Yên Bái: Những con đường khát vọng và niềm tin

  • Cập nhật: Thứ bảy, 27/11/2021 | 2:31:27 PM

YênBái - Chưa bao giờ phong trào hiến đất làm đường lại được người dân huyện Lục Yên nhiệt tình ủng hộ. Đó còn là những con đường khát vọng và niềm tin của người dân…

Người dân nô nức tham dự  lễ khởi công xây dựng tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh.
Người dân nô nức tham dự lễ khởi công xây dựng tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh.

Sau trận mưa đông kéo dài kèm theo giá rét, núi rừng vùng thượng hồ Thác Bà mù mịt và ẩm ướt bỗng trở nên bừng sáng, mặc dù những tia nắng yếu ớt nhạt nhòa trên các đỉnh núi cũng đủ xua đi cái lạnh đầu đông đón hàng ngàn người dân ba xã Tân Lĩnh, Tân Lập, Phan Thanh của huyện Lục Yên (Yên Bái) về dự lễ khởi công tuyến đường mà người dân khát khao, mong đợi từ gần 50 năm qua.

Ngược dòng lịch sử, xã Tân Lập nằm bên bờ sông Chảy từng là thủ phủ của huyện Lục Yên, người ta gọi là Lục Yên Châu, một vùng đất trù phú kết nối giữa chợ Ngọc, chợ Ngà của huyện Yên Bình và xã Đại Đồng nơi anh em Vũ Công Uyên, Vũ Công Mật nổi lên giúp vua Lê Anh Tông và Lê Trang Tông chống lại nhà Mạc được phong là Gia quốc công, hay còn gọi là Chúa Bầu. Năm 1971, khi hồ thủy điện Thác Bà tích nước, huyện Lục Yên buộc phải "dời đô” về Yên Thế, hai xã Tân Lập, Phan Thanh biến thành "ốc đảo” bên hồ Thác Bà, bị vây bọc bởi một bên là núi cao một bên là sông hồ.

Năm 1974, tuyến đường nối ba xã Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh được xây dựng, đến nay gần 50 năm đã trở nên già nua, chi chít những ổ trâu ổ voi khắp tuyến đường. Cách nay 8 năm, tôi lọ mọ lên chùa São tìm hiểu về ngôi chùa dựng trong hang núi, rùng mình thấy thăm thẳm con đường rừng, giữa năm nay trở lại tuyến đường này để xuống Phan Thanh tôi không còn nhận ra con đường ngập lút giữa muôn ngàn lau lách, ngỡ như mình đang đi vào chốn hoang vu nếu không bắt gặp các ngôi nhà xây thấp thoáng trong những rừng cây.

Ông Hoàng Liên Hiệp - Bí thư kiêm Chủ tịch xã Phan Thanh ngán ngẩm cho biết, hai xã Phan Thanh và Tân Lập gần nửa thế kỷ nay nằm trong vùng lõm, trở đi mắc núi ngoảnh lại mắc sông. Việc đi lại đã khó nên các sản phẩm nông nghiệp bà con làm ra lại càng khó tiêu thụ. Con tôm con cá thì vượt sông sang quốc lộ 70 bán, còn hàng trăm tấn nông sản, rồi gỗ rừng trồng, vỏ quế, lá quế… với con đường gập ghềnh nát be bét như thế này thì càng khó khăn hơn. Đấy là chưa nói nhiều gia đình có con em đi làm ăn xa có chút tiền muốn xây nhà cũng khó…

Nói rồi ông kể mấy khóa trước khi làm lãnh đạo xã Tân Lập, buồn nhất là học sinh người Dao cứ học đến lớp 8 - 9 thì bỏ, vận động thế nào cũng không chịu đi học, đám con trai thì lao ra hồ đánh bắt tôm cá, con gái thì lên rừng, mấy năm nay thì rời thôn bản đi làm thuê ở các thành phố. Tìm hiểu kỹ mới biết, sống giữa "ốc đảo” bọn trẻ cảm thấy dẫu có học thì tương lai vẫn mù mịt, học biết chữ là đủ rồi bỏ sức để làm ăn mà sống thôi…



Người dân tự nguyện phá tường rào, vật kiến trúc góp phần xây dựng tuyến đường. 

Vì thế, khát vọng về một con đường đối với người dân nơi đây càng trở nên cấp thiết hơn bất cứ lúc nào. Dự án xây dựng tuyến đường khởi động đầu năm 2021 được toàn thể người dân ba xã Tân Lĩnh, Tân Lập, Phan Thanh đón đợi. Chỉ hơn 8 tháng mọi công việc chuẩn bị đã hoàn thành, trong đó đáng kể nhất là việc giải phóng mặt bằng vốn được coi là "xương xẩu” thì lại được bà con nhiệt tình ủng hộ.

Bí thư Huyện ủy Lục Yên ông Hoàng Hữu Độ không cần giở sổ nói vanh vách: Tuyến đường Tân Lĩnh -Tân Lập - Phan Thanh có tổng chiều dài 18,3km, mở rộng từ 5m lên 11,5m, đoạn qua trung tâm các xã mặt đường rộng 13,5m, có 596 hộ dân hiến trên 81.800m2 đất, chặt hạ trên 36.100 cây cối, tháo dỡ gần 10.000m2 tường rào vật kiến trúc mà không đòi hỏi đền bù. Đó không chỉ là sự tự nguyện cho khát vọng mà còn đặt niềm tin vào đảng bộ và chính quyền địa phương. Vì có sự ủng hộ của người dân, nên tuyến đường chỉ sau mấy tháng đã hoàn thành công tác chuẩn bị để khởi công xây dựng. Có thể nói là nhanh chưa từng thấy... 

Phong trào hiến đất làm đường khởi đầu ở Lục Yên là xã Mường Lai, năm 2020 khi dự án cải tạo, nâng cấp tuyến liên xã Liễu Đô - Mường Lai, nhân dân đã hiến 2.950m2 đất, trên 1.200 cây cối và nhiều vật kiến trúc có giá trị, tiêu biểu là các hộ gia đình ông Hoàng Văn Kê hiến hơn 400m2 đất, gần 200 cây keo; ông Dương Văn Đẹp hiến 624m2 đất, 642 cây các loại... Nhờ thế, chỉ sau 4 tháng triển khai tuyến đường đã hoàn thành.

Tuyến Lục Yên - Bảo Yên, mở rộng từ 5m lên 9m, với tổng chiều dài là 15,1km, có 150 hộ dân hiến 18.576m2 đất, trên 4.200 cây cối, 1.308m2 tường rào, vật kiến trúc. Nhiều hộ gia đình như bà Nguyễn Thị Bén ở thôn Nà Mác, xã Minh Chuẩn, hiến 1.486m2 đất, 520 cây quế; hộ ông Hoàng Văn Khải ở thôn Khau Nàng, xã Minh Chuẩn, hiến 520m2 đất, 130 cây quế; hộ ông Nguyễn Quang Trung ở thôn 6, xã Tân Lĩnh, hiến 550m2 đất, gần 200 cây keo… Xã Minh Chuẩn đã vận động 105 hộ dân hiến 13.200m2 đất, 3.685 cây cối  440m2 vật kiến trúc. Do bà con tự nguyện hiến đất, nên việc giải phóng mặt bằng không gặp bất cứ trở ngại gì, nên tiến độ thi công tuyến đường đã rút ngắn một nửa thời gian.



Kéo cây giải phóng mặt đường. 

Năm 2021 huyện Lục Yên khởi công xây dựng 5 tuyến đường với tổng chiều dài 160km, tính đến tháng 10/2021 toàn huyện đã có 2.277 hộ gia đình tự nguyện hiến 309.955m2 đất, trong đó có 6.266,8m2 đất ở, 107.412 cây cối, 18.513m2 tường rào, công trình, vật kiến trúc và huy động trên 21.200 ngày công cùng nhiều máy móc, trang thiết bị, giá trị 92,3 tỷ. Tổng giá trị hiến đất, cây cối, vật kiến trúc của người dân khoảng 100,9 tỷ, đó là con số không nhỏ đối với một huyện miền núi còn nhiều gian khó như Lục Yên.

Để tận mắt chứng kiến điều mà ông Hoàng Hữu Độ đã nói với chúng tôi, trước ngày khởi công tuyến đường Tân Lĩnh - Tân Lập - Phan Thanh, tôi đội mưa đến xã Tân Lập để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của người dân hiến đất làm đường như thế nào.

Người đầu tiên tôi gặp là anh Đào Ngọc Huệ nhà ngày đầu thôn São, anh Huệ cho biết: Gia đình tôi hiến hơn 1.400m2 đất và 800 quế, bồ đề tính ra giá trị đất cùng cây cối và vật kiến trúc gia đình tôi hiến trên 70 triệu...

Còn nhà ông Đào Kim Cương hiến 2.300m2 đất, 1.600 cây quế và một nửa vườn ươm cây giống. Ông Cương chỉ đống quế vỏ mới bóc ngót một tấn bảo: Mấy hôm trước gia đình bán một xe rồi, số còn lại chưa khô nên chờ nắng lên phơi tiếp mới xuất được... Nói rồi ông dẫn tôi đi xem rừng quế mà gia đình ông chặt hạ để hiến đất làm đường.

Trưởng thôn São là chị Lương Thị Thắng cho biết: Toàn thôn có 137 hộ, trong đó có 66 hộ thuộc diện giải tỏa, diện tích đất bà con hiến là 25.547m2, trong đó đất ở 365m2, đất ruộng 2.020m2, đất vườn tược 3.723m2, đất rừng 18.639m2... Không ai đòi hỏi đền bù, chỉ mong con đường xây dựng sớm hoàn thành cho việc đi lại dễ dàng thôi.

Từ rất sớm ngày 18/11 người dân ba xã Tân Lĩnh, Tân Lập, Phan Thanh đã có mặt lại lễ động thổ khởi công. Có thể nói đây là ngày hội của ba xã. Bởi thế, trời như chiều lòng người, khi hôm qua tôi còn đội mưa đến các hộ, thì sớm nay trời hửng nắng, mọi người ai cũng ăn mặc đẹp đẽ, chị Vi Thị Dung bảo: Đây là sự kiện chưa từng thấy ở đất Phan Thanh này, sau lễ khởi công bà con dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc...



Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch tỉnh Yên Bái phát biểu tại lễ: Việc xây dựng tuyến đường nhằm phá vỡ thế cô lập của vùng đất, có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của ba xã nhằm kết nối liên vùng giữa các xã phía đông hồ Thác Bà của huyện Yên Bình với các xã phía nam và tây nam huyện Lục Yên, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân. Việc thi công tuyến đường đến tháng 12/2022 phải hoàn thành, rút ngắn 7 tháng. Vì thế các đơn vị thi công phải cố gắng phấn đấu, đáp ứng sự mong đợi của người dân…

 (Theo NNVN)

Tags Yên Bái con đường hiến đất làm đường

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục