộ trả hết nợ ngân hàng, thoát được đói nghèo”.

Như vậy nguồn vốn từ NHCSXH đã góp phần đáng kể trong việc giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Để đồng vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, Ngân hàng chủ động phối hợp với UBND cấp xã rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, kịp thời bổ sung vào danh sách những hộ thuộc diện nghèo, diện cận nghèo của địa phương để có căn cứ xác nhận theo tiêu chí quy định. Trên cơ sở đó, Ngân hàng phân, giao chỉ tiêu vốn kịp thời cho các xã, thị trấn; chỉ đạo tổ chức giải ngân đáp ứng nhu cầu vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác không để tồn đọng, lãng phí.

Bên cạnh đó, tại các điểm giao dịch, Ngân hàng thực hiện công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách, dư nợ của hộ vay. Nhờ đó, điểm giao dịch và hoạt động của tổ giao dịch xã ngày càng ổn định và đi vào nề nếp, hiệu quả, được nhân dân, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đánh giá cao.

Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện và công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ được tiến hành thường xuyên nên chất lượng tín dụng được nâng lên. Hiện NHCSXH huyện Mù Cang Chải đang duy trì 185 tổ tiết kiệm vay vốn ở 126 thôn, bản và ủy thác qua 4 tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn huyện.

Để công tác ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội và tổ tiết kiệm vay vốn được thực hiện tốt Ngân hàng thường xuyên phối hợp, kiểm tra trong việc thực hiện nhiệm vụ ủy thác, đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho tổ chức hội các cấp, ban quản lý tổ tiết kiệm vay vốn…

Tính đến hết năm 2016, tổng dư nợ của Ngân hàng đạt trên 169 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay hộ nghèo trên 115 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn 17,7 tỷ đồng; cho vay hộ cận nghèo trên 9,1 tỷ đồng…

Có thể nói, với những hoạt động cụ thể, bám sát từng địa bàn, đối tượng, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mù Cang Chải đã triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi. Từ đó, giúp các hộ có thêm điều kiện học tập, đầu tư khai hoang, chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, phát triển các mô hình kinh tế vươn lên thoát nghèo, nhiều học sinh, sinh viên có điều kiện tham gia học tập đạt kết quả tốt.

Ông Bùi Văn Hóa - Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Mù Cang Chải khẳng định: “Nguồn vốn của Ngân hàng đầu tư cho đồng bào trong những năm qua đã đạt được những kết quả tốt, giúp đồng bào phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần đáng kể trong việc bảo đảm an sinh xã hội và thoát nghèo bền vững”.

Vũ Đồng

Các tin khác
Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Trấn Yên.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng...

Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu.

3 tháng đầu năm, người dân Trấn Yên đã trồng mới được 90 ha, bằng 58,5% kế hoạch năm, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 999 ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục