Giáo viên thể chất thành chủ trang trại thỏ

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/9/2018 | 8:06:14 AM

YBĐT - Xếp lại ước mơ trở thành giáo viên Giáo dục thể chất, Phạm Hải Chiều đã trở thành chủ trang trại trên 2000 con thỏ giữa đại ngàn núi đá và là chủ nhiệm "Hợp tác xã Thanh niên Lâm Thượng”. 

Lãnh đạo xã Lâm Thượng thăm trại thỏ của Phạm Hải Chiều.
Lãnh đạo xã Lâm Thượng thăm trại thỏ của Phạm Hải Chiều.


Từ trung tâm xã Mai Sơn, chúng tôi đổ dốc theo con đường bê tông vào xã Lâm Thượng, huyenj Lục Yên. Do có nhiều xe ô tô quá tải đi qua, nên mặt đường ở đây như một tấm kính vỡ. Nhiều đoạn lại như những ao nước mỗi lần phóng qua là một lần cánh tài xế thót tim như trò chơi cảm giác mạnh. Đoạn đường chỉ có khoảng 10 km nhưng phải mất gần 1 tiếng đồng hồ chúng tôi mới đến được trung tâm xã. Bản Tông Cại, xã Lâm Thượng có khoảng 80 hộ dân và đa số là người Tày.
 
Thôn được bao bọc bởi các dãy núi đá có suối Khuổi Nọi và suối Khuổi Luông chảy qua (theo người dân địa phương thì khuổi là suối, nọi là ít và luông là to, lớn, nhiều. Suối Khuổi Nọi là suối nước ít; suối Khuổi Luông là suối nước to), cung cấp nước cho cánh đồng Vải quanh năm tươi tốt.
 
Chúng tôi gặp Phạm Hải Chiều trong lúc anh đang đi tìm thức ăn cho đàn thỏ bên con suối Khuổi Nọi. Dáng người săn chắc, cử chỉ nhanh nhẹn dứt khoát là điều dễ nhận thấy ở "Chiều thỏ” như lời người dân ở đây vẫn thường gọi.

Qua câu chuyện trên con đường về trang trại, Chiều cho biết, năm 2006 anh thi đỗ vào trường Đại học sư phạm Hải Phòng, chuyên ngành Cao đẳng Giáo dục thể chất. Tốt nghiệp năm 2010, ra trường với ước mơ làm một thầy giáo dạy môn thể chất cho học sinh trường làng nhưng dù nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng vẫn không tìm được việc. 

Vì điều kiện kinh tế, anh tình nguyện lên công tác tại Trường Tiểu học Mồ Sì San, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Ba năm sau lấy vợ cũng vì hoàn cảnh gia đình nên xin nghỉ việc về nhà để tiện chăm sóc người thân và phát triển kinh tế. Xuất thân từ một gia đình thuần nông, anh luôn suy nghĩ, trăn trở tìm hướng thoát nghèo, bằng ý chí và nghị lực của mình, anh quyết tâm thực hiện làm giàu bằng sản xuất nông nghiệp. 

Những năm đó, xã Lâm Thượng cũng như các địa phương trong tỉnh đang sôi nổi thực hiện các phong trào "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới”…

Được chính quyền, đoàn thanh niên, Đảng ủy xã quan tâm, động viên nên anh càng thêm quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Được tạo điều kiện cho đi tham quan, học tập kinh nghiệm nhiều mô hình làm kinh tế có hiệu quả như: nuôi nhím, ba ba, lươn, ếch… ở trong, ngoài tỉnh nên anh có điều kiện xem xét, lựa chọn hướng đi phù hợp.
 
Nhận thấy đa phần các sản phẩm của ngành nông nghiệp hiện nay đều không có đầu ra ổn định, thường rơi vào tình trạng "được mùa mất giá - được giá mất mùa”, nhất là các sản phẩm nông nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như vậy, muốn phát triển kinh tế nông nghiệp một cách bền vững thì phải tìm được loại cây trồng, vật nuôi nào đó có đầu ra ổn định, vốn đầu tư thấp, quay vốn nhanh, ít dịch bệnh, tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn; qua đó, góp phần giảm chi phí thức ăn, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi.

Xét về tổng thể thì con thỏ đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí nêu trên. Nghĩ là làm, tháng 4/2017 anh quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại và nuôi khởi điểm 50 con thỏ sinh sản. Ông trời không phụ lòng người có chí, đàn thỏ của anh phát triển khỏe mạnh, sinh sôi và đến tháng 10/2017 đàn thỏ lên đến 500 con, bắt đầu cho thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng.
 
Qua thực tế cho thấy, đây là một loại vật nuôi mới, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương, ít dịch bệnh, có giá trị kinh tế cao và đầu ra ổn định, nên đến tháng 11/2017 anh quyết định tăng số lượng đàn thỏ lên 2.000 con và được "Hợp tác xã Thanh niên Tân Lĩnh” thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ thỏ thương phẩm.
 
Hiện nay, trang trại của anh đang tiếp tục tăng đàn. Dự tính đến cuối năm 2018 sẽ đạt 3.000 con thỏ, với giá bán bình quân 80.000 đồng/kg thỏ hơi và 120.000 đồng/kg thịt chế biến mỗi tháng cho tổng thu nhập khoảng 30 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động, mỗi lao động có thu nhập từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng và 2 lao động thời vụ, mỗi lao động được 150.000 đồng/ngày.
 
 

Phạm Hải Chiều kiểm tra thể trạng thỏ.

Tham quan trại thỏ của Chiều, có thể thấy trang trại được sắp xếp rất khoa học. Mỗi chú thỏ giống được nuôi trong một ô rộng khoảng 0,5 m2, mỗi ô đều được gắn một mã để theo dõi ngày phối giống, màu lông cũng như ngày đẻ của thỏ mẹ.
 
Ngoài ra, trại được trang bị hệ thống nước uống tự động và có quạt để điều chỉnh nhiệt độ, trời nắng nóng sẽ giúp thỏ mát, hơn nữa giúp thỏ không bị bệnh nấm da. Lồng nhốt thỏ làm bằng thép nên sẽ không bị gỉ, tuổi thọ cao hơn so với những loại lồng khác.
 
Anh Chiều cho biết, trại của anh chủ yếu là thỏ New Zealand. Đây là loại thỏ có chất lượng thịt cao, khỏe mạnh, ít bệnh tật. Thức ăn chủ yếu là cám và cỏ.
 
"Thỏ là loại rất nhạy cảm, nên chuồng trại phải thường xuyên dọn vệ sinh, không để tồn phân hai đến ba ngày. Bệnh thường gặp ở thỏ là bệnh cầu trùng. Loại bệnh này cách trị rất dễ, chỉ cần cân đối lượng thức ăn là thỏ sẽ hết bệnh. Để phòng bệnh, tôi phải tiêm vắc - xin cho thỏ mẹ 6 tháng/lần, thỏ con từ 1,5 tháng tuổi sẽ tiêm một lần cho tới khi xuất bán. Thức ăn của thỏ chủ yếu là cỏ và bổ sung thêm cám để tăng dinh dưỡng” - anh Chiều chia sẻ.

Tháng 3 năm 2018, anh hoàn thiện thủ tục đăng ký Hợp tác xã với tên gọi đầy đủ là "Hợp tác xã Thanh niên Lâm Thượng”. Sau 6 tháng thành lập, Hợp tác xã đã ký 4 hợp đồng cung cấp thỏ giống và bao tiêu thỏ thương phẩm cho 4 hộ chăn nuôi với tổng số thỏ sinh sản là 250 con. Hợp tác xã cũng đang hoàn thiện và chuẩn bị cho ra thị trường một số sản phẩm sơ chế, đóng gói từ thịt thỏ. Các sản phẩm được tặng kèm gia vị, dán đầy đủ nhãn mác cùng hướng dẫn sử dụng chi tiết, rõ ràng.
 
Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, anh luôn gương mẫu thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, động viên, ủng hộ những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. 

Nhờ có thành tích trong lao động sản xuất, năm 2018 anh được Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen vì đã có thành tích trong phong trào thanh niên khởi nghiệp vùng dân tộc thiểu số 2018; được Chủ tịch UBND huyện Lục Yên tặng giấy khen có thành tích học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018; được Ban Chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Yên Bái tặng giải Ba tại Cuộc thi "Ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2017”.

Chia tay chủ trang trại, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh niên Lâm Thượng, Phạm Hải Chiều biếu tôi gói nhỏ và nói: "Anh là người đi nhiều, biết nhiều, em biếu anh chút sản phẩm thịt thỏ đông lạnh đã ướp gia vị. Anh dùng thử, nếu còn thấy thiếu gia vị nào thì điện lên cho em nhé!". Tông Cai đã lùi dần sau lưng và đọng lại trong tôi ấn tượng thật sâu đậm về một tấm gương vượt khó, năng động và quyết chí khởi nghiệp của một thanh niên giữa đại ngàn núi đá Lâm Thượng.
 
 Quang Thiều

Các tin khác
Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Trấn Yên.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng...

Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu.

3 tháng đầu năm, người dân Trấn Yên đã trồng mới được 90 ha, bằng 58,5% kế hoạch năm, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 999 ha.

Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Yên Bái

Sáng 23/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.

Số lượng vàng trúng thầu khoảng 20% khối lượng Ngân hàng Nhà nước mang ra đấu giá.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố kết quả đấu thầu vàng miếng ngày 23/4 với 2 thành viên trúng thầu 34 lô, tương đương 3.400 lượng vàng SJC...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục