Nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh chè: Định hướng rõ nét, giải pháp cụ thể

  • Cập nhật: Thứ hai, 20/2/2017 | 8:25:44 AM

YBĐT - Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm nhưng trong nhiều năm qua, cây chè vẫn là loại cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Ngành chế biến chè cũng là một ngành quan trọng có giá trị trên 400 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển cây chè, cải tạo giống chè, cơ sở chế biến đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh đã đạt trên 85.000 tấn/năm.
Sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh đã đạt trên 85.000 tấn/năm.

Xác định cây chè là cây chủ lực trong xóa đói, giảm nghèo, những năm qua, Yên Bái đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển trồng mới, trồng cải tạo giống chè cũ bằng giống chè mới năng suất, chất lượng cao, đáp ứng cho chế biến. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Kết luận số 11-KL/TU ngày 11/4/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 4/4/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI về "Phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2010", hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh chè trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực.

Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan về phát triển, sản xuất chè đã được nâng lên; sản xuất, chế biến, kinh doanh chè của tỉnh có tiến bộ. Doanh nghiệp và người làm chè đã tiếp tục cải thiện chất lượng, nâng cao giá trị của sản phẩm chè. Một bộ phận người làm chè đã áp dụng khoa học, kỹ thuật, quy trình sản xuất chè an toàn và đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư thiết bị, công nghệ chế biến chè khá hiện đại, tạo ra sản phẩm chè có chất lượng. Cơ sở hạ tầng vùng sản xuất chè tập trung được quan tâm đầu tư.

Đến nay, diện tích trồng mới, trồng thay thế chè cũ bằng giống tiến bộ kỹ thuật đã đạt trên 5.000 ha, chiếm 48% tổng diện tích chè toàn tỉnh; bước đầu đã hình thành một số vùng chè chất lượng cao (như: vùng chè xã Gia Hội, xã Nậm Búng, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Liên Sơn (Văn Chấn), vùng chè xã Bảo Hưng (Trấn Yên); sản lượng chè búp tươi đạt trên 85.000 tấn/năm; giá trị chè búp tươi ước đạt 300 tỷ đồng/năm; doanh thu chế biến chè đạt gần 400 tỷ đồng/năm.

Những kết quả đạt được trong phát triển sản xuất chè đã góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo và ổn định đời sống cho người dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh chè chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất chè rất hạn chế. Tình trạng cạnh tranh vùng nguyên liệu, thiếu nguyên liệu sản xuất vẫn phổ biến; dây chuyền, máy móc thiết bị chế biến chè còn lạc hậu; chế biến chè không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đã gây ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín sản phẩm chè Yên Bái.

Trong chế biến chưa có sản phẩm có thương hiệu, sản phẩm chè chủ yếu là sơ chế bán thành phẩm, chất lượng không cao, giá trị gia tăng thấp, xuất khẩu trực tiếp chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Thu nhập của người làm chè còn thấp. Nhà máy chế biến phát triển tràn lan không gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu; công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa chặt chẽ. Người dân chăm sóc, thu hái không đúng phẩm cấp, không tuân thủ quy trình, kỹ thuật sản xuất chè an toàn. Các cơ sở chế biến chưa mạnh dạn đầu tư, nâng cấp thiết bị, dây chuyền chế biến hiện đại, chưa có chiến lược lâu dài để nâng cao chất lượng chè cũng như xây dựng thương hiệu sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định trong và ngoài nước.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến, kinh doanh chè ngày một hiệu quả, Yên Bái đề ra mục tiêu đến năm 2020, giữ ổn định diện tích chè khoảng 10.000 ha, năng suất của diện tích chè thời kỳ kinh doanh bình quân đạt khoảng 10 tấn/ha/năm, sản lượng chè búp tươi trên 90.000 tấn. Trong đó, diện tích chè Shan trên 3.400 ha, sản lượng trên 8.000 tấn. Trồng mới, trồng thay thế diện tích chè cũ khoảng 1.000 ha (trong đó, có thực hiện mục tiêu Đề án Phát triển chè vùng cao). Sản phẩm chè chế biến các loại đạt trên 20.000 tấn; đa dạng hóa sản phẩm chè, giảm dần tỷ trọng chè đen và chè xanh bán thành phẩm, phấn đấu nâng tỷ lệ sản phẩm chè xanh lên khoảng 30%, giảm tỷ lệ sản phẩm chè đen còn khoảng 70%. Nâng thu nhập bình quân của người làm chè tăng gấp 1,5 lần so với năm 2016.

Để đạt mục tiêu đó, tại Kết luận số 56-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2020 đề ra các nhiệm vụ và giải pháp là: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trong phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Tích cực tuyên truyền, vận động, phổ biến các chủ trương, định hướng, mục tiêu, giải pháp phát triển chè nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè và người làm chè về phát triển bền vững ngành chè Yên Bái.

Phát triển chè Shan vùng cao là một hướng đi phù hợp trong xu thế phát triển hiện nay.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch các cơ sở chế biến chè gắn với vùng nguyên liệu, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất chè búp tươi với cơ sở chế biến, trong đó lấy quy hoạch vùng nguyên liệu làm trung tâm để quy hoạch cơ sở chế biến cho phù hợp, đây là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược để ổn định và phát triển ngành chè; việc tổ chức quy hoạch các vùng nguyên liệu được giao cho doanh nghiệp đăng ký trên cơ sở hợp đồng đầu tư thu mua nguyên liệu với các hộ sản xuất. Tập trung phát triển vùng nguyên liệu theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm chè.

Đẩy mạnh trồng thay thế diện tích chè cũ, kém hiệu quả bằng các giống mới, giống chè Shan tuyển chọn có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Hướng dẫn người trồng chè, đơn vị chế biến áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn: VietGAP, HACCP, hữu cơ, Rainforest Alliance, thương mại bình đẳng… và các tiêu chuẩn quốc tế khác để nâng cao chất lượng sản phẩm chè. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để thâm canh tăng năng suất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm đúng quy trình, quy định, nâng năng suất chè búp tươi trung bình đạt trên 10 tấn/ha/năm.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử lý nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thuộc danh mục cấm sử dụng; bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến chè.

Đẩy mạnh thực hiện thu hút đầu tư, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực hiện trồng chè tập trung với năng suất, chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nguồn nguyên liệu chất lượng, gắn với xây dựng các nhà máy chế biến có quy mô hợp lý, thiết bị, công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường, sản xuất các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, nhằm tạo ra những nhân tố mới, tiên tiến, tạo sự thay đổi về chất trong phát triển ngành chè.

Khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh mạnh dạn đổi mới thiết bị chế biến lạc hậu bằng công nghệ, thiết bị tiên tiến. Mở rộng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và nước ngoài có năng lực đầu tư sản xuất, chế biến, đa dạng hóa sản phẩm chè. Không cấp quyết định chủ trương đầu tư các cơ sở chế biến chè sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu.

Từng bước xây dựng sản phẩm thương hiệu chè Yên Bái, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, coi trọng cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Xây dựng kế hoạch quảng bá sản phẩm chè, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng chiến lược sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm chè Yên Bái. Xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ trong phát triển chè từ trồng, chăm sóc, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi để khuyến khích việc liên doanh, liên kết, hình thành các công ty cổ phần, trong đó người trồng chè có thể góp vốn, đất đai vào nhà máy chế biến chè bảo đảm sự gắn kết, chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm ở mức độ cao và bền vững; bảo đảm hài hòa lợi ích lâu dài giữa người trồng chè, doanh nghiệp chế biến và lợi ích của Nhà nước.

Định hướng và giải pháp đã rõ nét cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và người dân, chắc chắn sản xuất, kinh doanh chè ngày một phát triển bền vững.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục