Phát triển nghề trồng nấm - hướng đi mới ở thành phố Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/1/2011 | 10:25:42 AM

YBĐT - Trong những ngày đầu năm 2011 này, nông dân thành phố Yên Bái đang bước vào giai đoạn thu hái nấm vụ thu đông 2010 với niềm vui lớn vì giá nấm trên thị trường tương đối cao so với các sản phẩm nông sản khác.

Sản phẩm mộc nhĩ của nông dân xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) được phơi khô đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho thị trường tết Tân Mão.
Sản phẩm mộc nhĩ của nông dân xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) được phơi khô đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho thị trường tết Tân Mão.

Hiện nay giá các loại nấm sò trung bình từ 20.000 đồng/kg, mộc nhĩ 80.000 đồng/kg và nấm linh chi có giá từ 400.000 – 600.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi trồng nấm có lãi khá cao. Theo tính toán của các hộ dân nuôi trồng từ 1.000 bịch nấm đến trên 4.000 bịch nấm, sau khi thu hoạch, trừ chi phí nấm sẽ cho lãi từ 5 - 8 triệu đồng. Với mức lãi như vậy, nếu gia đình nào trồng cả hai vụ xuân – hè và thu - đông thì năng suất cũng như thu nhập cao hơn rất nhiều. Vì hiệu quả như vậy nên vụ xuân – hè năm 2010 thành phố mới có 34 cơ sở nuôi trồng nấm thì đến vụ thu - đông 2010 đã có 48 cơ sở, hộ gia đình tham gia trồng nấm với mô hình vừa và lớn. Tổng diện tích lán trại năm 2010 là 4.435m2 với trên 405.441 bịch, sản lượng nấm cả năm ước đạt 195 tấn.

Với đà phát triển này, năm nay sẽ có thêm nhiều hộ dân thành phố tham gia nuôi trồng nấm ăn cũng như nấm dược liệu vì đây là mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của nghề trồng nấm cũng đặt ra vấn đề cần đa dạng hoá sản phẩm vì hiện nay sản phẩm nấm chủ yếu của các cơ sở nuôi trồng nấm thành phố là nấm sò, nấm mộc nhĩ và nấm linh chi. Trên thực tế do sản phẩm nấm sò tươi chủ yếu tiêu thụ ngay trong ngày nên người trồng nấm thường gặp khó khăn khi thời tiết nóng bức hay không phải dịp lễ tết, cưới hỏi. Trong khi đó thị trường tiêu thụ nấm còn hẹp, chủ yếu là trên địa bàn; các cơ sở nuôi trồng nấm lại chưa ký kết được các hợp đồng tiêu thụ mang tính ổn định lâu dài.

Hiện tại mới chỉ có hơn 20 hộ trồng nấm sò nên sản phẩm làm ra đáp ứng đủ với nhu cầu thị trường tiêu thụ của thành phố nhưng nếu có thêm vài chục hộ nữa cũng trồng sản phẩm này thì khi đó thị trường sẽ bão hoà dẫn đến giá thành sản phẩm sẽ hạ. Trước thực tế trên, nhiều cơ sở năng động đã tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ như gia đình bà Nguyễn Thị Dịu ở thôn 6, xã Hợp Minh. Bà Dịu cho biết: “Hàng tháng cơ sở của tôi xuất đi các huyện như Văn Chấn, Nghĩa Lộ… hàng trăm kilôgam nấm các loại.

Riêng với sản phẩm nấm sò thương phẩm gia đình tôi phải đầu tư máy hút chân không và bảo quản lạnh để đưa ra tiêu thụ tại thị trường các địa phương trong tỉnh. Song do chi phí đầu tư trang thiết bị có giá trị khá lớn nên mới chỉ có 3 cơ sở gồm gia đình tôi cùng HTX ứng dụng khoa học công nghệ chế biến nông lâm sản xuất khẩu xã Nam Cường và hộ ông Vũ Văn Hương, xã Giới Phiên là áp dụng biện pháp trên.

Niềm vui được mùa nấm.

Với sản phẩm nấm linh chi cho hiệu quả cao hơn, đòi hỏi kỹ thuật nuôi trồng phức tạp hơn nên hiện mới chỉ có 5 hộ thực hiện nuôi trồng, trong đó hộ có mô hình lớn nhất là của gia đình bà Nguyễn Thị Dịu với quy mô 1 vạn bịch nấm linh chi. Bên cạnh đó, sản phẩm nấm mộc nhĩ cơ hội phát triển lại cao hơn vì đây là sản phẩm đòi hỏi phải sấy khô sau khi thu hoạch nên khi tiêu thụ không quá phụ thuộc vào thời tiết cũng như biến động của thị trường.

Bà Ngô Thị Nhung, một hội viên nông dân phường Yên Thịnh cho biết: “Sau khi tham quan các mô hình trồng nấm tôi thấy nuôi trồng nấm mộc nhĩ phù hợp với gia đình tôi hơn cả. Bởi không quá mất công chăm sóc, sản phẩm làm ra có thể sấy khô nên không sợ để lâu sẽ hỏng như nấm sò”.

Có thể nói, việc triển khai Đề án hỗ trợ người dân nuôi trồng nấm thực phẩm và  nấm dược liệu của thành phố Yên Bái là bước phát triển hợp lý trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hoá. Sản phẩm nấm đang góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo, làm giàu từ chính tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, để các mô hình nấm phát triển ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao thì việc làm cần thiết hiện nay là tuyên truyền vận động cho người dân hiểu rõ về các sản phẩm nấm khác nhau, tránh tình trạng người dân thấy hiệu quả trước mắt lại thi nhau nuôi trồng nấm với các mô hình nhỏ lẻ gây bão hoà thị trường. Bên cạnh đó, các cơ sở  cần tập trung áp dụng kỹ thuật nuôi trồng hợp lý và trồng các giống nấm mới có chất lượng cao như nấm hương, nấm mỡ, đặc biệt là nấm linh chi. Thành phố cũng nên khuyến khích các hộ xây dựng các tổ hợp nuôi trồng nấm, như vậy vừa đa dạng hoá được sản phẩm, vừa mở rộng được thị trường tiêu thụ.

Đồng thời đẩy mạnh chuyển giao KHKT trong nuôi trồng nấm các loại cho các cơ sở nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng công nghệ sạch. Tăng cường phối hợp với Ngân hành Chính sách Xã hội giải quyết vốn vay ưu đãi cho các hộ nuôi trồng nấm. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất lớn đầu tư thiết bị máy móc phục vụ sản xuất như máy đóng bịch nấm giống, máy hút chân không và máy sấy khô để nâng cao chất lượng sản phẩm nấm. Có như vậy việc nuôi trồng nấm thực phẩm và nấm dược liệu mới phát triển bền vững góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Thông Nguyễn

Các tin khác
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Diễn tập ứng phó phòng cháy, chữa cháy rừng tại huyện Trấn Yên.

UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy rừng, nhất là các khu vực trọng điểm; sẵn sàng hỗ trợ các địa phương về lực lượng, trang thiết bị chữa cháy, thông tin điểm cháy, công tác chỉ huy khi có cháy rừng lớn xảy ra; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực lâm nghiệp và dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng...

Người dân xã Minh Quân, huyện Trấn Yên trao đổi kinh nghiệm trồng, chăm sóc cây dâu.

3 tháng đầu năm, người dân Trấn Yên đã trồng mới được 90 ha, bằng 58,5% kế hoạch năm, nâng tổng diện tích dâu toàn huyện lên 999 ha.

Các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu tỉnh Yên Bái

Sáng 23/4, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến về giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục