Hàng tết phong phú, giá cả ít biến động

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/1/2022 | 7:43:55 AM

YênBái - Hiện tại, nguồn cung hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, đặc biệt là hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên thị trường rất dồi dào, nguồn hàng và giá cả tương đối ổn định.

Đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 97 chợ truyền thống, 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị, 12 cửa hàng Vinmart+, 150 cửa hàng tiện lợi/tiện ích đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. (Ảnh: Thủy Thanh)
Đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 97 chợ truyền thống, 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị, 12 cửa hàng Vinmart+, 150 cửa hàng tiện lợi/tiện ích đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. (Ảnh: Thủy Thanh)

Thực hiện Kế hoạch số 234 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Chỉ thị số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về mội số nhiệm vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch đảm bảo sản xuất, lưu thông và cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường và phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vui vẻ, an toàn và tiết kiệm.

Phát huy tối đa vai trò của các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, chủ động nguồn hàng, tăng cường dự trữ đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa, tổ chức cung ứng kịp thời hàng hóa nhu yếu phẩm với giá cả hợp lý tại các điểm bán hàng, các điểm cách ly phòng dịch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, Sở Công Thương đã xây dựng kế hoạch kịp thời hỗ trợ, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm thiết yếu theo 4 tình huống phòng chống dịch trên địa bàn.

Theo đó, Sở sẽ nắm bắt thường xuyên, chặt chẽ tình hình để có phương án đảm bảo các nguồn hàng cung cấp cho người tiêu dùng trong mọi tình huống, có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố, các tổ chức cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Khi dịch Covid-19 diễn biến theo từng cấp độ dịch, các doanh nghiệp đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh để đảm bảo cung ứng hàng hóa khi có yêu cầu của cơ quan chức năng. 

Đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 97 chợ truyền thống, 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị, 12 cửa hàng Vinmart+, 150 cửa hàng tiện lợi/tiện ích đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Tết Nguyên Đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, tuy tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường trên địa bàn toàn tỉnh nhưng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp phân phối hàng hóa phục vụ tết đã có kế hoạch cụ thể đối với việc nhập hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân. 

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021, Sở Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu để cung cấp cho thị trường vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022. Đồng thời, chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh tăng cường phân phối hàng hoá chuẩn bị đủ về lượng, phong phú về chủng loại với chất lượng đảm bảo và bao bì, mẫu mã đẹp, lịch sự giá cả hợp lý, tập trung vào một số mặt hàng sản xuất trong nước có chất lượng để tham gia vào thị trường như: bánh mứt kẹo, rượu bia, thuốc lá, nước giải khát, hàng đồ điện, vải và quần áo may sẵn... 

Thực tế cho thấy, các đơn vị kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh đã có chủ trương nhập hàng và đẩy mạnh phân phối hàng hóa đến các đại lý bán lẻ trong tỉnh, từ thành thị đến nông thôn, vùng cao trên toàn tỉnh nhằm phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp tết Nguyên đán. 

Một số mặt hàng phục vụ tết Nguyên đán có tính thời điểm như: bánh mứt tết, bánh kẹo mẫu mã có trang trí hoa văn chúc mừng năm mới 2022, các đơn vị hiện bắt đầu nhập hàng được phân phối đến các đại lý và đẩy mạnh bán ra trước tết, không để hàng tồn đọng sau tết. Các doanh nghiệp triển khai nhập hàng và dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết tăng nhẹ khoảng từ 8-10% so với năm 2020 và tăng từ 10-15% so với thời điểm các tháng bình thường trong năm. 

Qua thực tế và báo cáo của các doanh nghiệp, kinh doanh lương thực, thực phẩm chủ đạo năm nay có giá trị khoảng 65 tỷ đồng, hàng hóa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, giá hàng hóa ổn định. Hiện tại, nhu cầu mua sắm hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của người dân đang tăng nhẹ, dự kiến sẽ tăng mạnh vào thời điểm sau ngày 25/1/2022 (tức 23/12/2021, Âm lịch).

Trong đó, nguồn dự trữ và lưu thông lương thực trên địa bàn thành phố Yên Bái tăng khoảng 1,5 - 2 lần, huyện Yên Bình tăng 2 - 3 lần. Riêng nhu cầu tiêu thụ thịt hơi của thị trường khoảng 3.300 tấn/tháng với sản lượng thịt hơi và thủy sản xuất chuồng năm 2021 của tỉnh ước đạt trên 5.300 tấn/tháng. 

Nguồn hàng xăng, dầu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân được đảm bảo qua hệ thống 120 cửa hàng bán lẻ xăng dầu bố trí trên khắp các địa bàn, duy trì tối thiểu nhu cầu dùng 1 tháng trong tình huống khoanh vùng, cách ly do dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, Sở Công Thương đã chỉ đạo Công ty Điện lực Yên Bái xây dựng phương án đảm bảo cung cấp điện phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh. 

Hiện tại, nguồn cung hàng hóa thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, đặc biệt là hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trên thị trường rất dồi dào, nguồn hàng và giá cả tương đối ổn định. Một số mặt hàng có xu hướng tăng nhẹ như: củ quả và xăng dầu, khí hóa lỏng. 

Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vẫn phong phú và giá cả ít biến động. Các cơ quan chức năng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng các đại lý găm hàng, nâng giá hoặc đầu cơ tăng giá gây "sốt” hàng. 

Đồng thời, có phương án điều tiết nguồn hàng, đảm bảo phân bổ đủ cung ứng cho từng đại lý phân phối của mình và từng khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh, ưu tiên các khu vực đang thực hiện cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Thanh Hương

Tags Hàng tết Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 Kế hoạch số 234 Nghị quyết số 128 Covid-19 Chỉ thị số 21 sản xuất kinh doanh hàng hóa thiết yếu

Các tin khác

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục