Giá thức ăn tăng cao, người nuôi cầm chừng

  • Cập nhật: Thứ hai, 21/6/2021 | 7:38:07 AM

YênBái - Thời gian qua, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm gây không ít thiệt hại cho người chăn nuôi. Cùng đó, dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp khiến giá cả các loại thức ăn chăn nuôi liên tục tăng do chi phí đầu vào tăng. Trong khi đó, giá sản phẩm chăn nuôi lại không tăng, thậm chí giảm nên người chăn nuôi chỉ nuôi cầm chừng.

Chủ động được con giống nên gia đình ông Vũ Xuân Đao ở thôn Đoàn Kết, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái vẫn duy trì đầu đàn trên 100 con lợn thịt.
Chủ động được con giống nên gia đình ông Vũ Xuân Đao ở thôn Đoàn Kết, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái vẫn duy trì đầu đàn trên 100 con lợn thịt.


Gia đình ông Vũ Xuân Đao ở thôn Đoàn Kết xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái từ lâu đã gắn bó với nghề chăn nuôi lợn. Trong chuồng nhà ông luôn có 14 con lợn nái, trên 100 con lợn thịt và mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán lợn. Từ đầu tháng 5 đến nay, giá lợn hơi liên tục giảm. 

Cụ thể, trước thời điểm 30/4, giá lợn đang ở mức từ 70.000 - 74.000 đồng/kg thì nay còn từ 60.000 - 64.000 đồng/kg. Với mức giá hiện tại, gia đình ông Đao chỉ nuôi cầm chừng để duy trì đàn. 

Ông cho biết: "Do gia đình chủ động được con giống nên vẫn có thể duy trì đàn được. Để nuôi 1 con lợn đến khi xuất chuồng tốn từ 10 - 12 bao cám, mỗi bao hiện có giá 315.000 đồng (tăng từ 50.000 - 60.000 đồng/bao), cộng với chi phí giống từ 2 - 2,3 triệu/con giống nên hộ nào không chủ động được con giống thì với mức giá lợn hơi như hiện nay thì nuôi không có công”. 

Thời điểm hiện tại, giá lợn hơi chỉ còn từ 60.000 - 64.000 đồng/kg, giảm từ 12.000 - 16.000 đồng so với tháng trước. Trái ngược với giá lợn hơi, giá thức ăn chăn nuôi liên tiếp tăng cao và từ tháng 11/2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 8 đợt, mỗi đợt tăng 300 - 400 đồng/kg. Gần như tháng nào cũng có một đợt tăng giá, đó là chưa kể hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP) lại phát sinh trên địa bàn tỉnh. 

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, từ ngày 19/4/2021 đến ngày 06/6/2021, BDTLCP phát sinh tại 5 hộ, 5 thôn, bản, 5 xã ở 2 huyện Mù Cang Chải và thành phố Yên Bái. Tổng số lợn mắc bệnh 56 con, chết và tiêu hủy 56 con, khối lượng 1.851 kg. Do vậy, hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi đã giảm đàn và nuôi cầm chừng. Chưa kịp gượng dậy sau cơn càn quét của BDTLCP năm 2020, người chăn nuôi giờ đây lại đang phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ nếu như giá cám tiếp tục tăng. 

Ông Lê Văn Chung - nhà phân phối thức ăn chăn nuôi cho Tập đoàn NewHope cho biết: "Nhà máy thông báo do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, giá nguyên liệu đầu vào tăng nên bắt buộc phải tăng giá thành sản phẩm. Nếu như tháng 11/2020 trở về trước tôi bán trên 300 tấn/tháng thì hiện tại chỉ được 100 tấn/tháng. Giá cám tăng chóng mặt, nhiều hộ đã bán lợn, gà và tạm thời không tái đàn nữa”. 

Không chỉ những hộ dân chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng mà các hộ chăn nuôi gà cũng đang đứng ngồi không yên. Anh Lê Hồng Tuyên ở thôn Minh Phú, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên chia sẻ: "6 năm nuôi gà chưa có thời điểm nào giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay. 

Mức giá hiện tại 290.000 - 310.000 đồng/bao, tùy loại, tăng trên 30% so với thời điểm cuối năm 2020, tôi đang tính toán đến việc sẽ giảm đàn. Hiện nay, một năm gia đình tôi nuôi 3 lứa gà theo hình thức gối vụ, trung bình khoảng 5.000 - 6.000 con/lứa, tốn gần 40 tấn cám. Riêng tiền thức ăn mất 500 triệu đồng, tiền giống khoảng 90 triệu đồng, tiền thuốc men, công chăm sóc... 

Với giá bán hiện tại 57.000/kg thì vẫn có lãi nhưng nếu giá gà xuống thấp dưới 50.000 đồng/kg như năm ngoái thì lỗ”. Mặc dù, hiện nay, đầu ra cũng như giá gà thương phẩm khá ổn định, nhưng với tình hình của dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp cũng khiến anh Tuyên và các hộ chăn nuôi gà lo lắng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có tổng đàn lợn 552.368 con, đàn gia cầm ước 6.000.000 con. Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn thường chiếm 80% giá thành sản phẩm. Do đó, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao đã gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi, làm tăng giá thành sản xuất, giảm lợi nhuận; thậm chí, người chăn nuôi có thể thua lỗ. 

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, giá thức ăn chăn nuôi sẽ còn tăng 5 - 10% tùy loại và dự kiến sẽ giảm dần hoặc bắt đầu ổn định từ tháng 7 nếu dịch bệnh Covid - 19 được khống chế. Trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, người chăn nuôi cần tận dụng thêm các nguồn thức ăn khác có sẵn tại địa phương và trước mắt tránh mở rộng quy mô đầu đàn.

Hồng Duyên

Tags chăn nuôi dịch Covid - 19 chi phí đầu vào tăng dịch tả lợn châu Phi

Các tin khác
Lãnh đạo UBND huyện Yên Bình khen thưởng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có thành tích xuất sắc trong năm 2023.

Sáng 20/4, huyện Yên Bình tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trên địa bàn huyện năm 2024.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 312/QĐ-TTg về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Giá vàng nhẫn tăng mạnh ngược chiều với vàng SJC.

Sáng nay (20/4), giá vàng nhẫn tăng mạnh theo đà tăng của giá thế giới lên trên mốc 77 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC quay đầu giảm sau khi có thông tin đấu thầu vàng vào thứ Hai tuần tới.

Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục