Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ: Tập trung xây dựng nền sản xuất hàng hóa

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/3/2011 | 9:26:20 AM

YBĐT - Nằm ở gần khu vực trung tâm huyện Văn Chấn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội.

Với tiềm năng thế mạnh về đất đai và nguồn nhân lực, nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ thị trấn đề ra mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm nông lâm nghiệp, công nghiệp.

Nền tảng của nông trường quốc doanh

Nằm trải rộng trên diện tích 1.700km2, thị trấn Nông trường Nghĩa Lô có trên 1.500 hộ dân sinh sống tại 13 tổ dân phố, điều kiện tự nhiên cũng như chính sách xây dựng vùng kinh tế của Đảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho nền kinh tế, xã hội của thị trấn phát triển khá toàn diện. Với lợi thế về địa hình gồm nhiều đồi núi thấp, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng, Nhà nước đã chọn nơi đây xây dựng Nông trường chè Nghĩa Lộ.

Với hàng trăm hộ dân miền xuôi đến khai khẩn đất hoang, phát triển vùng nguyên liệu chè phục vụ cho nhà máy chè 13 tấn lúc bấy giờ, là dấu mốc quan trọng trong phát triển kinh tế ở thị trấn. Trải qua hơn nửa thế kỷ lao động, sản xuất, đến nay nhân dân thị trấn đã có trên 410 ha chè kinh doanh, 170 ha lúa nước, cùng hàng trăm ha rau màu, cây ăn quả. Nhà máy chè 13 tấn xưa đã phát triển thành Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ với nhà máy có công suất 28 - 30 tấn/ngày. Trên nền tảng của một nông trường quốc doanh, nhân dân thị trấn đã sớm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển đa dạng cây trồng, đa ngành, nghề, kết hợp nông nghiệp, lâm nghiệp với phát triển công nghiệp thương mại dịch vụ.

Ngoài Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ hiện nay thị trấn là địa bàn sản xuất chính của Công ty cổ phần Xây dựng Quang Thịnh và cùng hàng chục cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm sản khác. Sản xuất phát triển, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn luôn đạt 12 - 13%, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 5,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 15 triệu đồng/năm.

Nhiều giải pháp thực hiện

Những kết quả đạt được là cơ sở để Đảng bộ thị trấn đề ra mục tiêu giai đoạn 2010 - 2015 xây dựng nền kinh tế theo hướng hàng hóa, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè và lúa gạo. Giải pháp đề ra là đổi mới phương thức sản xuất, lựa chọn khâu đột phá trong phát triển kinh tế, ưu tiên cây con giống có chất lượng, quy hoạch vùng sản xuất và thu hút đầu tư từ các chương trình dự án nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi.

Với mục tiêu giải pháp đề ra, năm 2010, được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy Văn Chấn, thị trấn đã thực hiện thành công bước 1 mô hình dồn điền đổi thửa ở tổ dân phố 3B. Với việc giảm độ chênh mặt ruộng và mở rộng thửa đã tạo điều kiện cho việc cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Năm qua 100% diện tích lúa nước ở tổ dân phố 3B được gieo cấy bằng giống lúa Chiêm Hương theo phương pháp sạ hàng.

Ngoài ra trong năm 2010 tổ dân phố 3B còn ký hợp đồng với doanh nghiệp Trường Xuân sản xuất thử nghiệm 5 ha lúa giống Chiêm Hương góp phần nâng cao giá trị sản xuất và chủ động nguồn giống cho nhân dân địa phương. Với năng suất lúa thịt trung bình đạt 14 tấn/ha/năm và lúa giống đạt 9,5 - 10 tấn/ha/năm, kết hợp với trồng rau màu vụ 3, giá trị trên 1 ha đất nông nghiệp tại mô hình đã đạt trên 120 - 140 triệu đồng/năm.

Song song với công tác dồn điền đổi thửa, thị trấn đã được Dự án Q.Seep tỉnh Yên Bái triển khai Dự án chè sạch. Thực hiện dự án này thị trấn đã đẩy mạnh công tác quy hoạch, cải tạo chất lượng vùng nguyên liệu chè phục vụ sản xuất, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay trên 60% diện tích chè của nhân dân thị trấn được trồng bằng các giống chè chất lượng cao như LDP1, LDP2, PH1, PH2...

Với năng suất gần 9 tấn/ha/năm, sản lượng hàng năm đạt trên 3.500 tấn đủ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của Công ty Chè Nghĩa Lộ. Ngoài các cơ sở, hợp tác xã, sản xuất chế biến nhỏ lẻ, hiện Công ty cổ phần Xây dựng Quang Thịnh và Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ là 2 doanh nghiệp đóng trên địa bàn thị trấn có dây chuyền sản xuất tiên tiến bậc nhất ở tỉnh Yên Bái.

Với dây chuyền xao, sấy, sàng tách cậng và dây chuyền, ép, đúc, nung, sấy hàng năm công suất của nhà máy chè Nghĩa Lộ đạt trên 800 tấn chè thành phẩm, công suất Nhà máy gạch tuynel đạt trên 20 triệu viên/năm không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong huyện mà sản phẩm chè đã và đang được xuất khẩu ra nhiều nước, sản phẩm gạch đang được nhân dân rất ưa chuộng. Đây là điều kiện quan trọng để nền kinh tế của thị trấn ngày một phát triển.

Kết quả trong phát triển kinh tế và những giải pháp trong thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế hàng hóa giai đoạn 2010 - 2015 là phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương. Tuy nhiên, với điều kiện hạ tầng, giao thông nông thôn còn thiếu và yếu, việc triển khai công tác quy hoạch vùng nguyên liệu đòi hỏi có thời gian, nguồn kinh phí lớn là những khó khăn không nhỏ đối với Đảng bộ, chính quyền thị trấn.

Với vai trò của một thị trấn khu vực trung tâm huyện lỵ Văn Chấn, cấp ủy, chính quyền và nhân dân thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ đang nỗ lực, khắc phục khó khăn, tiên phong đi đầu trong sản xuất, góp phần đưa Văn Chấn trở thành trung tâm phát triển kinh tế khu vực phía Tây của tỉnh.

Trần Van

Các tin khác

Mùa nắng nóng năm 2024 đã đến. Trước những khó khăn trong đảm bảo cung ứng điện đã được dự báo trước, đặc biệt là cao điểm mùa nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 7, nhiều khách hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã sẵn sàng đồng hành cùng ngành điện và cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình tiết kiệm điện, dịch chuyển phụ tải, điều chỉnh phụ tải (DR)…, góp phần hạn chế những nguy cơ gây mất an toàn cho hệ thống lưới điện quốc gia.

Sau phiên đấu thầu vàng ngày 23/4, NHNN sẽ tiếp tục phiên đấu thầu tiếp theo vào 25/4.

Khách hàng giao dịch vàng tại Hà Nội.

Phiên mở cửa sáng 24/4, giá vàng SJC tại nhiều doanh nghiệp vọt lên ngưỡng 83,8 triệu đồng, trong khi vàng nhẫn của Công ty Bảo Tín Minh Châu cũng tăng thêm 100.000 đồng/lượng.

Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình trao đổi kỹ năng mua bán hàng hóa qua mạng xã hội.

Thời gian qua, công tác phòng chống buôn lậu (PCBL), gian lận thương mại và hàng giả (GLTMHG) trên địa bàn huyện Yên Bình đã có sự chuyển biến tích cực, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục