Kiên quyết với lương thực, "thực phẩm bẩn", kém chất lượng

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/5/2017 | 8:14:26 AM

YBĐT - Cuộc đấu tranh với các đối tượng sản xuất, vận chuyển, kinh doanh các mặt hàng lương thực, "thực phẩm bẩn" không đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), kém chất lượng của ngành công an và các ngành chức năng đang gặp nhiều khó khăn.

Thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vô cùng nguy hại với người tiêu dùng cần kiên quyết đấu tranh, loại bỏ. (Ảnh minh họa)
Thực phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vô cùng nguy hại với người tiêu dùng cần kiên quyết đấu tranh, loại bỏ. (Ảnh minh họa)

Hiện nay vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Các vụ vi phạm bị phát hiện xử lý gia tăng cả về số lượng, tính chất và hành vi. Đặc biệt gần đây, tình trạng buôn bán, vận chuyển nội tạng động vật không qua kiểm dịch, không đảm bảo ATTP vào địa bàn tăng. Các loại hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng, hết hạn sử dụng đã xuất hiện nhiều trên thị trường, chủ yếu là các huyện vùng cao.

Bên cạnh đó, Yên Bái không có các đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm lớn. Các cơ sở chủ yếu kinh doanh nguyên liệu, thực phẩm hàng tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, rau, củ quả... nhỏ lẻ theo hộ gia đình, tập trung tại các chợ nên rất khó kiểm soát dẫn tới nguy cơ ô nhiễm thực phẩm với người tiêu dùng là rất lớn.

Chỉ tính riêng năm 2016, trên địa tỉnh đã xảy ra 18 vụ ngộ độc thực phẩm với 573 người mắc, làm chết 6 người. Mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, năm 2016 Công an tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các huyện, thị thành phố tăng cường đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Qua đó đã phát hiện, điều tra, xử lý 49 vụ gồm 3 tổ chức và 46 cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, lập hồ sơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 200 triệu đồng.

Không ít vụ việc được phát hiện bắt giữ kịp thời như ngày 28/8/2016, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô mang biển kiểm soát 88C-066.40 do Nguyễn Văn Hùng trú tại xã Đồng Khê, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc điều khiển chở 450 kg đùi gà, 240 lon nước tăng lực không rõ nguồn gốc xuất xứ chuyển Chi cục Quản lý thị trường tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng và tịch thu tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa trên.

Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Yên Bái kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình cung cấp, chế biến các suất ăn cho công nhân Công ty TNHH Unico Global YB của Hàn Quốc (Khu Công nghiệp Âu Lâu, thành phố Yên Bái). 

Công an huyện Văn Chấn cũng đã phát hiện, bắt giữ xe ô tô biển kiểm soát 18B-01510 vào ngày 13/12/2016 do Trần Tuấn Anh trú tại Thành Trung - Cửa Bắc - thành phố Nam Định điều khiển chở 310 kg nội tạng động vật trâu, bò trị giá trên 19 triệu đồng không có giấy tờ, thủ tục, hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Công an huyện Văn Chấn đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 8 triệu đồng và tiêu hủy toàn bộ số nội tạng này. Có thể nói, những nỗ lực trên đã góp phần quan trọng kiềm chế, đẩy lùi vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh. 

Mặc dù vậy, công tác đấu tranh phòng chống vi phạm về ATTP còn nhiều khó khăn. Các vụ buôn bán, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn lớn chưa được phát hiện, bắt giữ. Các hành vi vi phạm bị phát hiện, xử lý chủ yếu là vi phạm về hành chính như vận chuyển thực phẩm không có nguồn gốc, xuất xứ; bảo quản thực phẩm không đảm bảo vệ sinh; không có biện pháp chống côn trùng...

Những vi phạm mang tính nội dung như chế biến, bán thực phẩm không đảm bảo; sử dụng phụ gia ngoài danh mục cho phép có tạp chất độc hại; sử dụng chất cấm trong chăn nuôi... chưa được phát hiện. Không những vậy, hệ thống pháp luật về ATTP chưa được hoàn thiện, còn phát sinh vướng mắc trong thực tế thi hành. Cán bộ, chiến sĩ của Công an tỉnh tham gia phòng chống vi phạm về ATTP còn mỏng, chưa chuyên sâu, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên hiệu quả chưa cao. Chi phí mua tin, trưng cầu, giám định, xử lý hàng hóa không đảm bảo vệ sinh ATTP thường cao hơn so với các vụ việc khác.

Hiện Công an tỉnh không có kinh phí đầu tư, trang bị và hỗ trợ cho hoạt động đấu tranh phòng chống vi phạm pháp luật về ATTP. Các máy móc, phương tiện nghiệp vụ để đảm bảo cho công tác kiểm tra, xét nghiệm còn thiếu, việc tét nhanh kiểm tra về ATTP xác định dấu hiệu vi phạm chưa đủ căn cứ để xử lý.

Xác định tình hình vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh ngày một diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày một tinh vi hơn. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP, đòi hỏi các cấp có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh các quy định pháp luật về ATTP, nhằm khắc phục các sơ hở để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật về ATTP.

Trước mắt, các bộ có liên quan cần ban hành các danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, chế biến, sơ chế, bảo quản thực phẩm làm căn cứ để xử lý về hình sự theo Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các ngành chức năng và các địa phương cần phối hợp, triển khai thực hiện nghiêm và hiệu quả Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP.

Sớm ưu tiên, bố trí kinh phí từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính về ATTP cho lực lượng trực tiếp đấu tranh phòng chống vi phạm về ATTP để đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Chủ động nắm chắc tình hình, tập trung vào các địa bàn, tuyến, lĩnh vực, ngành hàng trọng điểm, phức tạp dễ nảy sinh vi phạm cũng như phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả.

Qua nhiều kênh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về ATTP. Tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng các thủ đoạn vi phạm pháp luật về ATTP ở tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh thực phẩm để người dân nâng cao cảnh giác, biết lựa chọn sử dụng các sản phẩm sạch.

Phát động phong trào quần chúng tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác đảm bảo ATTP. Quan trọng hơn cả là phải tăng cường hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong thanh tra, kiểm tra đột xuất, bất thường nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP.

Trước mắt các ngành liên quan cần phối hợp tập trung vào thanh tra, kiểm tra lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản, giết mổ gia súc gia cầm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, các mặt hàng kém chất lượng, không đảm bảo ATTP, không qua kiểm dịch... để phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP đấu tranh phòng chống một cách kiên quyết, triệt để vì sức khỏe cộng đồng.

Đào Minh 

Các tin khác
Nông dân xã Vĩnh Kiên vay vốn từ NHCSXH nuôi trâu

Với mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Yên Bình đã thực hiện tốt việc phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên trong quá trình thực hiện nội dung ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Giá xăng được điều chỉnh giảm.

Giá xăng trong nước hôm nay (25/4) được liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm. Mỗi lít xăng RON 95 giảm 320 đồng, giá bán xuống dưới mức 25.000 đồng/lít.

NHNN hủy phiên đấu thầu vàng miếng ngày 25-4

Phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng sáng nay (25/4) lại bị hủy do chỉ có một đơn vị duy nhất nộp phiếu dự thầu.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục