Đi qua nỗi đau

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/7/2014 | 2:35:58 PM

YBĐT - Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng những nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai. Nỗi đau chiến tranh là mái tóc đã điểm bạc, là đôi mắt đã mờ nhòa, là nỗi nhớ thương của những người mẹ, người cha, người vợ, người con… có người thân đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Bà Đinh Thị Xuân, phường Nam Cường (thành phố Yên Bái) thắp hương cho chồng là liệt sĩ Ngô Văn Thanh.
Bà Đinh Thị Xuân, phường Nam Cường (thành phố Yên Bái) thắp hương cho chồng là liệt sĩ Ngô Văn Thanh.

Tháng 7, tôi tìm đến gia đình bà Đinh Thị Xuân, phường Nam Cường (thành phố Yên Bái) - vợ của liệt sĩ Ngô Văn Thanh hy sinh tại chiến trường Lào năm 1966. Bà kể: “Ông nhà tôi hơn tôi một tuổi, lấy nhau được hơn một năm thì ông ấy nhập ngũ. Tôi ở nhà một mình với hai con trai, lo toan, chăm sóc gia đình và đợi ngày ông ấy trở về. Đều đặn một năm, ông ấy về nghỉ phép thăm tôi và con một lần. Cứ thế, tôi hy vọng rồi chờ đợi đến ngày giải phóng để gia đình được đoàn tụ…”.

Bà Xuân cứ thế gánh vác, lo toan cho tổ ấm yêu thương thiếu bóng hình người chồng của mình. Đó là nỗi vất vả nhưng cũng là niềm tự hào không thể gọi thành tên của bà.

Bà Xuân bùi ngùi: “Hôm ấy, ba mẹ con tôi đang quây quần bên mâm cơm thì có một người lạ gọi cửa. Tôi còn nghĩ là ông nhà tôi viết thư gửi đồng đội mang về. Nhưng khi cầm tờ giấy báo tử trên tay, tôi chết điếng người, trên tay bế thằng thứ hai mới được 3 tháng tuổi. Chỉ ước có thể khóc cho nhẹ nỗi lòng mình…". Bà tiếp lời: “Cả một thời gian sau đó, tôi triền miên trong những giấc mơ, tôi vẫn không tin đó là sự thật. Nhưng rồi với những lời động viên của mọi người và hơn hết là vì hai đứa con trai, tôi cũng phải vững tâm và trấn tĩnh lại để sống. Sống không phải là sống tiếp mà là phải sống thật tốt!”.

Lục tìm lá thư cuối cùng mà ông Thanh gửi về, bà đưa cho tôi và nói: “Ngần ấy năm trôi qua, lá thư này giống như là bùa hộ mệnh, là động lực để tôi cố gắng đứng vững và bươn trải với cuộc sống cho đến khi hai đứa con trai mình trưởng thành”. Tôi không khỏi nghẹn ngào khi đọc từng dòng chữ viết vội của người chồng ngoài chiến tuyến gửi về cho người vợ ở hậu phương của mình:

“Xuân yêu thương!

Đã mấy tháng trôi qua rồi nhỉ. Thật là lâu và lâu lắm rồi. Tính đến nay đã 10 tháng xa gia đình, xa quê hương và xa người vợ yêu thương của anh. Phải chăng là vì nhiệm vụ và công tác nên tình cảm phải tạm gác?... Giờ đây xa Tổ quốc làm nhiệm vụ quốc tế vô sản giết giặc bảo vệ nước bạn. Đến khi nào trừ hết giặc lại trở về với Tổ quốc và nhân dân, khi đó sẽ trở về thăm quê hương, thăm xóm làng. Trước mắt là hoàn thành nhiệm vụ, khi trở về sẽ có nhiều thành tích đóng góp với Tổ quốc và đơn vị, sẽ đặt nhiều thắng lợi. Đó là quyết tâm của anh… Em còn nhớ chăng những chiều ngày gần bên nhau trong những ngày nghỉ phép trước đây? Cũng không xa lắm để chúng mình hưởng hạnh phúc như vậy. Khi ấy ta sẽ nói và nói hết, gửi gắm ở nhau những dòng nhiệt huyết tâm tình…”.

Giọt nước mắt cố kìm nén đã lăn dài trên má, mắt đăm chiêu nhìn vào khoảng không vô định, bà Xuân bùi ngùi: “Thời gian đó cũng vất vả lắm, chiến tranh vẫn liên miên mà tôi thì một nách hai đứa con. Đúng vào năm ông nhà tôi hy sinh, nhà cửa, đất đai của gia đình phải trả lại hết cho sân bay. Không còn cách nào khác, tôi phải dắt hai đứa con đi gửi ở nơi sơ tán, cứ con một nơi, mẹ một nơi. Thế rồi cũng bươn trải, nuôi được hai đứa trưởng thành như ngày hôm nay…”.

Rời nhà bà Xuân, tôi tìm đến gia đình liệt sĩ Phạm Vũ Tuấn ở tổ 15, phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái). Ông là Phạm Vũ Sửu, năm nay xấp xỉ 80 tuổi. Bà là Từ Thị Mạn, năm nay đã ở tuổi 75. Ông bà đon đả đón khách như những người thân lâu ngày được gặp lại.

Khi được hỏi về người con trai của mình, bà Mạn tự hào kể: “Tôi sinh được năm người con, nó là con trai trưởng trong nhà. Nó đi bộ đội năm 1978, lúc ấy mới vừa tròn 18 tuổi. Tôi với ông nhà tôi cũng không biết nó đăng ký đi bộ đội lúc nào. Nó chỉ nói với tôi mấy câu ngắn gọn: “Mẹ cứ để con đi bộ đội nhé. Con đi rồi, em Dũng sẽ không phải đi nữa”. Đến lúc bấy giờ, tôi mới biết quyết tâm của nó”.

Nói tới đây, hai hàng nước mắt của bà Mạn đã lăn dài trên má... Ông Sửu trầm ngâm: “Lúc con trai nhập ngũ, gia đình cũng chỉ nghĩ đơn giản là nó đi xa một thời gian rồi sẽ trở về. Nó tham gia chiến đấu ở chiến trường Bắc Ngầm, Lào Cai và hy sinh do bị pháo kích bắn vào người. Khi đồng đội từ chiến trường trở về báo tin, tôi sững người, cái cảm giác ấy cho đến giờ vẫn không thể nào quên”. Qua giọng nói run run của người cha, tôi cảm nhận được nỗi đau ấy lớn biết nhường nào!

Chiến tranh đã đi qua gần 40 năm nhưng những nỗi đau vẫn chưa nguôi ngoai. Nỗi đau chiến tranh là mái tóc đã điểm bạc, là đôi mắt đã mờ nhòa, là nỗi nhớ thương của những người mẹ, người cha, người vợ, người con… có người thân đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Vượt lên và đi qua nỗi đau mất mát ấy, những người thân của các liệt sĩ hôm nay với nghị lực mạnh mẽ đã sống thật tốt, thật xứng đáng với người đã khuất! Và chúng tôi, những người trẻ hôm nay noi theo gương ấy để hoàn thiện mình.

Thu Trang

Các tin khác
Hàng ngày, các thành viên Tổ tự quản về ATGT Trường THCS Quang Trung đã phân công nhau điều tiết, đưa học sinh sang đường theo hướng đi bên phải

Hơn 1.700 tổ tự quản về an ninh trật tự và gần 450 tổ tự quản về an toàn giao thông toàn tỉnh Yên Bái đã và đang góp phần phát huy tinh thần tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở cộng đồng trong giữ gìn an ninh trật tự.

Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm.

Chiều 19/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gần 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục