Để du lịch sinh thái ở Yên Bái phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/5/2018 | 1:55:39 PM

YBĐT - Phát triển du lịch, đặc biệt du lịch sinh thái đã và đang trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, du lịch sinh thái phát triển nở rộ theo xu hướng "mạnh ai nấy làm” nên cần sớm được quy hoạch cụ thể, định hướng phát triển bền vững, lâu dài.

Khu du lịch tắm suối khoáng nóng của gia đình anh Vũ Mạnh Cường ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.
Khu du lịch tắm suối khoáng nóng của gia đình anh Vũ Mạnh Cường ở xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu.

"Nở rộ” du lịch sinh thái

Miền Tây Yên Bái bao gồm các huyện: Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và thị xã Nghĩa Lộ - là nơi có thiên nhiên hùng vĩ, nhiều di tích lịch sử văn hóa với 13 dân tộc anh em chung sống lâu đời và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nơi đây có cánh đồng Mường Lò rộng thứ hai Tây Bắc, nổi tiếng với gạo trắng nước trong, những người dân đôn hậu và hiếu khách.
 
Vùng đất thiên thời, địa lợi, nhân hòa ấy từ lâu đã là điểm đến thân thiện, an toàn, hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước. Đến với các huyện, thị miền Tây Yên Bái, du khách không những được hòa mình, khám phá thiên nhiên kỳ thú mà còn đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi thưởng thức nét văn hóa từng vùng.

Đến Suối Giàng - một xã vùng cao của huyện Văn Chấn, nằm ở độ cao trên 1.400 m so với mặt nước biển, du khách vừa được tận hưởng không khí trong lành vừa có thể thưởng thức các món ăn hấp dẫn như: thắng cố, thịt lợn hun khói…
 
Đặc biệt, vào những hội xuân, tất cả mọi người trong các bản xa gần, đặc biệt là nam, nữ thanh niên cùng vui hội và trổ tài trong các điệu khèn, sáo, đàn môi, các điệu hát trữ tình và các trò chơi dân gian như: nẩy pao, đẩy gậy, đánh quay…
 
Những điệu hát trữ tình, những âm hưởng của các nhạc cụ dân tộc, những nếp váy thổ cẩm đong đưa xao xuyến với bóng ô hồng chao nghiêng tình tứ… Những sinh hoạt văn hóa khiến du khách vô cùng thích thú và khi chia tay không quên mua những đồ lưu niệm độc đáo như: thổ cẩm, khèn, sáo… và đặc biệt là chè Shan tuyết được hái từ những cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi về làm quà cho người thân. 

Rất nhiều du khách khi đến với Tây Bắc đều mong muốn được hòa mình vào thiên nhiên, được tìm hiểu các nét văn hóa độc đáo… 

Như hiểu được những nguyện vọng của du khách, chị Sủng Thị Lan, người dân tộc Mông, xã Suối Giàng đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng để quy hoạch 2 ha đồi với 600 cây chè cổ thụ làm khu du lịch sinh thái. 

Chị Lan chia sẻ: "Du khách đến với Suối Giàng vừa được ngắm những khu rừng hoang sơ tuyệt đẹp vừa được nhấp ngụm trà xanh bên những gốc chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi; hiểu thêm nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, trò chơi dân gian, cũng như nghề truyền thống của đồng bào Mông và sống trong không khí lễ hội của dân tộc Mông Tây Bắc”.

Cách trung tâm huyện Trạm Tấu chưa đầy 30 phút đi xe máy, bản Lừu, xã Hát Lừu có một khu du lịch tắm suối khoáng nóng của gia đình anh Vũ Mạnh Cường. Khu nghỉ dưỡng có nguồn khoáng nóng tự nhiên nằm dưới thung lũng nhỏ, phía trước là những thửa ruộng bậc thang, phía sau là đồi thông vi vu gió lộng, tạo nên một khung cảnh hữu tình.
 
Giới thiệu với du khách, anh Cường cho biết: "Suối khoáng nóng có nguồn nước trong vắt, ấm áp, nhiệt độ trung bình từ 35 – 380C, nồng độ lưu huỳnh vừa phải, không quá gắt nên rất phù hợp cho du khách nghỉ ngơi, thư giãn và chữa bệnh. Vào những ngày mùa đông, mặc dù thời tiết lạnh giá nhưng nếu được ngâm mình trong dòng khoáng nóng, du khách sẽ không còn cảm thấy cái rét buốt của vùng cao”.
 
Khu du lịch nghỉ dưỡng này có diện tích trên 15.000 m2 gồm hai bể tắm tập thể và hơn 10 phòng nghỉ lớn nhỏ, có sức chứa gần 80 khách nghỉ qua đêm. Ngoài tắm khoáng nóng, khu nghỉ dưỡng của anh Cường còn phối hợp với những địa chỉ chế biến ẩm thực tin cậy trong vùng phục vụ các loại hình ăn uống theo phong tục của đồng bào Mông và Thái rất dân dã nhưng không kém phần hấp dẫn như: thịt nướng, cá nướng, xôi ngũ sắc, thịt sấy, măng rừng nướng...
 
Trung bình mỗi ngày, khu du lịch đón khoảng 50 – 70 lượt khách, vào ngày cuối tuần hay lễ tết có thể lên tới 300 lượt khách. Nhiều du khách đến đây đều có chung cảm giác sảng khoái, thư giãn…
 
Anh Cường cho biết thêm: "Thời gian tới, tôi cố gắng huy động vốn để mua thêm một số diện tích đất đồi của người dân, làm thêm các nhà nghỉ homestay, đầu tư mở rộng, nâng cấp hệ thống đường giao thông thuận tiện cho khách du lịch đến thăm để được thưởng thức "đặc sản” tắm suối nước nóng của huyện vùng cao Trạm Tấu”.

Không chỉ có mô hình du lịch sinh thái của gia đình chị Sủng Thị Lan hay anh Vũ Mạnh Cường, những năm gần đây, hàng loạt những khu du lịch sinh thái đã và đang được các công ty, hộ gia đình đầu tư thành lập như: khu du lịch sinh thái, tham quan hang động Cốc Tình, xã Suối Giàng, du lịch tham quan hang động Tiên Nữ ở xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn; khu du lịch sinh thái Mù Cang Chải Ecolodge nằm tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, khám phá làng văn hóa Ngòi Tu, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình…
 
Điều đáng nói ở đây, hầu hết các điểm du lịch sinh thái này còn nhỏ lẻ và do hộ gia đình, cá nhân đứng ra đầu tư kinh doanh nên rất cần có sự định hướng về công tác quy hoạch để phát triển bền vững và tạo cảnh quan môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn.
 
Tăng cường công tác quản lý

Năm 2017 vừa qua, lĩnh vực du lịch được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm, thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực để đưa du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Toàn tỉnh đã đón trên 500 nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, tăng 3,4% so với cùng kỳ, vượt 1,4% so với kế hoạch với doanh thu từ các cơ sở lưu trú đạt trên 270 tỷ đồng.
 
Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang quản lý 10 doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh lữ hành du lịch, 150 cơ sở kinh doanh lưu trú, 145 hộ gia đình hoạt động homestay…
 
Những mô hình du lịch sinh thái nhỏ lẻ được các hộ đầu tư chưa được quan tâm và có phần tự phát. Tuy các mô hình du lịch sinh thái này chưa phát triển thực sự mạnh với quy mô lớn nhưng về lâu về dài, người dân thấy lợi trước mắt mà đầu tư ồ ạt sẽ phá vỡ quy hoạch phát triển du lịch và gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, môi trường cảnh quan đặc trưng của các địa phương.
 
Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần chủ động tham mưu giúp tỉnh xây dựng kế hoạch và hướng dẫn các nhà đầu tư triển khai các hoạt động du lịch theo đề án của tỉnh và có sự hỗ trợ vốn, nhân lực, kiến thức về du lịch…
 
Có như vậy, tỉnh Yên Bái mới tập trung đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm và loại hình du lịch. Trong đó, chú trọng đến các sản phẩm mới nhưng vẫn bảo đảm tính đặc trưng riêng có của tỉnh, nhằm tạo nên sức hút riêng so với các tỉnh miền núi trong khu vực.
 
Đồng thời, cần nâng cao nhận thức và đào tạo về lĩnh vực du lịch sinh thái cho các nhà phát triển và tham gia vào du lịch, bao gồm các nhà chức trách địa phương, hướng dẫn du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch; nâng cao nhận thức cho công chúng kiến thức môi trường và du lịch có trách nhiệm; đầu tư cho công tác quản lý khu vực thiên nhiên và nguồn nhân lực; quản lý và điều phối tốt hơn tại các điểm du lịch sinh thái. 

Song song với đó, cần xây dựng tốt hơn kế hoạch, chính sách và quy định về phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là các khu bảo tồn; tăng cường sự tham gia của người dân địa phương sinh sống trong và gần các điểm du lịch sinh thái vào quá trình lập kế hoạch và quản lý du lịch.
 
Đặc biệt là bảo đảm du lịch sinh thái góp phần bảo tồn các khu tự nhiên cũng như đóng góp cho công cuộc xóa đói giảm nghèo để du lịch sinh thái ở Yên Bái thực sự trở thành hướng đi mới, điểm nhấn mới mang tính đột phá, phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước.

Ngọc Sơn

Các tin khác
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Sử dụng né gỗ ô vuông trong ươm kén mang lại hiệu quả cao cho hộ ông Cao Tiến Xuân.

Giữa tháng 4, hộ ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ xuân hè này. Ông Xuân cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà ông thu được 40 kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra vùng trồng dâu nuôi tằm.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt giúp xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2024 theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, Văn Yên đề ra nhiều giải pháp cụ thể để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Giá xăng dầu vượt 25.000 đồng/lít từ chiều nay.

Từ 15h hôm nay (17/4), giá xăng trong nước tăng từ 378 - 416 đồng/lít, đưa mặt hàng xăng RON 95 vượt 25.000 đồng/lít.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục