Yên Bái phát triển hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp: Đủ nhanh nhưng chưa đủ mạnh

  • Cập nhật: Thứ năm, 14/1/2021 | 7:57:22 AM

YênBái - Thời gian qua, tỉnh Yên Bái luôn chú trọng phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) và đây được xem là một yếu tố và động lực quan trọng góp phần đưa khu vực “tam nông” của tỉnh phát triển bền vững.

Cam sành Lục Yên được bày bán tại gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Cam sành Lục Yên được bày bán tại gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Trong sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều HTX làm tốt vai trò là "bà đỡ” cho các hộ nông dân liên kết với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ manh mún, phát triển thành sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, hiệu quả cao. HTX Cam sành Lục Yên được thành lập năm 2015 với 12 thành viên. 

Tham gia HTX, các hộ dân trồng cam sành được tổ chức thành nhóm, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn vốn mở rộng phát triển sản xuất theo quy mô tập trung. Cùng đó, HTX xây dựng thương hiệu cam bảo đảm chất lượng theo hướng VietGAP, cam kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên, nhờ đó, thành viên HTX yên tâm sản xuất. 

Bà Hoàng Thuyết Lập - Giám đốc HTX cho biết: Hiện nay, HTX có trên 39 ha cam đang cho thu hoạch, tổng sản lượng đạt khoảng 300 tấn, doanh thu ước đạt 3 tỷ đồng. Cam sành của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh thành và trung tâm thương mại như Hà Nội, Lào Cai, Lai Châu. 

Ngoài ra, để mở rộng thương hiệu, HTX tích cực tham gia các hội chợ nông sản giới thiệu sản phẩm cam sành Lục Yên và  được sự chào đón của người tiêu dùng ở nhiều tỉnh thành, đó cũng là cú hích để sản phẩm cam của HTX tiếp tục vươn xa hơn trên thị trường. 

"Từ hoạt động sản xuất của HTX, các thành viên có thu nhập từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm" - bà Lập nói. 

Để khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều chính sách như hỗ trợ nguồn nhân lực có trình độ về làm việc tại HTX; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ thành lập mới HTX, tổ hợp tác; vốn, quỹ, hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp... 

Nhờ đó, mô hình kinh tế hợp tác, HTX đang từng bước phát triển, khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong công cuộc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. 

Tuy nhiên, theo Liên minh HTX tỉnh, trên địa bàn còn nhiều HTX chưa thể hiện được vai trò "bà đỡ” trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mặc dù, số lượng các HTX nông nghiệp ngày một tăng nhưng quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chất lượng hoạt động chưa bền vững. 

Số HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế. Toàn tỉnh vẫn còn khoảng trên 40% HTX nông nghiệp hoạt động kém hiệu quả. Đa phần các HTX này được thành lập trước khi có Luật HTX năm 1996 và hầu hết đã tạm ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể được do còn vướng mắc về tài sản, vốn và nghĩa vụ thuế với Nhà nước. 

Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Liên minh HTX sẽ tiếp tục khuyến khích các hộ dân phát triển kinh tế tập thể, HTX với nhiều hình thức hợp tác đa dạng; tiếp tục thực hiện việc lồng ghép thực hiện các chương trình, dự án nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao, đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho thành viên và người lao động. 

Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm phát triển các HTX gắn với chuỗi giá trị trong nông nghiệp; các HTX nông nghiệp chuyên sâu gắn với các vùng sản xuất hàng hoá tập trung quy mô lớn; các HTX ứng dụng khoa học công nghệ cao gắn với sản phẩm OCOP của tỉnh. 

Đồng thời, phối hợp với các ngành tích cực hỗ trợ các HTX trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, liên kết sản xuất gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương để nhân rộng ra toàn tỉnh.

Hết năm 2020, toàn tỉnh có 502 HTX. Trong đó, 302 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông - lâm, ngư nghiệp. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã thu hút gần 9.000 thành viên, doanh thu khoảng 1.480 triệu đồng/HTX; lãi bình quân khoảng 330 triệu đồng/HTX; giải quyết việc làm cho khoảng 4.900 người; thu nhập bình quân người lao động khoảng 4 triệu đồng/tháng.

Thông Nguyễn

Tags hợp tác xã nông nghiệp

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục