Yên Bái lan tỏa phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/1/2023 | 7:56:41 AM

YênBái - Hôm nay, mùng 6 tết Nguyên đán Quý Mão, Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” được triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh Yên Bái. Đây được xem là hoạt động mang nhiều ý nghĩa nhằm đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, hướng đến mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho người dân…

Hưởng ứng Tết trồng cây tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Hưởng ứng Tết trồng cây tại xã Phú Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

Xuân Canh Tý năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng phong trào toàn dân tham gia "Tết trồng cây”. Từ mùa xuân ấy đến nay, cứ mỗi độ tết đến, xuân về, các địa phương trong tỉnh đều phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” và hoạt động này đã thực sự trở thành ngày hội của toàn Đảng, toàn dân. Hàng năm, các địa phương trong tỉnh trồng mới được trên 12.000 ha rừng và hàng triệu cây phân tán. 


Năm 2022, tuy còn gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, biến động phức tạp của thị trường thế giới tác động đến sản xuất nông - lâm nghiệp và thị trường lâm sản, song với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, ngành. sự nỗ lực của nông dân, các thành phần kinh tế, phong trào thực hiện tết trồng cây, trồng rừng vẫn phát triển mạnh mẽ. 

Trong năm, toàn tỉnh đã trồng mới được trên 15.861 ha rừng, đạt 102,3% kế hoạch và trồng 5,77 triệu cây xanh phân tán; tỷ lệ che phủ rừng giữ  ổn định 63%, đứng thứ 6 toàn quốc; chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đạt trên 146,4 tỷ đồng, góp phần nâng cao sinh kế cho người làm nghề rừng. 

Nhờ phát triển trồng rừng, đến nay, Yên Bái đã có vùng nguyên liệu rừng trồng sản xuất trên 200.000 ha; trong đó, có trên 90.000 ha rừng tập trung với  sản lượng gỗ khai thác hàng năm trên dưới 700.000 m3 gỗ và khoảng trên 150.000 tấn tre, vầu, nứa, đưa Yên Bái trở thành tỉnh trọng điểm phát triển rừng trồng sản xuất, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ rừng trồng. 

Cùng đó, để nâng cao giá trị cho sản phẩm gỗ rừng trồng, tỉnh đã khuyến khích người dân, các thành phần kinh tế tham gia trồng, kinh doanh rừng gỗ lớn; quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC, chứng nhận hữu cơ. 

Từ nỗ lực và những giải pháp hiệu quả, đến nay, toàn tỉnh đã cấp Chứng chỉ rừng bền vững FSC và VFCS/PEPC, chứng nhận quế hữu cơ cho 19.309,6 ha rừng; qua đó, góp phần gia tăng giá trị thu nhập của người trồng rừng. 

Bên cạnh phát triển vốn rừng, để nâng cao giá trị sản phẩm lâm nghiệp, thông qua chính sách thu hút đầu tư, nhiều doanh nghiệp chế biến đi vào sản xuất nâng cao giá trị gỗ rừng trồng và khép kín chu trình tạo lập sự gắn kết trong sản xuất giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến. Trong năm 2022, tỉnh đã thu hút được một số dự án đầu tư trong lĩnh vực chế biến lâm sản công nghệ cao như: dự án đầu tư nhà máy sản xuất viên nén nhiên liệu công suất 168.000 tấn sản phẩm/năm, ván ghép thanh 28.000 m3/năm của Công ty TNHH Đầu tư lâm nghiệp Hòa Phát; dự án đầu tư nhà máy sản xuất tủ bếp công suất 100.000 bộ/năm của Công ty TNHH Sản xuất Mộc Viên; dự án đầu tư nhà máy sản xuất tủ bếp công suất 100.000 bộ/năm, viên nén nhiên liệu 18.000 tấn/năm của Công ty TNHH Công nghiệp chế biến gỗ Hà Yên; dự án đầu tư nhà máy sản xuất ván ghép thanh công suất tương đương với 36.000 m3/năm; sản xuất viên nén gỗ công suất 60.000 tấn/năm của Công ty cổ phần Lâm nghiệp Hòa Phát… Đây sẽ là đòn bẩy để đưa Yên Bái trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng của khu vực.

Theo kế hoạch năm 2023, toàn tỉnh trồng mới trên 15.500 ha rừng; duy trì độ che phủ rừng đạt 63%. Để hoàn thành mục tiêu này và tạo sự lan tỏa sâu rộng đến các cấp, ngành và đồng bào các dân tộc, tỉnh đã tổ chức phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” gắn với triển khai thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng và trồng cây, trồng rừng.

Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Quý Mão 2023 bắt đầu từ ngày 27 /1/2023 (mùng 6 tháng Giêng năm Quý Mão); trong đó, Lễ phát động trồng cây lâm nghiệp của tỉnh năm 2023 được tổ chức tại thôn Thanh Tú, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn. Ngay sau khi chương trình lễ phát động, hơn 1.300 cán bộ, lực lượng kiểm lâm, công an, quân sự và người dân trên địa bàn các xã: Đại Lịch, Chấn Thịnh, Tân Thịnh, Minh An, Cát Thịnh cùng tham gia trồng 3,5 ha cây keo.

Cùng thời gian này, các huyện, thị xã, thành phố cũng đồng loạt ra quân thực hiện tết trồng cây, trồng rừng và ngày đầu ra quân các huyện, thị, thành phố trong tỉnh sẽ trồng khoảng 650 ha. 

Huyện Văn Yên là lá cờ đầu trong phong trào trồng cây, trồng rừng mùa xuân, cũng là địa phương có vùng chuyên canh quế lớn nhất cả nước. Ông Vũ Minh Phúc - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: "Để hoàn thành mục tiêu trồng mới trên 3.000 ha rừng, huyện đã xây dựng kế hoạch trồng rừng tới từng địa phương; tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành công tác thiết kế, chuẩn bị tốt cây giống để phục vụ nhu cầu trồng rừng của nhân dân. Cùng đó, các địa phương trong huyện đều phát động Tết trồng cây để người dân hăng hái tham gia trồng cây, trồng rừng ngay từ những ngày đầu năm. Qua đó, thúc đẩy phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng và huyện phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng cả năm ngay trong vụ xuân”. 

Cùng với Văn Yên, tại các địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động xác định địa điểm trồng cây, lựa chọn những giống cây trồng phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hình thành các vùng trồng cây hàng hóa theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây được xem là tiền đề để các địa phương hiện thực hóa và phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2023 về bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây phân tán, phát triển lâm sản ngoài gỗ… theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; kế hoạch thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, đề án trọng điểm khác của lĩnh vực lâm nghiệp. 

Thông Nguyễn

Tags Yên Bái Tết trồng cây

Các tin khác
Lãnh đạo UBND huyện Yên Bình khen thưởng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã có thành tích xuất sắc trong năm 2023.

Sáng 20/4, huyện Yên Bình tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư trên địa bàn huyện năm 2024.

Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 312/QĐ-TTg về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Giá vàng nhẫn tăng mạnh ngược chiều với vàng SJC.

Sáng nay (20/4), giá vàng nhẫn tăng mạnh theo đà tăng của giá thế giới lên trên mốc 77 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC quay đầu giảm sau khi có thông tin đấu thầu vàng vào thứ Hai tuần tới.

Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục