Những kết quả bước đầu thực hiện mô hình mới trong sản xuất nông - lâm nghiệp ở Văn Yên

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/4/2017 | 6:35:02 AM

YBĐT - Năm 2016, huyện Văn Yên được hỗ trợ kinh phí thực hiện 2 mô hình mới trong sản xuất nông lâm nghiệp theo Quyết định số 2049/QĐ-UBND ngày 9/9/2016 của UBND tỉnh Yên Bái.

Mô hình trồng khoai tây vụ đông xuân cho thu 60 triệu đồng/ha (ảnh minh họa).
Mô hình trồng khoai tây vụ đông xuân cho thu 60 triệu đồng/ha (ảnh minh họa).

Đó là mô hình chăn nuôi bò cái nền lai Zêbu (lai Sind, lai Brahman…) để phối tinh bò BBB tại xã Đông An và mô hình trồng khoai tây vụ đông tại thị trấn Mậu A, xã Yên Hợp, Tân Hợp, Nà Hẩu.

Mô hình chăn nuôi bò lớn nhất

Ông Ngô Thành Đông ở thôn Đức Tiến, xã Đông An là hộ duy nhất tham gia mô hình chăn nuôi bò năm 2016 của huyện Văn Yên. Gia đình đã nhận hỗ trợ 200 triệu đồng mua 20 con bò cái lai Sind.

Bản thân ông Đông trực tiếp tìm hiểu để quyết định mua 20 con bò cái ở huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc. Gia đình cũng đã đầu tư một nguồn kinh phí không nhỏ cho việc xây dựng hệ thống chuồng trại cũng như các điều kiện khác để tham gia thực hiện mô hình này đạt hiệu quả cao nhất.

Tại thời điểm này, đàn bò 20 con sinh trưởng, phát triển tốt và được nuôi theo hình thức bán chăn thả, có 7 con bò đang chửa sau khi thực hiện thụ tinh với bò BBB. Từ nay đến cuối năm, ông sẽ tập trung thụ tinh cho toàn bộ số bò còn lại.

Chuẩn bị lâu dài và chủ động cho việc phát triển đàn bò theo hướng mở rộng, nâng quy mô như dự định, ông Đông cho hẳn một người trong gia đình đi học kỹ thuật thụ tinh cho bò. Diện tích trồng cỏ, ông Đông đã có 2 ha và tiếp tục mở rộng lên 5 ha.

Ngoài 20 con bò được hỗ trợ kinh phí mua con giống, số bò hiện có của hộ ông Đông là 30 con, trở thành mô hình chăn nuôi bò có quy mô lớn nhất trên địa bàn xã Đông An hiện giờ.

Ông Đông cho biết: “Tôi mong muốn là sẽ tập trung mở rộng quy mô chăn nuôi lên tới 200 con bò theo thiết kế xây dựng chuồng trại của gia đình. Phát triển chăn nuôi bò tập trung theo hướng hàng hóa ở vùng này đã được tôi ấp ủ từ rất lâu”.

Cây khoai tây trồng vụ đông xuân

20 ha mô hình trồng khoai tây vụ đông với mức hỗ trợ kinh phí 400 triệu đồng đã được triển khai thực hiện ở thị trấn Mậu A là 2 ha, xã Tân Hợp 2,5 ha, xã Nà Hẩu 0,5 ha, xã Yên Hợp 15 ha.

Hiện nay, diện tích khoai tây vụ đông xuân 2016 - 2017 trồng ở 4 địa phương này đều đã thu hoạch xong, năng suất đạt 12 tấn/ha, sản lượng 240 tấn, hiệu quả kinh tế đạt gần 60 triệu đồng/ha, tương đương 2 triệu đồng/sào đã trừ chi phí sản xuất.

Triển khai mô hình với diện tích lớn nhất, khoai tây Yên Hợp đã bắt đầu trở nên định hình rõ hơn trong sự ưu tiên của người tiêu dùng khu vực thị trấn Mậu A và các địa phương xung quanh. Giống khoai tây Đức mang tên Marabel vỏ mỏng, lõi vàng, thơm, dẻo, bở tơi rất phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của xã Yên Hợp.

Người dân 7 thôn trên địa bàn xã đã tích cực tham gia thực hiện mô hình, trong đó thôn Yên Hòa và Quảng Mạc chiếm gần 80% diện tích. Tiêu thụ sản phẩm khoai tây của xã Yên Hợp bao gồm 3 thị trường: Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế An Việt có trụ sở chính tại tỉnh Bắc Ninh thu mua giá 7.000 - 8.000 đồng/kg, địa phương tự tìm thị trường tại chợ đầu mối Hà Nội có giá 8.000 - 9.000 đồng/kg, nhân dân bán lẻ được giá 10.000 - 13.000 đồng/kg.

Một số hộ tiêu biểu của xã trồng khoai tây vụ đông xuân như: Nguyễn Thị Hoàn ở thôn Yên Hòa trồng 5 sào, năng suất đạt 6 tạ/sào; Hà Thị Diệu ở thôn Quảng Mạc trồng 4 sào, đạt năng suất 6 tạ/sào; Trần Thị Thu Hà ở thôn Chăn Nuôi trồng 7 sào…

Nông dân xã Yên Hợp, huyện Văn Yên thu hoạch khoai tây Đức giống Marabel vụ đông xuân 2016 - 2017 đạt năng suất 12 tấn/ha.

Thị trường tiêu thụ yếu tố quyết định

Thực tế việc triển khai thực hiện 2 mô hình sản xuất mới trên địa bàn huyện Văn Yên đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chính quyền các cấp. Mặt khác, chính quyền các địa phương luôn tạo các điều kiện thuận lợi hỗ trợ để các hộ tham gia mô hình đạt kết quả cao nhất.

Đồng chí Hoàng Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND xã Đông An khẳng định: “Mô hình chăn nuôi bò cái nền lai Zêbu là mô hình mới theo hình thức bán chăn thả của địa phương. Chính quyền đã phối hợp hoàn thành các thủ tục, làm cầu nối liên kết, liên hệ giúp về giống cỏ trồng… để gia đình thực hiện mô hình thuận lợi nhất. Mô hình này sẽ tạo ra điểm nhấn thúc đẩy chăn nuôi đại gia súc của địa phương phát triển hơn nữa trong thời gian tới”.

Đối với cây khoai tây, hiệu quả kinh tế mang lại đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về việc tiếp thu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới tư duy và hành động từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao thu nhập gia đình.

Lãnh đạo các địa phương cũng hình thành tư duy mới theo chia sẻ của đồng chí Bùi Xuân Thành - Chủ tịch UBND xã Yên Hợp: “Chúng tôi đã quyết liệt chỉ đạo, đặc biệt nêu cao tính gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện mô hình, tạo vùng sản xuất hàng hóa tương đối tập trung, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bổ sung thêm cây trồng mới bên cạnh cây lúa, cây ngô truyền thống”.

Đánh giá về việc thực hiện 2 mô hình này, đồng chí Khổng Giang Lam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên khẳng định: “Hai mô hình mới triển khai trong năm 2016 đã cho kết quả bước đầu về cơ bản là tốt, thiết thực, phù hợp với định hướng chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện, các địa phương. Kết quả đó góp phần mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của các nông hộ".

"Về lâu dài, nếu giải quyết tốt công tác thị trường tiêu thụ thì nhất định sẽ tạo ra động lực vô cùng mạnh mẽ thúc đẩy người dân tích cực phát triển sản xuất vì điều cuối cùng mà người dân quan tâm, mong đợi vẫn là thu nhập, giá trị kinh tế. Như vậy, vấn đề này cần có sự chung sức của các cấp, các ngành liên quan để giúp người dân yên tâm gắn bó với đồng ruộng” - Đồng chí Khổng Giang Lam cho biết.

Nguyễn Thơm

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục