Yên Bái sơ kết 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ sáu, 9/3/2018 | 1:36:06 PM

YênBái - YBĐT - Ngày 9/3, UBND tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2015 - 2020; điều chỉnh kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020.


Các đồng chí: Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. 

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Yên Bái cơ bản đạt mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Giá trị tăng trưởng sản xuất nông, lâm nghiệp bình quân đạt 4,38%/năm; cơ cấu nông nghiệp năm 2017 giảm 1,88% so với năm 2015. Giá trị sản xuất trên 1ha đất trồng trọt năm 2017 tăng 2,76 triệu đồng so với năm 2015. Tổng sản lượng lương thực có hạt tăng trên 5.200 tấn so với năm 2015 và tăng gần 26 ngàn tấn so với mục tiêu Đề án. Trồng rừng bình quân hàng năm đạt 15.000 ha, đạt 115,3%  mục tiêu Đề án. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 33 xã, đạt 220% mục tiêu đề án…

Qua đó, góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh, theo thế mạnh của từng địa phương đã được quan tâm đầu tư phát triển và tổ chức sản xuất theo chủ trương, định hướng và sự chỉ đạo của tỉnh và ngành nông nghiệp. 

Cơ cấu, số lượng các sản phẩm chủ lực được sản xuất với quy mô, số lượng ngày một tăng theo hướng tập trung, ưu tiên phát triển các ngành hàng chủ lực. Cùng với đó, vấn đề sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm được quan tâm, chú trọng hơn từ khâu cung ứng nguyên liệu đầu vào đến tổ chức sản xuất. 



Lãnh đạo UBND huyện Trấn Yên phát biểu thảo luận tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu; việc thay đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là thay đổi các loại giống cây ăn quả có múi, phát triển những vùng cây ăn quả theo chuỗi, đẩy mạnh việc liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm; đề nghị nâng cao mức hỗ trợ kinh phí trồng tre măng Bát Độ; đẩy mạnh việc xây dựng, quảng bá thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh như cam Văn Chấn, bưởi Đại Minh, chè Suối Giàng… 

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề nghị tỉnh điều chỉnh mật độ trồng cây quế trên một đơn vị diện tích; hỗ trợ kinh phí sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao.  

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đánh giá cao những nỗ lực của các ngành, các địa phương trong 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan, các địa phương làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền và bà con nông dân, đặc biệt ở cấp thôn bản; tiếp tục rà soát, đánh giá, bổ sung điều chỉnh báo cáo đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đề xuất điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Đề án, kịp thời đề xuất phương án điều chỉnh cho phù hợp với mô hình tổ chức sản xuất nông nghiệp, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh hiện nay. 



 Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận Hội nghị

Đồng chí đề nghị tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu và các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trong thời gian tới. Tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến đối với các sản phẩm chủ lực. Duy trì vùng sản xuất hàng hóa các cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh, phát triển sản xuất theo chuỗi phải đạt được 3 yếu tố: liên kết hộ trong sản xuất bền vững - chất lượng sản phẩm an toàn - thị trường đầu ra cho sản phẩm. 

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp giữa các ngành với ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh. Tiếp tục rà soát các nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực; từng bước thay đổi phương thức hỗ trợ vốn trong sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính; tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp.

Về nhiệm vụ cụ thể, trong lĩnh vực xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương cần thay đổi tư duy về xây dựng nông thôn mới, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện lộ trình xây dựng nông thôn mới, xã nông thôn mới kiểu mẫu; giao ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng danh mục các dự án phát triển theo chuỗi; khuyến khích các mô hình sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới. Sở Kế hoạch - Đầu tư cùng với các sở, ngành tham mưu để lồng ghép các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới. 

Trong lĩnh vực trồng trọt, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đẩy mạnh sản xuất lương thực, hình thành các vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, nông nghiệp hữu cơ; mở rộng khai thác tiềm năng đất đai, lao động để phát triển các cây trồng chủ lực; sản xuất phải gắn với thị trường tiêu thụ; xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh (rau, dược liệu) và các loại cây trồng có giá trị kinh tế. Vận động nhân dân tích cực thâm canh, tăng vụ và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất  để nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác, phấn đấu năm 2018 đạt trên 60 triệu đồng/ha. 

Tập trung nâng cao chất lượng chè, xây dựng phương án sản xuất, chế biến chè đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng chè an toàn, chè sạch đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại để xây dựng hình ảnh thương hiệu chè Yên Bái. 

Lĩnh vực chăn nuôi, cần tổ chức lại hoạt động chăn nuôi theo hướng liên doanh, liên kết, áp dụng quy trình chăn nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, Global,... 

Trong lĩnh vực thủy sản cần phát triển mạnh hình thức thâm canh, phấn đấu giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 250 tỷ đồng và thu nhập trên 1 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 129 triệu đồng, tăng 9 triệu đồng/ha so với năm 2017. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu, triển khai kịp thời các dự án bố trí tái định cư, di dân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét để đảm bảo an toàn, sớm ổn định đời sống nhân dân.

Mạnh Cường

Các tin khác
Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Sử dụng né gỗ ô vuông trong ươm kén mang lại hiệu quả cao cho hộ ông Cao Tiến Xuân.

Giữa tháng 4, hộ ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ xuân hè này. Ông Xuân cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà ông thu được 40 kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục