Ngành thuế Yên Bái sát cánh cùng doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 31/3/2020 | 8:11:07 AM

YênBái - Nhằm đánh giá tác động do dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến nguồn thu, tiến độ thu ngân sách Nhà nước trên từng địa bàn, Cục Thuế tỉnh đang triển khai các giải pháp, biện pháp về thuế hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người nộp thuế (NNT) khắc phục kịp thời những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh nắm tình hình sản xuất của Công ty cổ phần An Tiến Industries.
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh nắm tình hình sản xuất của Công ty cổ phần An Tiến Industries.

Doanh nghiệp lao đao

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng hành khách trên các chuyến xe khách Yên Bái đã sụt giảm từ 40% đến 60% so với thời điểm chưa có dịch bệnh xảy ra. Nhiều đơn vị vận tải hoạt động cầm chừng vì lượng khách ít; trong khi đó, các DN này vẫn phải trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và nhiều chi phí hoạt động khác. 

Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng; chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh lại tăng cao, khiến DN càng khó khăn nhưng các đơn vị này lại không thể ngừng hoạt động vì vẫn còn một lượng khách hàng cần phục vụ thường xuyên. 

Đại diện nhà xe Thu Thắng cho biết: "Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp khiến lượng hành khách giảm đi rất nhiều. Khách thường xuyên của chúng tôi là học sinh, sinh viên và cán bộ công chức đi công tác, nhân dân đi lễ hội... do các trường học đều ngừng hoạt động, các lễ hội tập trung đông người hoãn dừng tổ chức nên lượng khách giảm mạnh. Người dân ít đi lại, doanh thu vận tải của đơn vị giảm khoảng 50%”. 

Không chỉ các DN vận tải hành khách mà các đơn vị sản xuất, chế biến nông, lâm sản cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Là đơn vị sản xuất, kinh doanh chế biến xuất khẩu chè xanh sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc và một số nước châu Âu, Hợp tác xã Kiến Thuận, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn hàng năm doanh thu đạt gần 20 tỷ đồng. 

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, thị trường Trung Quốc và các thị trường khác hạn chế nhập khẩu hàng hóa đã khiến Hợp tác xã khó khăn nên gần 3 tháng nay, đơn vị chỉ sản xuất cầm chừng. 

Ông Đỗ Văn Lừng- Giám đốc Hợp tác xã cho biết: "Do dịch bệnh mà một số đơn hàng Hợp tác xã đã ký với Đài Loan đầu năm 2020 không thể xuất khẩu được. Chè lại chuẩn bị vào vụ mới, nếu tình hình dịch bệnh có chiều hướng phức tạp chúng tôi phải cắt giảm lao động, giảm chi phí sản xuất. Tuy nhiên, Hợp tác xã cũng mong muốn và kiến nghị với huyện Văn Chấn hỗ trợ chúng tôi về thuế, vốn vay để vượt qua khó khăn này".

Theo UBND huyện Văn Chấn, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cụ thể, đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh chế biến chè như Công ty TNHH chè Thanh Tâm, Công ty TNHH Chè Bình Thuận, Hợp Tác xã Kiến Thuận phải sản xuất cầm chừng và tìm các biện pháp để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. 

Riêng đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ ván bóc, sản lượng giảm khoảng 50% so với cùng kỳ; chế biến quặng sắt của Công ty TNHH MTV mỏ sắt Làng Mỵ hiện nay đang dừng sản xuất do phía đối tác Trung Quốc không nhập hàng vậy nên giá quặng sắt bị giảm mạnh. 

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, theo khảo sát tại xã Tú Lệ, Suối Giàng, trung tâm thị trấn Sơn Thịnh và một số chợ trên địa bàn, hiện lượng khách và sức mua của người dân giảm khoảng 40%, doanh thu cũng giảm khoảng 60%. Giá trị sản xuất công nghiệp quý I năm 2020 giảm so với cùng kỳ khoảng 10%. 

Chung tay cùng doanh nghiệp và người dân

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các hộ kinh doanh cũng như thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó dịch Covid-19, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện việc dự thảo mẫu công văn làm căn cứ cho việc triển khai lấy phiếu đánh giá và nắm tình hình ảnh hưởng do dịch bệnh đến kết quả thu nộp ngân sách Nhà nước ở các doanh nghiệp trên địa bàn; giải đáp các vướng mắc trong việc gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho các đơn vị theo quy định.

Hướng dẫn giải đáp gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp tiền thuế cho NNT; hướng dẫn các DN lập thủ tục xin gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp tiền thuế; tuyên truyền đến NNT trên địa bàn về các chủ trương gia hạn nộp thuế, miễn giảm tiền chậm nộp thuế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giúp DN, NNT thực hiện kịp thời việc lập hồ sơ đề nghị gia hạn, nộp thuế, miễn tiền chậm nộp tiền thuế gửi cơ quan thuế các cấp; thực hiện hỗ trợ, giải đáp vướng mắc cho NNT trong việc áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định của pháp luật thuế... 

Vừa qua, Bộ Tài chính gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Hầu hết ngành nghề, lĩnh vực, nhất là các DN nhỏ và siêu nhỏ, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh chịu tác động bởi Covid-19. 

Đề xuất gia hạn thêm 5 tháng việc nộp thuế, tiền thuê đất cho các DN, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng trực tiếp... 

DN nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng được hưởng chính sách này. Doanh nghiệp được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng tháng 3, 4, 5, 6/2020; lùi hạn nộp thuế VAT quý I và quý II năm 2020. 

Ngoài ra, thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân phải nộp năm 2020 của cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình kinh doanh cũng được gia hạn tới ngày 15/12. 



Cán bộ Chi cục Thuế thành phố Yên Bái hướng dẫn thủ tục gia hạn thời gian nộp thuế do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất 5 tháng đối với tiền thuê đất phải nộp kỳ đầu 2020. Tuy nhiên, số thu của ngân sách Nhà nước năm 2020 không giảm do doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh vẫn phải nộp vào ngân sách trước ngày 31/10. Tuy chưa phải đóng ngay, nhưng các đối tượng nộp thuế vẫn phải kê khai, nộp tờ khai thuế theo quy định hiện hành.

Ông Nguyễn Mạnh Khôi - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: đối với chi cục thuế các huyện, thành phố, chi cục thuế khu vực, có trách nhiệm thực hiện tốt việc tuyên truyền, hỗ trợ cho NNT về các chính sách hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp tiền thuế, triển khai việc đánh giá do ảnh hưởng của dịch bệnh theo đúng kế hoạch đề ra; đồng thời, đánh giá một cách cụ thể những tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến từng doanh nghiệp, từng thành phần kinh tế, từng nguồn thu để từ đó thực hiện các giải pháp, biện pháp hỗ trợ DN, NNT khắc phục kịp thời những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. 

Việc đánh giá phải được thực hiện đầy đủ trên tất cả các mặt ảnh hưởng bao gồm: ảnh hưởng trực tiếp, ảnh hướng gián tiếp đến tình hình sản xuất, kinh doanh của DN, thu nhập của người lao động, từng nguồn thu, sắc thuế. Cục Thuế tỉnh quán triệt các cán bộ toàn ngành không được lợi dụng ảnh hưởng của dịch Covid-19 để đánh giá sai lệch, gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp tiền thuế không đúng quy định của pháp luật thuế…

UBND tỉnh Yên Bái ban hành Công văn số 490/UBND-TH ngày 4/3/2020 về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị liên quan thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn tỉnh, liên quan đến các vấn đề như: kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các DN, nhất là các DN có hoạt động xuất, nhập khẩu; khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật để giúp các DN nhanh chóng thực hiện các dự án, phục vụ tăng trưởng kinh tế của tỉnh; xem xét áp dụng các chính sách miễn, giảm thuế, chậm nộp thuế, hoàn thuế sớm và triển khai các gói tín dụng hỗ trợ cho vay, khoanh, giãn nợ, lãi suất cho các DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm hỗ trợ các DN, thông tin kịp thời các chính sách hỗ trợ DN, lắng nghe và tập hợp ý kiến, những khó khăn, vướng mắc của DN để phản ánh với UBND tỉnh và các sở, ngành của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho các DN trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. 

Quang Thiều

Tags Ngành thuế Yên Bái doanh nghiệp thu ngân sách nộp thuế

Các tin khác
Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Sử dụng né gỗ ô vuông trong ươm kén mang lại hiệu quả cao cho hộ ông Cao Tiến Xuân.

Giữa tháng 4, hộ ông Cao Tiến Xuân ở thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên đang nuôi lứa tằm thứ ba của vụ xuân hè này. Ông Xuân cho biết, 2 lứa trước, mỗi lứa nhà ông thu được 40 kg kén. Sản phẩm kén được người cung ứng tằm giống thu mua với mức giá 160.000 đồng/kg.

Lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra vùng trồng dâu nuôi tằm.

Tiếp tục thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đặc biệt giúp xây dựng thành công huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2024 theo đúng lộ trình, kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, Văn Yên đề ra nhiều giải pháp cụ thể để cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trên thị trường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục