Những tâm huyết của người phụ nữ Dao đỏ

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/7/2014 | 3:00:34 PM

YBĐT - Trong vườn hoa rực rỡ, đa sắc màu của trang phục các dân tộc tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Lục Yên lần thứ II, bà thực sự nổi bật trong bộ quần áo của dân tộc Dao đỏ và càng ấn tượng hơn bởi tham luận đầy tâm huyết với những trăn trở, góp sức của bà trong việc bảo tồn, gìn giữ nghề thêu thổ cẩm làm nên những trang phục truyền thống của đồng bào Dao đỏ. Bà là Triệu Thị Nhậy, thôn Hai Túc xã Phúc Lợi (Lục Yên) - một phụ nữ người dân tộc thiểu số tân tiến, luôn gần gũi và uy tín trong cộng đồng.

Bà Triệu Thị Nhậy (người đứng) cùng các thành viên trong nhóm.
Bà Triệu Thị Nhậy (người đứng) cùng các thành viên trong nhóm.

Ngay từ tấm bé, mỗi khi diện bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, bà Nhậy đã luôn thích thú, hãnh diện. Và rồi cô bé Triệu Thị Nhậy được mẹ, được bà chỉ dạy việc cầm cây kim khéo léo thêu những hoa văn thổ cẩm độc đáo từng mảnh, từng mảnh nhỏ làm nên bộ trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ.

Càng ngày, những đường kim mũi chỉ càng tinh xảo, những hình ảnh riêng độc đáo như: dấu chân con hổ, cây thông tiểu, thông đại, con người, con ngựa… hiện ra sinh động dưới đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Vậy mà, theo thời gian, cùng với sự  phát triển của cuộc sống, của xã hội, bà giật mình khi ngày càng nhiều phụ nữ Dao đỏ, đặc biệt là lớp người trẻ tuổi trong cộng đồng rời xa bộ trang phục truyền thống. Chúng cũng chẳng biết thêu, biết may trang phục dân tộc khiến bà trăn trở không yên. Phải làm gì đây để bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm là câu hỏi cứ trở đi trở lại trong bà.

Trong những ngày là cán bộ Hội Phụ nữ xã, đại biểu HĐND tỉnh khóa 3, khóa 4 (1981 - 1985 và 1985 - 1989), đại biểu Quốc hội tỉnh khóa IX (1992  - 1997), bà đã sử dụng những mảnh thổ cẩm thêu từ thời con gái may thành túi đeo đi họp. Chiếc túi thổ cẩm độc đáo được mọi người trầm trồ khen đẹp khiến bà thêm hãnh diện, tự hào. Sau bà thêu, may những chiếc túi xinh xắn tặng cho một vài người bạn thân thiết ở huyện, ở tỉnh, ai cũng rất thích thú. Những điều đó chính là niềm tin để bà nung nấu ý định táo bạo biến sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc thành đồ lưu niệm bán cho du khách gần xa. Và rồi năm 1995, bà quyết định bỏ chút vốn liếng chắt chiu của gia đình thành lập nhóm nghề thêu thổ cẩm tại địa phương.

45 thành viên là phụ nữ dân tộc Dao đỏ trên địa bàn đã tham gia, trong đó có 7 thành viên tàn tật, 1 nạn nhân chất độc da cam. Trước là để giữ nghề, truyền nghề, sau là tạo công ăn việc làm nâng cao thu nhập cho các thành viên. Nhưng để làm được điều đó thì bà phải tính, phải mở rộng quan hệ, tìm bạn hàng tiêu thụ… với bao khó khăn. Trong 5 năm trở lại đây, nhóm đã thêu, may được 150 túi xách tay cùng hàng chục khăn trải bàn, tranh thêu cung cấp cho khách hàng ưa chuộng mặt hàng thổ cẩm. Tổng doanh thu từ việc bán hàng thổ cẩm lưu niệm đạt khoảng 60 - 70 triệu đồng.

Bà Triệu Thị Nhậy cũng như các bậc cao niên trong nhóm luôn tâm huyết, truyền dạy con cháu biết thêu thổ cẩm, gìn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Khi những sản phẩm lưu niệm được tiêu thụ, tay nghề của nhóm thêu được khẳng định và được người dân trên địa bàn quan tâm, để rồi khi thị trường bớt khó khăn, nhóm lại nhận được nhiều đơn đặt hàng thêu may trang phục, nhất là trang phục của cô dâu, chú rể trong ngày cưới.

Nét đẹp truyền thống của người Dao đỏ Phúc Lợi nói riêng hay người Dao đỏ ở địa bàn các xã khác như xã Trung Tâm (Lục Yên) hoặc xa hơn là ở huyện Văn Yên hay tỉnh bạn Lào Cai là dù thường ngày các trai làng, gái bản mặc trang phục phổ thông hiện đại nhưng trong đám cưới họ đều mặc trang phục cô dâu, chú rể truyền thống của dân tộc mình. Từ xa xưa, trang phục cô dâu, chú rể đều phải do chính người con gái tự làm và phải mất gần 1 năm ròng với đầy đủ: khăn trùm đầu sừng, khăn vấn đầu, yếm, 4 cái thắt lưng, áo, quần và váy của cô dâu cùng 1 chiếc áo thêu của chú rể.

Đó là những trang phục, phụ trang hết sức cầu kỳ và tinh xảo, đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mẩn và hết sức kiên trì của người con gái. Nhưng hiện nay, hầu như các cô gái không còn tự may được trang phục cho mình và chú rể theo phong tục truyền thống. Bởi vậy, họ phải đặt hàng may thuê. Vì thế, vào mùa cưới, nhóm khá bận rộn. Trung bình một bộ trang phục cô dâu, chú rể giá khoảng 5 triệu đồng, mỗi năm nhóm làm khoảng vài chục bộ. Hiện tại, do ít đơn đặt hàng nên số thành viên làm nghề thường xuyên không nhiều, chỉ khoảng 20 người thêu các chi tiết và 4 người may ghép hoàn thiện sản phẩm. Thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Từ diễn đàn của Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Lục Yên lần thứ II, bà Nhậy phát biểu đầy tâm huyết và trách nhiệm: “Sẽ tiếp tục vận động nhân dân bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời mong muốn tiếp tục duy trì và phát triển sản phẩm thổ cẩm truyền thống góp phần giải quyết công ăn, việc làm tăng thu nhập cho phụ nữ trên địa bàn…”. Bà cũng trăn trở, để đi đến thành công, rất cần sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cả sự ủng hộ, gìn giữ, bảo tồn của đồng bào dân tộc Dao đỏ trên địa bàn, nhất là việc truyền dạy cho thế hệ trẻ.

May mắn gặp các thành viên trong nhóm nghề ở nhà bà, thấy ngưỡng mộ những đôi tay nhà nông chai sần nhưng đường kim thêu thoăn thoắt, khéo léo dần thành hình những sản phẩm tinh xảo, cầu kỳ. Càng thấy vui hơn khi trong các thành viên có già, có trẻ. Bà Triệu Thị Cầu năm nay đã 69 tuổi vừa thêu vừa tự hào chỉ dạy lớp con cháu những hoa văn khó đòi hỏi sự khéo léo, tỷ mẩn. Những em gái như Phùng Hoài Linh, Thiều Thị Phượng đang tập những đường kim đầu tiên cho thấy một tín hiệu đáng mừng về sự tiếp nối. Quả thật, nếu được đầu tư, có bệ đỡ, nhóm nghề của bà Nhậy chẳng những sẽ giữ gìn, phát huy được nét văn hóa độc đáo của dân tộc mà còn góp phần vào phát triển ổn định cho vùng quê thuần nông còn nhiều khó khăn như Phúc Lợi.

Ngọc Tú

Các tin khác
Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm.

Chiều 19/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gần 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Ảnh minh họa

Nghị định 40/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 nêu rõ chế độ, chính sách, của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức được áp dụng từ 1/7 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục