Công ty cổ phần Chè Phú Tân:

Đứng vững trong khó khăn

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/9/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thời gian qua, tình hình sản xuất kinh doanh chè của các doanh nghiệp từng rối như một mớ bòng bong khổng lồ. Mặc dù đã có nhiều giải pháp, song hầu hết các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chè đều rơi vào cảnh lận đận. Có doanh nghiệp phải dừng sản xuất, thậm chí đóng cửa nhà máy.

Niên vụ chè năm 2007, thị trường tiêu thụ tốt song chè nguyên liệu thiếu trầm trọng bởi cơn lốc "chè vàng" đẩy giá nguyên liệu lên cao. Nhà máy chạy đôn chạy đáo, cạnh tranh quyết liệt cũng không đáp ứng được 30% công suất máy, công nhân thiếu việc làm, thu nhập giảm. Không chịu lùi bước trước những khó khăn, Công ty cổ phần Chè Phú Tân (Văn Chấn) đã tìm cho mình hướng đi phù hợp, sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Là một doanh nghiệp mới thành lập năm 2004, lại không nằm trong vùng nguyên liệu dồi dào, vậy mà Công ty liên tục sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Kết thúc năm 2006, doanh thu đạt 20 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 2 tỷ đồng, cuộc sống của 130 công nhân ổn định, với mức thu nhập bình quân 1,2 triệu đồng/người/tháng. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Công ty thu mua trên 4 ngàn tấn chè búp tươi và đã sản xuất trên 900 tấn chè thành phẩm, nộp ngân sách 1,3 tỷ đồng.

Những con số đó không phải là lớn, song trong tình cảnh sản xuất kinh doanh chè đầy khó khăn như hiện nay thì nó thật ấn tượng và không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Khi hỏi về yếu tố nào tạo nên những thành công của Công ty, ông Nguyễn Văn Thủy - Giám đốc thẳng thắn nói: "Chẳng có bí quyết nào, tôi chỉ nghĩ có một điều là toàn bộ vốn đầu tư vào nhà máy là tiền cá nhân, mà đã là tiền cá nhân thì vấn đề cốt lõi là làm sao bảo toàn được nguồn vốn và đưa Công ty phát triển.

Là doanh nghiệp tư nhân, ngoài việc bảo tồn vốn, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy kinh tế địa phương, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước, chúng tôi chấp nhận cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Cùng với việc cạnh tranh, Công ty cũng phải xây dựng chiến lược sản phẩm và chiến lược vùng nguyên liệu bền vững, tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, quản lý".

 Đặc thù của Công ty là không có vùng nguyên liệu riêng mà phải thu mua trong dân, do vậy đơn vị tăng cường mối liên kết với người dân vùng nguyên liệu cùng với hàng năm đầu tư hàng tỷ đồng mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hộ dân nào thiếu vốn có nhu cầu phân bón đầu tư cho sản xuất Công ty sẵn sàng cung ứng, đảm bảo thu mua hết nguyên liệu cho dân, cho dù thị trường có biến động như thế nào đi nữa, thì cũng mua theo giá thị trường.

Hiện nay Công ty đang thu mua bình quân 2300-2600 đồng/kg tùy theo chất lượng sản phẩm, kiên quyết không thu mua chè búp thu hái không đảm bảo phẩm cấp. "Mua chè không đảm bảo phẩm cấp không phải Công ty sản xuất không hiệu quả, bởi sản phẩm sản xuất không đòi hỏi chất lượng quá cao, nhưng mình cứ mua ào ào như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng tới vùng nguyên liệu, năng suất giảm và không bền vững về sau" - Giám đốc Thủy khẳng định như vậy.

Quả thật, có đến Công ty cổ phần Chè Phú Tân mới thấy hết được sự đầu tư khá bài bản. Hai dây chuyền sản xuất chế biến chè theo công nghệ CTC khá hiện đại, cùng một dây chuyền chế biến chè xanh. Toàn bộ dây chuyền từ làm héo, vò, sấy... phân loại sản phẩm gần như tự động hoàn toàn, công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện Công ty đang chế biến ra 9 loại sản phẩm, từ chè phẩm cấp cao đến cấp thấp đáp ứng yêu cầu của thị trường. Hàng năm doanh nghiệp cử cán bộ sang các nước như: Trung Quốc, Xri-lan-ka, Ấn Độ và các nước thuộc Liên Xô cũ... vừa tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh. Nhờ vậy, sản phẩm đều tiêu thụ hết và được khách hàng đánh giá cao.

Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất kinh doanh hiện nay, Công ty cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên liệu không đáp ứng cho sản xuất, tổng công suất nhà máy là 80 tấn búp tươi/ngày, trong khi ngày cao điểm nhất cũng chỉ thu mua được 40 tấn búp tươi. Để đáp ứng cho sản xuất, Công ty đề nghị với huyện cho được mở rộng địa bàn đầu tư phân bón và thu mua nguyên liệu trong dân đồng thời cũng mong muốn được tỉnh, huyện tạo điều kiện về đất đai, cơ chế để đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu riêng theo mô hình nông trang.

Qua thực tế ở Công ty cổ phần Chè Phú Tân càng khẳng định rõ trong cơ chế thị trường phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, doanh nghiệp nào, công ty nào có chiến lược sản xuất kinh doanh, chiến lược sản phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp thì sản xuất kinh doanh vẫn hiệu quả.

Thanh Phúc

Các tin khác
Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Trấn Yên.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng...

Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu.

3 tháng đầu năm, người dân Trấn Yên đã trồng mới được 90 ha, bằng 58,5% kế hoạch năm, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 999 ha.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục