Phúc Sơn khơi nguồn nội lực

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/4/2017 | 10:41:47 AM

YBĐT - Là một trong số 15 xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn, xác định rõ tiềm năng thế mạnh là đất, Đảng ủy, chính quyền xã Phúc Sơn đã tập trung lãnh đạo nhân dân thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng và phát huy có hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Nhà nước làm đòn bẩy giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhìn vào nền kinh tế của Phúc Sơn không khó để nhận thấy, sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ lực. Xuất phát điểm nền kinh tế thấp, tập quán và trình độ sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc còn hạn chế; thêm vào đó giao thông đi lại khó khăn…, là những trở lực khiến cho hơn 1.500 hộ dân nhiều năm nay vẫn chưa sao thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo và lạc hậu.

Sau nhiều nhiệm kỳ nỗ lực, Phúc Sơn đã đạt diện tích gieo cấy lúa nước 2 vụ gần 520 ha, năng suất cả năm đạt 61 tạ/ha; cây ngô 230 ha, năng suất đạt trên 30 tạ/ha cùng với gần 140 ha cây màu các loại cho hiệu quả kinh tế cao, đến hết năm 2016, tổng sản lượng lương thực có hạt của xã đã vượt con số 3.800 tấn.

Cuộc cách mạng trên đồng ruộng với việc tích cực áp dụng giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã tạo ra bước đột phá, đổi mới về tư duy kinh tế của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo ở Phúc Sơn dẫu còn cao, trên 55% theo tiêu chí nghèo đa chiều nhưng người dân đã dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại kết hợp với chăn nuôi và dịch vụ. Nhân dân trong xã đã biết tận dụng lợi thế tự nhiên về đồng cỏ, chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc.

Năm 2016, tổng đàn trâu của xã đạt gần 1.400 con, bò gần 200 con, lợn duy trì ổn định ở mức trên 1.400 con. Nền kinh tế nông nghiệp thuần túy ở Phúc Sơn đang dịch chuyển dần theo hướng hàng hóa, thích ứng với nhu cầu của thị trường.

Cơ cấu kinh tế cũng từng bước chuyển đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành thương mại – dịch vụ với đa dạng các ngành nghề kinh doanh phát triển dọc theo tuyến tỉnh lộ từ Nghĩa Lộ đi Trạm Tấu, tạo cho Phúc Sơn một diện mạo mới. Hiện nay, xã có gần 100 hộ sản xuất, kinh doanh.

Kết quả điều tra năm 2016, xã còn 850 hộ nghèo, chiếm trên 55%; 242 hộ cận nghèo, chiếm 15,67%. Các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước dành nguồn lực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn đã tạo đòn bẩy động lực giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế.

Năm 2016, từ các nguồn vốn Chương trình 135 của Nhà nước trị giá 300 triệu đồng đã hỗ trợ bò cái cho 30 hộ gia đình thuộc 9 thôn, bản; hỗ trợ téc nước phân tán cho 65 hộ nghèo hộ cận nghèo ở các thôn, bản đặc biệt khó khăn; vốn chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ bò cái cho 36 hộ nghèo, hộ chính sách thuộc 3 thôn với tổng trị giá 115 triệu đồng. Xã đã tiếp nhận và cấp phát gần 500 triệu đồng tiền điện hỗ trợ cho 850 hộ nghèo; cấp phát 2 tấn ngô và thóc giống cho hộ nghèo và cận nghèo...

Đời sống của người dân được cải thiện qua từng năm. Đến nay, tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt trên 74%; trên 97% số hộ dân được xem truyền hình; trên 40% số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa; 9/9 thôn, bản có nhà văn hóa.

Năm 2016, xã đã huy động nhân dân tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của hoàn thành đổ cấp phối tuyến đường dài 1,5 km từ bản Thon đi bản Lanh; làm mới tuyến đường Lu II đi bản Mông dài 1 km; nâng cấp, bê tông hóa gần 2 km đường bản Ngoa và bản Muông với tổng trị giá trên 1 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 600 triệu đồng…

Phúc Sơn đã hoàn thành 8 tiêu chí nông thôn mới. Năm 2017, xã phấn đấu đạt thêm 3 tiêu chí nông thôn mới là: làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi và tổ chức sản xuất. Xác định nhiệm vụ trọng tâm là sản xuất nông nghiệp, duy trì các mô hình trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo đề án của tỉnh, mục tiêu năm 2017, phấn đấu mức thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm.

Phạm Minh

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục