Yên Bái: Xuất khẩu may mặc phục hồi và tăng trưởng

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/6/2022 | 7:49:45 AM

YênBái - Sau nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, từ đầu năm 2022 tới nay, nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc tăng bật trở lại, giúp các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu may mặc trên địa bàn tỉnh có đơn hàng khá dồi dào. Không khí sản xuất sôi động, tinh thần làm việc khẩn trương là điều nhận thấy tại các DN may hiện nay…

Hoàn thiện sản phẩm tại Công ty TNHH DaeSeung Global.
Hoàn thiện sản phẩm tại Công ty TNHH DaeSeung Global.

Những năm qua, Yên Bái đã thu hút được một lượng lớn các DN FDI đầu tư vào vùng lõi nông thôn; trong đó, phải kể đến các DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc. Đây luôn là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Yên Bái và giải quyết được nhiều lao động khu vực nông thôn. 

Sau 2 năm gặp khó khăn do dịch Covid-19, đến nay, nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc trên thế giới tăng bật trở lại, giúp các DN xuất khẩu may mặc trên địa bàn kín đơn hàng cho đến quý III/2022; thậm chí, cả năm 2022. 

Có mặt tại Công ty TNHH Unico Global YB tại Khu Công nghiệp Âu Lâu, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái, bà Lê Thị Hậu - Trưởng phòng Nhân sự - Hành chính Công ty cho biết: "DN 100% vốn của Hàn Quốc với ngành nghề sản xuất hành may mặc xuất khẩu, sản phẩm chính là áo Jackets xuất thị trường Hàn Quốc, châu Âu và châu Mỹ… Trong 2 năm qua, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Công ty chịu tác động rất lớn của dịch Covid-19. Tuy nhiên, từ đâu năm tới nay, nhu cầu tiêu thụ hàng may mặc tăng trở lại, giúp DN sớm kín đơn hàng. Tính riêng 5 tháng đầu năm, đơn vị sản xuất được trên 169.191 sản phẩm, doanh thu tiêu thụ đạt trên 60,3 tỷ đồng; trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 47,2 tỷ đồng đạt 117% kế hoạch. Hiện, Công ty đã có đơn hàng đến hết năm 2022. Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, hiện nay, Công ty liên tục tuyển dụng thêm lao động”. 

Hoạt động sản xuất, kinh doanh sôi động cũng đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Chị Trịnh Ngọc Tú - công nhân của Công ty phấn khởi cho biết: "Đơn hàng nhiều, chúng tôi có việc làm liên tục nên nguồn thu nhập tăng lên. Hiện, mức thu nhập của công nhân đạt bình quân khoảng 7,5 triệu đồng/tháng. Để đảm bảo nguồn hàng chuẩn cho đối tác, chúng tôi đều cẩn trọng trong tất cả khẩu sản xuất”. 

Sau thời gian dài ảnh hưởng do dịch Covid-19, hiện cũng là thời điểm sôi động trở lại của Công ty TNHH DaeSeung Global thuộc Cụm Công nghiệp Thịnh Hưng, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình. Bà Lương Thị Thu - nhân viên hành chính nhân sự Công ty cho biết: "Là DN chuyên sản xuất, gia công các loại sản phẩm như quần, áo, áo khoác trùm, áo liền quần, những năm gần đây, Công ty đã khẳng định thương hiệu xuất khẩu tại thị trường Hàn Quốc và các nước châu Á. Hiện, đơn vị đã có đơn hàng đến hết tháng 10/2022 và tính riêng 5 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của Công ty đạt 5.589 USD tương đương 128 tỷ đồng. Nhờ hoạt động có hiệu quả, Công ty đã giải quyết việc làm cho 400 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 6 triệu đồng/người/tháng”.

Theo báo cáo của Sở Công Thương, 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tỉnh Yên Bái ước đạt 147 triệu USD tăng 13% so với kế hoạch, tương đương 17 triệu USD, tăng 49% so với cùng kỳ. Trong đó, may mặc là một trong 4 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã mang về 34,62 triệu USD, chiếm tỷ trọng 24%, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái tương đương với 8,15 triệu USD. 

Với việc xuất khẩu bùng nổ, nhìn chung, thời điểm này, các DN hoạt động trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đều bận rộn với các đơn hàng. Dấu hiệu này cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế cũng như khẳng định năng lực tiếp cận thị trường và kỹ thuật sản xuất của các DN may mặc của tỉnh trong việc đáp ứng tốt yêu cầu khắt khe của các thị trường. 

Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực, các DN may vẫn phải đối mặt với thách thức, đó là vấn đề chi phí vận tải cao, bất lợi về tỷ giá khiến DN may giảm sức cạnh tranh trước các đối thủ. Cùng đó, áp lực về nguồn nhân lực vẫn hiện hữu. 

Được biết, hiện nhu cầu tuyển dụng lao động cho các DN đều cao như: DaeSeung Global cần tuyển 1.000 lao động, Unico Global YB cần tuyển dụng thêm ít nhất 500 lao động. Vì vậy, bên cạnh tuyển dụng thêm lao động các DN còn quan tâm tới các chính sách đãi ngộ để giữ chân người lao động lâu dài.
Văn Thông

Tags Yên Bái xuất khẩu may mặc tăng trưởng Công ty TNHH Unico Global YB Công ty TNHH DaeSeung Global

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục