Tăng cường phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/7/2017 | 1:41:42 PM

YBĐT - Thời tiết đang diễn biến phức tạp, mưa lũ xảy ra liên tiếp, việc kiểm soát vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm còn hạn chế, tỷ lệ tiêm phòng còn thấp... tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất lớn.

Ương nuôi gà giống ở xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Nguyễn Thanh)
Ương nuôi gà giống ở xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái. (Ảnh: Nguyễn Thanh)

Từ đầu năm tới nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định, các bệnh thông thường như: bệnh tụ huyết trùng trâu bò, tụ huyết trùng lợn, dịch tả lợn đã xuất hiện nhưng với số lượng nhỏ nhưng đã được cán bộ thú y điều trị kịp thời. Dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh ở lợn không xuất hiện. Tuy nhiên, bệnh lở mồm long móng còn xảy ra từ ngày 17/02 đến ngày 24/2 tại xã Phong Dụ Hạ, huyện Văn Yên đã làm 23 con lợn mắc bệnh phải đem đi tiêu hủy.

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp bao vây, phòng chống dịch nên dịch lở mồm long móng đã được khống chế kịp thời và không lây lan trên diện rộng. Mặc dù dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được kiểm soát tốt, tuy nhiên, tiến độ tiêm phòng vắc - xin phòng bệnh trên đàn vật nuôi còn thấp so với kế hoạch, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra dịch bệnh.

Theo kế hoạch, năm 2017, toàn tỉnh tiến hành tiêm 140.000 liều tụ huyết trùng trâu bò, 160.000 liều tụ huyết trùng lợn, 164.000 liều dịch tả lợn; 83.000 liều vắc - xin lở mồm long móng. Tuy nhiên, theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, 6 tháng đầu năm, kết quả tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp. Tỷ lệ tiêm vắc - xin tụ huyết trùng trâu, bò đạt 35% kế hoạch; tiêm vắc - xin tụ huyết trùng lợn và dịch tả lợn chỉ đạt 36% - 38% kế hoạch.

Nguyên nhân tỷ lệ tiêm phòng còn thấp so với kế hoạch giao là do thời gian qua, việc phát triển chăn nuôi lợn “quá nóng” làm mất cân đối cung cầu, giá lợn hơi giảm thấp, dẫn đến nhiều hộ dân không tiêm phòng vắc - xin phòng các bệnh truyền nhiễm trên lợn.

Theo quy định, thời gian tiêm phòng đợt I cho đàn gia súc, gia cầm vào tháng 3, tháng 4 và tiêm đợt II sẽ vào tháng 9, tháng 10 hàng năm. Tuy nhiên, đến ngày 3/5/2017, tỉnh mới phê duyệt kế hoạch mua vắc - xin phòng bệnh tụ huyết trùng trâu bò, tụ huyết trùng lợn, dịch tả lợn.

Việc phê duyệt kế hoạch và thủ tục mua thuốc vắc - xin còn chậm, do đó ảnh hưởng đến tiến độ tiêm phòng. Nhưng quan trọng nhất, đó là đến tận thời điểm này, mũi vắc - xin chủ lực là lở mồm long móng đều chưa đáp ứng được nhu cầu. Nguyên nhân do lượng vắc - xin lở mồm long móng còn thiếu và phải được tổ chức đấu thầu do doanh nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài đòi hỏi nhiều về mặt thủ tục.

Ngoài tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp thì việc kiểm soát mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm gặp không ít khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có lò giết mổ tập trung nên công tác này mới đang được làm đằng ngọn, sản phẩm gia súc, gia cầm sau khi được giết mổ đưa về chợ và cán bộ thú y mới kiểm tra, đóng dấu ngay tại chợ. Đây là những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cao.

Ông Đặng Bình Nguyên - Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, chúng tôi đã chỉ đạo cán bộ thú y cơ sở tăng cường giám sát dịch bệnh tại cơ sở; triển khai kế hoạch tiêm phòng vắc - xin trên đàn trâu, bò; phun tiêu độc khử trùng phòng chống cúm gia cầm đợt I và đợt II năm 2017. Ngoài ra, tiêm bổ sung vắc - xin định kỳ trên đàn vật nuôi. Tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức kiến thức phòng chống dịch bệnh cho gia súc gia cầm tới người chăn nuôi, giám sát và phát hiện kịp thời các trường hợp dịch bệnh để xử lý ngay, tránh lây lan ra diện rộng”.

Hiện đang bước vào mùa mưa lũ, thời tiết ẩm ướt, mưa nắng thất thường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi là rất lớn, đặc biệt là các dịch bệnh như: cúm gia cầm, lở mồm long móng ở gia súc.

Các địa phương tổ chức rà soát dịch bệnh, nâng cao nhận thức về công tác tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh đến người chăn nuôi. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phát hiện và phòng chống dịch bệnh. Tiếp tục triển khai công tác tiêm phòng; tăng cường kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, xử lý kiên quyết vi phạm trong công tác thú y.

Bên cạnh đó, các trạm chăn nuôi và thú y chuẩn bị đầy đủ vắc - xin, hoá chất và các loại vật tư phục vụ phòng chống dịch bệnh; đồng thời, tăng cường việc tập huấn kỹ thuật cho mạng lưới thú y và người chăn nuôi.

 Văn Thông

Các tin khác
Lãnh đạo UBND huyện Yên Bình khen thưởng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có thành tích xuất sắc trong năm 2023.

Sáng 20/4, huyện Yên Bình tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trên địa bàn huyện năm 2024.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 312/QĐ-TTg về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Giá vàng nhẫn tăng mạnh ngược chiều với vàng SJC.

Sáng nay (20/4), giá vàng nhẫn tăng mạnh theo đà tăng của giá thế giới lên trên mốc 77 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC quay đầu giảm sau khi có thông tin đấu thầu vàng vào thứ Hai tuần tới.

Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục