Tân Nguyên đoàn kết xây dựng quê hương

  • Cập nhật: Thứ năm, 24/4/2014 | 8:42:40 AM

YBĐT - Với những nỗ lực chung của cả cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc xãc Tân Nguyên, huyện Yên Bình (Yên Bái), đến nay, 100% số hộ trên địa bàn cơ bản được sử dụng điện lưới quốc gia, đời sống vật chất được nâng lên, đời sống tinh thần cũng được quan tâm, năm 2013 xã có trên 800 hộ được công nhận gia đình văn hoá cấp xã trở lên.

Đường vào thôn Khe Nhàn đã được đầu tư nâng cấp, mở mới giúp nhân dân đi lại thuận tiện.
Đường vào thôn Khe Nhàn đã được đầu tư nâng cấp, mở mới giúp nhân dân đi lại thuận tiện.

Xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình (Yên Bái) có trên 1.500 hộ với 5.400 nhân khẩu, gồm 7 dân tộc: Dao, Nùng, Kinh... cùng chung sống ở 13 thôn, bản. Trong đó, có 8/13 thôn, bản đặc biệt khó khăn, 3 thôn hầu hết là đồng bào dân tộc Dao, 5 thôn đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% nên đời sống còn nhiều khó khăn.

Những năm qua, địa phương đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, tạo môi trường thân thiện cho nhân dân yên tâm lao động sản xuất xây dựng đời sống.

Trước đây, do sự phân biệt về phong tục, tập quán nên hầu như các dân tộc có xu hướng sống độc lập thành từng nhóm, từng thôn, bản riêng biệt, các quan hệ giao lưu qua lại cũng có hạn chế. Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, chấp hành, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, địa phương cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm làm tốt công tác tham mưu cũng như phản ánh kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong xã tới các cấp, các ngành. Từ đó, các chủ trương, chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn đã được thực hiện kịp thời, giải quyết những khó khăn cho nhân dân.

Sự kết nối thông qua học tập, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, lễ hội và trao đổi giao thương hàng hóa... cũng đã góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các dân tộc, các thôn, bản.

Không chỉ riêng các lĩnh vực lao động sản xuất mà trong đời sống xã hội cũng đã có nhiều đôi trai gái không cùng dân tộc kết duyên vợ chồng, càng tăng thêm mối quan hệ ràng buộc giữa các dân tộc với nhau.

Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, để thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm, đồng bào các dân tộc còn tích cực đẩy mạnh tinh thần “lá lành đùm lá rách”, giúp đỡ nhau về khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm, cây con giống trong phát triển kinh tế và đặc biệt là giúp nhau những lúc gặp thiên tai, hoạn nạn.

Điển hình như ở thôn Khe Nhàn, nhân dân đã tình nguyện đóng góp vật liệu, gạo, bát đĩa và công sức để giúp đỡ 2 hộ ông Nguyễn Văn Chính, Đặng Văn Phó không may bị cháy nhà và hộ ông Hoàng Văn Sách bị bão cuốn sập nhà, dựng lại nhà tạm ngay sau khi thiên tai xảy ra, đã giúp các gia đình sớm ổn định lại đời sống.

Ông Hà Văn Chí - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Nhờ duy trì ổn định mối đại đoàn kết giữa các dân tộc, cộng đồng dân cư, làng xóm nên nhân dân phấn khởi học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, sản xuất, xây dựng đời sống. Những năm gần đây, kinh tế - xã hội ở địa phương đã có nhiều thay đổi, nhiều hộ đồng bào dân tộc đã vươn lên làm giàu chính đáng, như hộ ông Hoàng Văn Tôn (dân tộc Nùng) ở thôn Đèo Thao với mô hình phát triển kinh tế sản xuất nông, lâm nghiệp tổng hợp, ông Hoàng Văn Phú (dân tộc Dao) ở thôn Khe Nhàn trồng keo, quế, bồ đề...

Đồng bào dân tộc đã tích cực cho con em đến trường học chữ ở cả các cấp học, góp phần nâng tỷ lệ học sinh đến trường đạt trên 98%. Ngoài học phổ thông, con em đồng bào dân tộc thiểu số còn tích cực đi học nâng cao, đã có 3 em đi học đại học chính quy, trên mười em đi học trung cấp, cao đẳng chuyên nghiệp ở ngoài tỉnh và các tỉnh lân cận; đội ngũ cán bộ công chức ở xã cũng được cơ cấu đầy đủ các thành phần dân tộc  và đều có năng lực, trình độ chuyên môn đảm bảo đáp ứng nhu cầu công việc, công tác của địa phương...ông Chí bổ sung thêm.

Với những nỗ lực chung của cả cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, hàng năm xã đều vận động nhân dân gieo cấy trên 200ha lúa nước, trên 190ha ngô, sắn và trên 50ha rau màu các loại, đã có hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số có kinh tế khá, hộ nghèo đã giảm xuống còn 447 hộ năm 2014. Năm qua, xã đã bê tông hóa được 1km và tu sửa, mở mới, nâng cấp mặt đường được trên 10km đường liên thôn, đảm bảo ô tô đều đến được trung tâm các thôn, bản, thuận lợi cho nhân dân vận chuyển hàng hoá nông sản... Hiện nay, 100% số hộ trên toàn xã cơ bản được sử dụng điện lưới quốc gia, đời sống vật chất được nâng lên, đời sống tinh thần cũng được quan tâm, năm 2013 xã có trên 800 hộ được công nhận gia đình văn hoá cấp xã trở lên.

 A Mua

Các tin khác

Theo quy định hiện hành, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng bắt đầu từ ngày 2 của tháng. Vì vậy, dự kiến lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5/2024 sẽ được chi trả sau dịp nghỉ lễ.

Ảnh minh hoạ.

Cục Hàng không Việt Nam áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 tại các cảng hàng không, sân bay dịp lễ 30/4 - 1/5.

Hai anh em Hà Mạnh Hùng và Hà Duy Minh - Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái nhận quà của nhà tài trợ.

Với mong muốn hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống, thời gian qua, Thành đoàn Yên Bái đã tích cực phối hợp triển khai nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa, trong đó nổi bật là hoạt động “Nâng cánh ước mơ - cùng em tôi đến trường”.

Ngày 24/4, Tỉnh đoàn Yên Bái - Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh tổ chức khánh thành công trình tu bổ Khu di tích lịch sử quốc gia đèo Lũng Lô tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Dự chương trình có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục