Điện về làng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/2/2017 | 8:14:31 AM

YBĐT - Có điện, 89 hộ dân (100% là đồng bào dân tộc Dao), thôn Nà Hỏa, xã Tô Mậu đón tết Nguyên đán Đinh Dậu to hơn, đầy đủ hơn với nhiều tiện nghi như: ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện…

Có lẽ chưa bao giờ, nhân dân tại các thôn, bản vùng cao trên địa bàn huyện Lục Yên lại được đón tết đầm ấm, đầy đủ như xuân Đinh Dậu khi điện lưới quốc gia về thắp sáng khắp bản làng.

Không chỉ thỏa lòng mong đợi mấy chục năm qua, điện sáng về làng còn giúp người dân nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Những ngày đầu năm mới, chúng tôi có dịp trở lại Nà Chao, một thôn vùng cao còn nhiều khó khăn của xã Mường Lai (Lục Yên). Trên con đường liên thôn, nhiều ngôi nhà sàn to, đẹp được dựng lên khang trang, xen lẫn là hệ thống đường điện vừa mới đấu nối cách đây không lâu. Bên những thửa ruộng, bà con nhân dân đang tấp nập xuống đồng cấy lúa xuân.

Hỏi chuyện về đời sống mới, ông Nông Đức Hộ đã ngoài 80 tuổi không giấu được niềm vui mừng: “Nghe tin có điện lưới, tôi đã bảo con, cháu xuống huyện sắm tủ lạnh, nồi cơm điện và một chiếc ti vi trị giá hơn 10 triệu đồng về đón tết. Bao năm nay, giờ chúng tôi mới có điện để sử dụng những thiết bị này. Có điện, từ đây cuộc sống của con cháu Nà Chao sẽ đổi thay”.

Theo Trưởng thôn Nông Văn Đông, Nà Chao có 72 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu, trong đó có trên 50% chuyển đến từ vùng lòng hồ để xây dựng đập thủy lợi liên hồ Từ Hiếu - Roong Đeng - Tặng An. Trước đây không có điện, việc học hành, sinh hoạt của các cháu học sinh và người dân rất vất vả.

Nhưng từ ngày điện lưới về làng mọi chuyện đã khác. Trẻ em được học tập trong điều kiện ánh sáng đầy đủ, nhân dân được tiếp cận với các kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi trên ti vi, báo chí… Cuộc sống nơi đây sẽ dần khấm khá.

Hòa chung niềm vui trên, 89 hộ dân (100% là đồng bào dân tộc Dao), thôn Nà Hỏa, xã Tô Mậu cũng đón tết Nguyên đán Đinh Dậu to hơn, đầy đủ hơn với nhiều tiện nghi như: ti vi, tủ lạnh, nồi cơm điện…

Ông Nguyễn Xuân Bùi - Chủ tịch UBND xã Tô Mậu cho biết: “Với việc Nà Hỏa được đóng điện, đến nay, 10 thôn trên địa bàn xã đã có điện lưới quốc gia phủ kín. Đây là điều kiện để xã tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ đầu tư các cây trồng, vật nuôi để bà con nhân dân trong thôn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Được biết, trong năm 2016, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Lục Yên đã triển khai xây dựng mới trên 13,6 km đường dây trung thế, 6,3 km đường dây hạ thế; 16 trạm biến áp với tổng công suất 3.586 kVA.

Đặc biệt, với việc đóng điện cho 2 thôn Nà Hỏa và Nà Chao thì hệ thống điện lưới quốc gia đã phủ kín toàn bộ các thôn, bản trên địa bàn huyện Lục Yên. Nhờ đó giúp giảm bán kính cấp điện, giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện áp và bảo đảm cấp điện thêm cho trên 1.000 hộ dân.

Vẫn biết còn nhiều khó khăn nhưng với việc dòng điện lưới quốc gia được kéo về làng, người dân ở Nà Chao, Nà Hỏa hay tại những thôn, bản vùng cao sẽ có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, trẻ em được học tập trong điều kiện ánh sáng đầy đủ.

Quan trọng hơn, từ đây bà con nhân dân được tiếp cận, học hỏi và áp dụng vào sản xuất những cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật hiện đại, từng bước xóa đói giảm nghèo, góp phần tích cực xây dựng nông thôn mới.

Hùng Cường

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục