Một số điều cần biết về bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/4/2021 | 11:18:11 AM

YênBái - Bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam từ tháng 10/2020. Các hộ chăn nuôi cần nhận biết, phân biệt để phòng chống và xử lý bệnh VDNC trên trâu, bò có hiệu quả tốt nhất.

Bệnh viêm da nổi cục ở bò.(Nguồn: Internet)
Bệnh viêm da nổi cục ở bò.(Nguồn: Internet)


Về đặc điểm dịch tễ: Theo Cục Thú y, bệnh VDNC (tên tiếng Anh là Lumpy Skin Disease, viết tắt là LSD) còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Vi rút VDNC không lây nhiễm và không gây bệnh trên người.

Đường lây truyền bệnh: Bệnh chủ yếu lây qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve. Bệnh cũng có thể lây truyền do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Bệnh thường xảy ra theo mùa, chủ yếu vào những tháng có thời tiết ấm, khi côn trùng hoạt động mạnh và phong phú nhất, gây thiệt hại về năng suất do sản lượng sữa giảm mạnh, giảm khả năng sinh sản, sảy thai, tổn thương da, giảm tăng trọng, gia súc có thể chết, gây tổn thất về kinh tế do hạn chế vận chuyển và thương mại. 

Triệu chứng của trâu, bò bị bệnh: Trâu, bò mắc bệnh thường có những dấu hiệu như sốt cao, có thể trên 41oC, bỏ ăn, suy nhược và gầy yếu; giảm khả năng tiết sữa rõ rệt ở gia súc đang cho con bú; viêm mũi, viêm kết mạc và tiết nhiều nước bọt; sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi). Hình thành các nốt sần hình tròn rắn chắc, có đường kính từ 2 - 5 cm, đặc biệt là ở da đầu, cổ, chân, bầu vú, mông, cơ quan sinh dục và đáy chậu trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu phản ứng sốt. Các nốt sần này có hình tròn, chắc và nhô cao trên da, mô dưới da và đôi khi cả các cơ bên dưới. Các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn. 

Các mụn nước, vết hoại tử và vết loét có thể xuất hiện ở màng nhầy của miệng và đường tiêu hóa cũng như trong khí quản và phổi. Viêm xuất huyết ở màng phổi và nốt trong phổi; xuất huyết ở lá lách, gan, dạ cỏ, ruột. Chân và các bộ phận vùng bụng khác của cơ thể như bao da, ức, bìu và âm hộ có thể bị tiết dịch khiến con vật không muốn di chuyển. Bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời; bò mang thai có thể sảy thai. Một số động vật bị bệnh không biểu hiện triệu chứng nhưng mang vi rút trong máu và có thể truyền bệnh cho động vật khỏe thông qua côn trùng hút máu.

Chăm sóc và điều trị hỗ trợ: Để gia súc bệnh hồi phục nhanh, người chăn nuôi cần chăm sóc, nuôi dưỡng và hộ lý tốt. Sử dụng thuốc kháng viêm, hạ sốt, tăng sức đề kháng. Sử dụng kháng sinh điều trị ngăn ngừa nhiễm trùng kế phát. Xử lý vết loét bằng một số kháng sinh có khả năng hút nước và lưu lại lâu (Rivanol, Oxytetraxiclin ...). Để chống ruồi, nhặng cần phun khử trùng, sát trùng thường xuyên bằng Ete 20%, Formondehyt (1%), Phenol (2% trong 15 phút); phát quang bụi rậm, diệt côn trùng…

Điều trị hỗ trợ xử lý triệu chứng và bệnh kế phát: Sử dụng kháng sinh kéo dài (các dòng Oxytetraxiclin, Sefua...) ức chế và phòng bội nhiễm 1 - 2 ngày/lần; hạ nhiệt Anagin-C; điều trị tiêu viêm Dexamethazo (gia súc không mang thai), Ketophen, Pretnisolon, Diclophenax…; truyền dịch hỗ trợ: Lactacginge, đường 10%, muối 0,9%, Vitaplex; hàng ngày sử dụng Iodin 3 - 5% phun khử trùng toàn thân gia súc 1 - 2 lần/ngày.

Khi các cục đã khô, bong vảy: Sử dụng bài thuốc dân gian như phèn 100 gram + 200 gram chè xanh đun sôi kỹ với 4 - 5 lít nước + 0,2 - 0,3% muối để nguội rửa vết thương, để khô, sau đó sử dụng dung dịch Axitlatic nhẹ hoặc chanh hoặc khế thấm lên vùng bong tróc ngày 1 - 2 lần và sử dụng dung dịch Xanh Methylen hoặc kem Nano bôi để chống ruồi, muỗi, côn trùng. Dinh dưỡng tốt để tăng sức đề kháng cho gia súc. Để gia súc ở nơi khô ráo, thoáng mát, giữ cơ thể luôn sạch để tăng khả năng thoát nhiệt. Kiểm soát và loại trừ mầm bệnh bằng cách phát quang bụi rậm, phun đuổi côn trùng, khử trùng và tiêu độc chuồng nuôi, khu vực xung quanh khu chăn nuôi. 

Công tác vệ sinh thú y phòng bệnh: Thường xuyên vệ sinh chuồng trại như phun tiêu độc, khử trùng 1 tháng/1 lần. Làm chuồng trại thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Thường xuyên rắc vôi bột khử trùng xung quanh chuồng trại 1 tháng/1 lần. Hàng năm cần tẩy các loại nội ký sinh trùng, ngoại ký sinh trùng theo đúng quy định. Định kỳ tiêm phòng các loại vắc xin như tụ huyết trùng, lở mồm long móng, vắc xin phòng bệnh VDNC cho trâu, bò...

Kỹ sư Ngô Đăng Sỹ (Trung tâm Khuyến nông tỉnh)

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục