Tăng trưởng tín dụng kịch trần: Doanh nghiệp sẽ thiếu vốn dịp cuối năm?

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/9/2022 | 7:42:56 AM

YênBái - Sang nửa cuối tháng 9 nhu cầu về vốn tăng đột biến thì nhiều chi nhánh ngân hàng thương mại đã đạt trần hạn mức tín dụng, không thể cho doanh nghiệp (DN) tiếp tục vay vốn. Trong khi đó, đây là thời điểm cả nền kinh tế bước vào giai đoạn nước rút, các DN thương mại chuẩn bị hàng hóa phục vụ khách hàng, khối xây lắp tập trung hoàn thiện, bàn giao công trình, các DN khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm sản… "vào mùa".

Cán bộ Agribank Chi nhánh huyện Văn Yên Bắc Yên Bái giao dịch với khách hàng. Ảnh: Văn Tuấn
Cán bộ Agribank Chi nhánh huyện Văn Yên Bắc Yên Bái giao dịch với khách hàng. Ảnh: Văn Tuấn

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Yên Bái, đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế trên địa bàn đạt 34.000 tỷ đồng, tăng 12,02% so với 31/12/2021 và tăng 20,94% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, doanh số cho vay mới là 18.792 tỷ đồng với 17.778 khách hàng đã được giải ngân.

Cơ cấu tín dụng đã tập trung vào lĩnh vực đóng góp cho tăng trưởng kinh tế như: cho vay sản xuất, kinh doanh (SXKD), các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.

Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ ước đến 31/8/2022 đạt 18.500 tỷ đồng, chiếm 54,41% tổng dư nợ; dư nợ cho vay lĩnh vực xuất khẩu ước đạt 1.120 tỷ đồng, chiếm 3,29% tổng dư nợ, tăng 2,94% so với cuối năm 2021.

Từ nay đến cuối năm, bám sát định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN Việt Nam và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, hộ SXKD tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để phát triển SXKD.

Nguồn vốn tín dụng có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và hoạt động SXKD của các DN và mấy năm gần đây, NHNN luôn duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 12%/năm và năm 2022, mức tăng trưởng theo kế hoạch đề ra là 14%.

Đây được xem là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trên thế giới nhưng nó cũng phù hợp với một nền kinh tế đang bùng nổ như Việt Nam, đặc biệt là phù hợp với tình hình đất nước vừa qua thời gian dịch Covid-19 và bước vào giai đoạn phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, khi bơm một lượng tiền quá lớn vào nền kinh tế sẽ dẫn đến lạm phát và lĩnh vực tài chính, tiền tệ luôn là công cụ để Chính phủ điều hành kinh tế vĩ mô.

Ngày 18/9/2022, Phó Thống đốc NHNN Phạm Hồng Hà cho biết: "Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm đến nay là 14%. Mức này cao hơn năm 2020 và năm 2021. Theo đó, NHNN sẽ không điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng”.

Không cho phép tăng trưởng tín dụng và quyết định được đưa ra đúng thời điểm đại bộ phận các ngân hàng thương mại (NHTM) đã hết hoặc gần hết hạn mức và Yên Bái cũng không phải là ngoại lệ. Đáng nói hơn, con số còn trên dưới 2% tăng trưởng dư nợ mà NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái đưa ra là vào thời điểm cuối tháng 8. 

Bước sang nửa cuối tháng 9 nhu cầu về vốn tăng đột biến thì nhiều chi nhánh NHTM đã đạt trần hạn mức tín dụng. Không còn hạn mức để cho vay, buộc các ngân hàng thương mại phải tìm kế "hoãn binh”. 

Nói như một cán bộ tín dụng (đề nghị không nêu tên) thì: "Không nỡ từ chối khách hàng khi họ có một bộ "hồ sơ đẹp”, chẳng còn cách gì khác đành động viên họ chờ đến lượt”. Không được vay vốn, nhiều DN sẽ phải tạm gác lại dự án của mình hoặc chạy đôn, chạy đáo, giật gấu vá vai. 

Tình trạng càng trở nên trầm trọng khi mà cả nền kinh tế bước vào giai đoạn nước rút, các DN thương mại chuẩn bị hàng hóa phục vụ khách hàng, khối xây lắp tập trung hoàn thiện, bàn giao công trình, các DN khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm sản… vào giai đoạn đẩy mạnh SXKD khi mùa vụ đến hoặc thời tiết hanh khô… 

Trước sức ép từ phía khách hàng, các NHTM đang rất nỗ lực để có vốn giải ngân như: chỉ đạo cán bộ tín dụng tích cực thu hồi nợ nhằm quay vòng được nhiều lần; tạo điều kiện cho khách hàng vay cũ có nhu cầu thanh toán trước thời hạn; từ đó, có nguồn vốn để tiếp tục cho vay mới… 

Với giải pháp này nhiều chi nhánh NHTM vẫn cố duy trì được hoạt động cho vay. Tuy nhiên, chỉ giải ngân được những món vay nhỏ và đặc biệt là khách hàng phải đáp ứng thỏa mãn được các điều kiện. 

Theo ghi nhận của phóng viên, tới thời điểm cuối tháng 9, Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) vẫn còn dư hạn mức tăng trưởng tín dụng (Room) và phần lớn các NHTM đều đạt hoặc xấp xỉ đạt trần hạn mức tín dụng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu về vốn của nền kinh tế, đặc biệt là cho các đối tượng thuộc nhóm ưu tiên tập trung cho vay, các chi nhánh NHTM đã và đang nỗ lực trình ngân hàng trung ương bổ sung nguồn vốn. 

Được biết, sáng ngày 18/9, Chi nhánh Agribank Bắc Yên Bái đã được bổ sung thêm 100 tỷ đồng. Số tiền không quá lớn nhưng kết hợp với những món mới thu hồi đã giải được ngay cơn "khát vốn” của khách hàng, đặc biêt là DN. 

Ngay trong đầu giờ sáng ngày 19/9 (tức chưa đầy 24 giờ sau khi được bổ sung nguồn vốn) NHTM này đã giải ngân 3 món vay với tổng số tiền trên 10 tỷ đồng, giúp khách hàng chủ động triển khai phương án SXKD. 

Chiều ngày 20/9, một tin vui khác đã tới với rất nhiều khách hàng đang chờ vay vốn tại Chi nhanh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái khi ngân hàng này đã được duyệt tăng thêm 335 tỷ đồng cho 3 tháng cuối, đưa tổng dư nợ năm 2022 của toàn Chi nhanh lên 8.400 tỷ đồng.

Vấn đề hiện nay là các DN phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện cho vay, đặc biệt là phải hấp thụ được nguồn vốn; phải cơ cấu lại DN, rút ngắn quy trình SXKD, quay vòng vốn nhanh; đặc biệt, không thể dựa dẫm hoàn toàn vào đồng vốn của các tổ chức tín dụng và phải có những kênh vốn khác như: cổ phần hóa DN, tích lũy nguồn vốn tự có… thì mới có sự bền vững.
Lê Phiên

Tags Tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp thiếu vốn

Các tin khác
Giá vàng miếng SJC tăng mạnh hơn 1 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (25/4), giá vàng miếng SJC tiếp tục tăng mạnh tiến sát mốc 85 triệu đồng/lượng. Bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng lần thứ hai, giá vàng miếng vẫn có xu hướng tăng không kiểm soát.

Cán bộ kiểm lâm Văn Chấn kiểm tra cây giống trước khi trồng rừng.

Vốn là “điểm nóng” trong công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) và phát triển rừng (PTR), nhưng những năm trở lại đây, huyện Văn Chấn có nhiều giải pháp trong QLBV, phòng chống cháy rừng (PCCCR) cũng như phát triển vốn rừng. Nhờ vậy, những cánh rừng nghèo nay đã và đang hồi sinh trở lại.

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục