Mùa cốm nếp ở Tú Lệ

  • Cập nhật: Thứ hai, 16/10/2017 | 2:10:27 PM

YBĐT - Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn nằm thanh bình giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, là địa danh nổi tiếng của tỉnh Yên Bái - nơi có tứ đại đỉnh đèo và thứ gạo nếp đặc sản dẻo thơm nức tiếng một vùng.

Đặc ân của tạo hóa với khí hậu trong lành, mát mẻ chẳng những đã sản sinh cho miền đất này những thiếu nữ xinh đẹp nổi tiếng mà còn ban tặng cho miền non cao Tú Lệ một sản vật hiếm có, đó là giống nếp thơm Tan Lả, gọi theo tiếng của đồng bào Thái và giống nếp này chỉ thực sự dẻo, thơm khác lạ khi được trồng ở thung lũng lòng chảo Mường Lò này.

Mùa nếp ở Tú Lệ không thể không nhắc đến cốm. Cái se se lạnh của hơi thu làm khum gù bông nếp; làm quánh đặc chất sữa trắng thơm căng tròn ngậm đầy trong hạt thóc. Ấy cũng là thời điểm bà con người Thái ở Tú Lệ chọn để làm cốm. Mùa cốm bắt đầu từ cuối tháng Bảy, rộ nhất vào tháng Tám, tháng Chín. Thời điểm này, nhiều nhà ở Tú Lệ vẫn còn đang làm cốm. Đó là những tràn nếp được trồng ở lòng khe, nước lạnh hơn nên lúa chín muộn.
 
Theo kinh nghiệm làm cốm của người dân bản địa, để những hạt cốm còn giữ nguyên vị đậm đà, thơm dẻo thì phải gặt lúa về khi bông vừa khum ngọn, hãy còn nguyên sữa. Khi lúa đã vào chắc thì không thể làm ra được những hạt cốm dẻo thơm. Thôn Nà Lóng có 175 hộ thì có tới gần 100 hộ thường xuyên làm cốm. Đây cũng là thôn có nhiều hộ làm cốm nhất ở xã Tú Lệ.
 
Ông Oa - Trưởng thôn cho biết: "Vụ nếp này thôn trồng được 17,5 ha thì có khoảng 10 ha đã được bà con thu hoạch sớm để làm cốm. Chẳng là mùa cốm hàng năm cũng trùng với thời điểm diễn ra Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải của tỉnh nên cốm bán rất chạy, khách du lịch mua nhiều. Có không ít khách du lịch ở các tỉnh ngoài như Hà Nội, Hải Phòng…, ăn cốm nếp Tú Lệ có một mùa mà năm nào đến vụ cũng gọi điện lên đặt hàng gửi về xuôi…”.

Mùa nếp, người dân xã Tú Lệ chuyển sang làm cốm nhiều hơn trước cũng còn bởi làm cốm bán được tiền hơn bán thóc, bán gạo nếp thành phẩm. Theo tính toán, nếu 1 yến thóc nếp Tú Lệ bán được 200 nghìn đồng thì 1 yến lúa nếp làm được 4 kg cốm, giá cốm bán trung bình 100 nghìn đồng/kg, trừ chi phí, người dân vẫn thu về lợi nhuận cao hơn bán thóc nếp thành phẩm trên 100 nghìn đồng/yến. Chẳng thế mà có hộ ở Nà Lóng mùa cốm thu tới 20 - 30 triệu đồng; hộ làm ít cũng thu về 5 - 7 triệu đồng.

Cốm nếp Tan Lả xưa đã nổi tiếng ngon nhưng nó chỉ thực sự trở thành đặc sản kể từ khi Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò và Lễ hội khám phá Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tỉnh Yên Bái tổ chức hàng năm đúng dịp này. Có lẽ vì thế mà tiếng đồn về cốm nếp Tan Lả của đất Tú Lệ cứ theo chân du khách mà lan truyền gần xa.
 
Là sản phẩm nông nghiệp sạch, chẳng sử dụng chất tạo màu hay hương liệu, cốm nếp Tú Lệ làm ra nóng hổi, thơm phức ngay trên bếp than củi rừng dưới chân những ngôi nhà sàn mộc mạc của đồng bào Thái ở bản Nà Lóng. Du khách không khó để được tận mắt thấy, được hòa mình vào nhịp sống thường nhật của đồng bào và cùng tham gia vào các công đoạn làm cốm với người dân bản địa.
 
Ông Lò Văn Thức – Chủ tịch UBND xã Tú Lệ phấn khởi cho hay: "Dù chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm nếp Tan Lả của địa phương nhưng nếp Tú Lệ đã có chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Cả xã hiện mới có trên 75 ha diện tích ruộng nước canh tác giống nếp đặc sản này, mỗi vụ trung bình thu trên 4 tấn thóc. 

Như vụ này, bà con thu hoạch lúa sớm để làm cốm nên khả năng giá gạo nếp Tú Lệ tết này sẽ cao hơn mọi năm. Ngay như ở đất Tú Lệ bây giờ, mua được yến gạo nếp trong dân còn hiếm nói gì đến chuyện có gạo nếp Tú Lệ bày bán khắp nơi mà giá lại chưa bằng một nửa giá mua tận gốc của dân bản địa. Vì là có tiếng ngon nên nhiều nơi mượn tiếng nếp Tú Lệ bán giá cao để kiếm lời. 

Quan tâm đến sản xuất nông nghiệp sạch và giống nếp Tan Lả, mới đây, đại diện Tập đoàn Vingroup cũng đã đến tìm hiểu tại địa phương. Đây sẽ là tín hiệu vui để xây dựng thương hiệu cho giống gạo đặc sản của Tú Lệ trong tương lai gần”.

Ở xã Tú lệ chẳng riêng bản Nà Lóng mà cả 8 thôn, bản người Thái ở đây đã dần quen với nghề làm cốm nếp. Giờ thì cả xã đã có khoảng 100 hộ có thu nhập khá từ làm cốm. Cốm nếp Tú Lệ làm cuộc sống bản làng thêm ấm no, sung túc. Hương cốm vấn vương khách lạ, để mỗi độ thu sang, cốm nếp Tú Lệ lại cùng khách thập phương xuôi ngược, mang theo hương vị của nếp rừng Tan Lả, góp cùng mùa thu một thức quà thi vị, làm nên một phần thương hiệu của đất vùng cao Yên Bái.

Minh Thúy

Các tin khác
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại cuộc họp

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương xây dựng văn bản hướng dẫn chi tiết, bảo đảm đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, cho phép Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực vào ngày 1/7/2024 (sớm hơn 5 tháng so với quy định ở luật là ngày 1/1/2025).

Nhân dân xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn kiên cố hóa kênh mương nội đồng.

Triển khai nhiều giải pháp giúp các xã vùng khó khăn bứt phá trở thành xã nông thôn mới (NTM), huyện Văn Chấn quyết tâm phấn đấu có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM và 2 xã đạt NTM nâng cao trong năm 2024.

Vàng miếng SJC giao dịch trên 84 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới hôm nay (16/4) tiếp đà tăng mạnh do lực cầu trú ẩn an toàn khi nhà đầu tư lo ngại căng thẳng leo thang tại Trung Đông. Trong nước, giá vàng nhẫn các loại biến động trong vùng hẹp, giao dịch quanh 74,6 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra 76,5 triệu đồng/lượng; vàng miếng SJC tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh với mức tăng cao nhất là 1 triệu đồng/lượng, giao dịch trên 84 triệu đồng/lượng.

Nông dân thôn Khe Năm xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên sản xuất và thu hái chè theo tiêu chuẩn VietGAP.

Để sản xuất, kinh doanh chè phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị; thúc đẩy các hộ trồng chè tham gia vào chuỗi cung ứng chè bền vững và chất lượng; đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn có chứng nhận...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục