Yên Bái không lo thiếu hàng tết

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/1/2021 | 7:57:17 AM

YênBái - Chỉ gần 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dự báo nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng từ 15-20% so với bình thường. Các ngành chức năng đã lên kế hoạch phối hợp với doanh nghiệp kịp thời triển khai phương án dự trữ, cung ứng và bình ổn giá, không để thiếu hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân trong dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2021.

Các siêu thị, cửa hàng đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Các siêu thị, cửa hàng đã chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Tại thành phố Yên Bái, hầu hết các siêu thị, các trung tâm bán lẻ và các cửa hàng trên địa bàn thành phố Yên Bái đã chuẩn bị khá đầy đủ các mặt hàng nhằm phục vụ người tiêu dùng dịp cuối năm và tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. 

Các mặt hàng phong phú, nhiều chủng loại với mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, chủ yếu là nhóm hàng hóa công nghệ phẩm tiêu dùng thiết yếu như bánh, kẹo, nước giải khát, rượu, bia, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, quần, áo, giầy dép, các loại lương thực, thực phẩm... 

Là doanh nghiệp có mạng lưới phân phối hàng hóa trong toàn địa bàn tỉnh với các mặt hàng về công nghệ phẩm, thời điểm này, doanh nghiệp Hằng Hiển đã chuẩn bị một lượng lớn hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân vào dịp tết Nguyên đán Tân Sửu.

Ông Phạm Duy Hiển - Giám đốc Công ty TNHH Hằng Hiển cho biết: "Dự báo, năm nay khó khăn nên mức tiêu thụ hàng hóa có chậm hơn so với mọi năm, nhưng để phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp cuối năm và dịp tết, doanh nghiệp cũng đã dự trữ số lượng hàng hóa trị giá trên 20 tỷ đồng bảo đảm cung ứng, phân phối cho các mạng lưới bán lẻ của doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh”. 




Thịt gia súc, gia cầm không những đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh mà còn dư thừa xuất bán ra ngoài tỉnh. 

Tại thị xã Nghĩa Lộ - trung tâm kinh tế thương mại phía Tây của tỉnh, các doanh nghiệp, tiểu thương cũng đã chuẩn bị khá đầy đủ các mặt hàng phục vụ tiêu dùng của người dân. 

Các mặt hàng được nhập về bảo đảm đầy đủ các điều kiện, cả về chất lượng, chủng loại, nhãn hiệu, xuất xứ, chưa phát hiện các mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái… Theo các tiểu thương, năm nay nguồn hàng phục vụ tiêu dùng khá dồi dào và phong phú. Vì vậy, chắc chắn không có tình trạng khan hiếm hàng hóa xảy ra. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên mức tiêu thụ hàng hóa có giảm hơn, tuy nhiên, đến thời điểm này thị trường tiêu dùng đã bắt đầu sôi động. 

Ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái cho biết: "Ngay từ tháng 12/2020, Sở Công thương đã tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, UBND các huyện, thị, thành phố, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn chuẩn bị đầy đủ các nguồn hàng bảo đảm cung cấp cho thị trường trong dịp cuối năm và phục vụ tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Hiện tại, các doanh nghiệp đã dự trữ một lượng hàng hóa lớn, đồng thời chủ động nguồn cung, sẵn sàng bổ sung khi nhu cầu tăng đột biến”. 

Tổng ước giá trị kinh doanh thường xuyên và dự ước nhập thêm hàng hóa trong dịp sát tết Nguyên đán Tân Sửu là 109 tỷ đồng. Trong đó, Siêu thị Vinmart và hệ thống cửa hàng Vinmart+ 20 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Hải Phượng 22 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại Nga Hoàn 10 tỷ đồng, Siêu thị Anh Mỹ 2 tỷ đồng, Công ty TNHH Hùng Cường 10 tỷ đồng, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hằng Hiển 20 tỷ  đồng, Doanh nghiệp tư nhân Sức Xuân 8 tỷ đồng, Công ty TNHH Linh Hưng 4 tỷ đồng, DNTN Thương mại Tuấn Tuyết 10 tỷ đồng, Công ty cổ phần Lương thực Yên Bái 3 tỷ đồng. 

Khi nguồn cung tăng nhanh, các đơn vị này có thể dự trữ hàng hoá tăng thêm từ 20% - 30% lượng hàng, bảo đảm nhu cầu của người dân kể cả khi nhu cầu tăng cao vào các dịp lễ, tết. 

Ngoài ra, trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đều có hệ thống các cơ sở phân phối, kinh doanh dự trữ các mặt hàng nói trên, đảm bảo đáp ứng nhu cầu. Đối với xăng, dầu, khí hóa lỏng, nhu cầu tiêu dùng bình quân 1 tháng là 8.000 m khối. 

Hiện nay, nguồn hàng được các doanh nghiệp cung cấp chủ yếu là Công ty Xăng dầu Yên Bái nguồn hàng lưu thông dự trữ khoảng 2.500 m khối; Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Chiến Thắng Yên Bái 800 m khối. 

Đến nay, toàn tỉnh có 116 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, duy trì tối thiểu sản lượng tiêu dùng trong 15 đến 20 ngày, phân bố đồng đều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại các địa bàn trong tỉnh, khoảng cách 2-3 km/điểm tại thành thị, 4-10 km/điểm đối với địa bàn nông thôn, vùng cao. 

Đối với mặt hàng nông sản, thực phẩm, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình thị trường thịt lợn, diễn biến dịch bệnh, thời tiết, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi, rà soát đàn lợn hiện có trên địa bàn tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. 



Lực lượng quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp tết. 

Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Đến tháng 1/2021, tổng đàn gia súc chính đang duy trì là trên 655.180 con. Trong đó, đàn trâu 98.721 con, bò 33.172 con, lợn 523.288 con, gia cầm 6 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại tháng 1 ước đạt 5.000 tấn, trong đó sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc chính ước đạt 4.300 tấn". 

"Với khả năng sản xuất như hiện nay, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đàn gia súc, gia cầm không những đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh mà còn dư thừa xuất bán ra ngoài tỉnh” - ông Điển khẳng định.  

Cùng với đó, để bình ổn thị trường, tránh tình trạng tăng giá đột biến, ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tập trung chống buôn lậu; gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp tết như bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát, hoa quả, lương thực, thực phẩm; kiểm tra việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý kịp thời các trường hợp lợi dụng đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt nhằm đẩy giá bán hàng lên cao, gây bất ổn thị trường. 

Các doanh nghiệp ký cam kết thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về kinh doanh phục vụ tết, bán hàng phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không đầu cơ găm hàng, đưa tin thất thiệt về thị trường, giá cả. 

Với sự chỉ đạo sát sao và vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, UBND các cấp cùng với sự chuẩn bị tốt của các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh thương mại trên địa bàn, công tác cung cầu, bình ổn thị trường chắc chắn sẽ được thực hiện tốt, không có tình trạng khan hiếm hàng hóa, đẩy giá lên cao xảy ra; bảo đảm đầy đủ các mặt hàng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng trong dịp tết.

 Hồng Duyên

Các tin khác
Lãnh đạo UBND huyện Yên Bình khen thưởng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có thành tích xuất sắc trong năm 2023.

Sáng 20/4, huyện Yên Bình tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trên địa bàn huyện năm 2024.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 312/QĐ-TTg về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Giá vàng nhẫn tăng mạnh ngược chiều với vàng SJC.

Sáng nay (20/4), giá vàng nhẫn tăng mạnh theo đà tăng của giá thế giới lên trên mốc 77 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC quay đầu giảm sau khi có thông tin đấu thầu vàng vào thứ Hai tuần tới.

Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục