Nghĩa An: Hiệu quả phát triển chăn nuôi gia súc

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/12/2019 | 8:06:38 AM

YênBái - Năm 2019, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ phấn đấu giảm 22 hộ nghèo tương đương với 3%. Để thực hiện mục tiêu này, xã xác định tiềm năng, thế mạnh là nuôi gia súc.

Chăn nuôi lợn hàng hóa ở xã Nghĩa An.
Chăn nuôi lợn hàng hóa ở xã Nghĩa An.

Theo đó, xã đã thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi; xây dựng các giải pháp chủ động nguồn thức ăn; phòng, chống dịch bệnh… từng bước nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu nông nghiệp, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho nhân dân.

Chị Hoàng Thị Loan ở thôn Đêu 4 cho biết: "Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, dù đất đai rộng nhưng chưa biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất. Từ khi được Hội Nông dân xã tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cùng với vốn vay hỗ trợ của Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng đã giúp gia đình tôi thay đổi cách nghĩ, cách làm”. 

Ban đầu, chỉ chăn nuôi nhỏ, sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, vốn liếng, chị Loan đã mở rộng quy mô chăn nuôi từ gà, lợn đến trâu, dê, chuyển đổi ruộng từ trồng lúa sang trồng rau màu các loại. Hiện, chị nuôi hơn 200 con gà, vịt; 20 con lợn/lứa; 10 con trâu... trừ chi phí cũng cho thu nhập gần 200 triệu đồng mỗi năm. 

Với chị Lò Thị May ở thôn Nậm Đông 2 là những hộ đầu tiên chăn nuôi trâu, bò theo hình thức nuôi nhốt. Chị May cho biết: "Trước đây, tôi nuôi gia súc, gia cầm thả rông, nhỏ lẻ và để chúng tự tìm thức ăn nên không mang lại hiệu quả kinh tế. Vào mùa đông, thời tiết giá lạnh, trâu, bò hay bị ốm, bệnh. Gần đây, tôi mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư làm chuồng, mua trâu, bò giống về nuôi nhốt, chăm sóc nên chúng phát triển tốt”. 

Hiện, chị May nuôi gần chục con trâu và chăn nuôi lợn thịt, lợn nái cùng hàng trăm con gia cầm... cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. 

Ông Chu Văn Luật - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa An cho biết: "Với chủ trương đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy hoạch vùng nuôi, xã có nhiều chính sách hỗ trợ nhân dân nói chung và hội viên Hội Nông dân nói riêng trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống”. Hội hiện có 206 hội viên được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã để đầu tư chăn nuôi gia súc với dư nợ 7,6 tỷ đồng. 

Ông Vì Ngọc Chình - Chủ tịch xã Nghĩa An cho biết: để đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, hàng năm, xã đã chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp thị xã thực hiện tiêm phòng đúng định kỳ và tuyên truyền người dân vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. 

Đồng thời, xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn cung ứng giống, vật nuôi đảm bảo chất lượng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng. Để tạo thuận lợi cho nhân dân chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ truyền thống sang hướng hàng hóa, xã tích cực tuyên truyền, phối hợp với Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp thị xã tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi, tăng đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, xã còn chủ động tuyên truyền, vận động nhân dân các biện pháp phòng chống khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi... 

Theo đó, 10 tháng 2019, 8/8 thôn đã tổ chức đồng loạt phun tiêu độc khử trùng ở các hộ chăn nuôi, giúp xã duy trì chăn nuôi bền vững. Để giảm công lao động và chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho gia súc khi nuôi nhốt, xã đã vận động người dân tích trữ rơm sau vụ gặt, quy hoạch bãi chăn thả hợp lý; khuyến khích tận dụng đất trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn. 

Nhờ áp dụng nhiều cách làm hay, tỷ lệ tăng đàn được duy trì; phát triển hình thức nuôi nhốt, giúp bà con theo dõi được sự phát triển của gia súc, kiểm soát dịch bệnh tốt. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm của xã Nghĩa An có gần 21.000 con; trong đó, trâu 855 con; bò 178 con; lợn 2.242 con; gia cầm 17.780 con... Các mô hình chăn nuôi ngày càng nhiều, đa dạng. 

Để chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển ổn định, bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chăn nuôi theo hướng trang trại, hình thành các tổ hợp tác theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường; chú trọng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả chăn nuôi bằng áp dụng tiến bộ kỹ thuật; sử dụng con giống lai có năng suất, chất lượng cao; bảo tồn, phát triển giống vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế, tìm kiếm thị trường; quy hoạch bãi chăn thả, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi... 

Ngọc Sơn

Tags Nghĩa An gia súc gia cầm an toàn dịch bệnh bảo vệ môi trường

Các tin khác
Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Sử dụng né gỗ ô vuông trong ươm kén mang lại hiệu quả cao cho hộ ông Cao Tiến Xuân.

Giữa tháng 4, hộ ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ xuân hè này. Ông Xuân cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà ông thu được 40 kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra vùng trồng dâu nuôi tằm.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt giúp xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2024 theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, Văn Yên đề ra nhiều giải pháp cụ thể để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục