Tăng cường quản lý y tế tư nhân

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/9/2014 | 3:08:10 PM

YBĐT - Với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân, những năm qua, ngành y tế tỉnh Yên Bái đã xây dựng, hình thành mạng lưới y tế hoàn chỉnh, phát triển rộng khắp từ tuyến tỉnh đến huyện và các xã, thị trấn. Trong đó, hệ thống các cơ sở y tế tư nhân cũng phát triển nhanh, tạo nên những hiệu ứng tích cực trong công tác khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân…

Cán bộ Phòng khám Đa khoa Việt Tràng An (thành phố Yên Bái) siêu âm cho người đến khám bệnh.
Cán bộ Phòng khám Đa khoa Việt Tràng An (thành phố Yên Bái) siêu âm cho người đến khám bệnh.

Ông Mai Long Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ Y tế, Sở Y tế khẳng định: "Hàng năm, các cơ sở hành nghề y tư nhân đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh cũng như một số địa phương thuộc các tỉnh lân cận. Ước tính hết quý III năm 2014, các cơ sở y tế tư nhân đã khám và điều trị cho trên 50 nghìn lượt bệnh nhân, chiếm 1/3 tổng số lượt khám và điều trị trên địa bàn".

Đáng nói hơn, các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh được kiểm tra, giám sát cũng như quy trình cấp chứng chỉ hành nghề khá bài bản, theo đúng quy định của Bộ Y tế. Quy trình cấp chứng chỉ đối với người hành nghề và giấy phép hoạt động đối với các cơ sở KCB phải được thông qua các bước cụ thể như: Sở Y tế và trực tiếp là bộ phận chuyên môn chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ của các cá nhân, tổ chức rồi phân công chuyên viên thực hiện nhiệm vụ. Sở Y tế tiến hành thẩm định hồ sơ, thẩm định cơ sở vật chất (đối với giấy phép hoạt động) theo quy định. Sau đó, tiến hành xem xét các yêu cầu, đối chiếu với các quy định, nếu đủ điều kiện mới đề nghị lãnh đạo Sở cấp chứng chỉ hoặc giấy phép hành nghề…

Hiện tại, Sở Y tế đã tiếp nhận hồ sơ và phê duyệt cấp 1.414 chứng chỉ cho người hành nghề KCB (trong đó có 356 chứng chỉ ngoài công lập) và 147 cơ sở KCB được cấp giấy phép hoạt động theo đúng quy định của Luật KCB (trong đó có 133 cơ sở ngoài công lập). Bên cạnh đó, với chức năng quản lý Nhà nước về y tế trên địa bàn, Sở Y tế còn thành lập các đoàn thanh tra thường xuyên, định kỳ và đột xuất tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra việc triển khai hoạt động của các cơ sở hành nghề y tư nhân. Đặc biệt, đoàn thanh tra chú trọng đến vấn đề chấp hành các quy chế chuyên môn, nghiệp vụ do Nhà nước ban hành.

Qua đó, sớm phát hiện những dấu hiệu sai sót chuyên môn để nhắc nhở, ngăn chặn và xử lý kịp thời, giúp các cơ sở y tế tư nhân nâng cao chất lượng KCB, hạn chế tối đa hậu quả ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe và kinh tế của người bệnh. Qua thanh tra, kiểm tra, ngoài việc chấp hành tốt các quy định của Nhà nước, các cơ sở y tế tư nhân trên địa bản tỉnh đều có sự đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, chất lượng KCB được nâng lên rõ rệt. Các hoạt động về chuyên môn, hợp tác chuyên môn, công tác đào tạo cán bộ, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật giữa y tế công lập và y tế dân lập khá tốt, góp phần làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, trong quá trình hoạt động của mình, y tế tư nhân vẫn còn có những hạn chế nhất định như: một số cơ sở hoạt động quá phạm vi hoặc quảng cáo ngoài mức khả năng cho phép; quy mô hoạt động của các cơ sở chưa mang tính đồng bộ cao; mối quan hệ trao đổi, hỗ trợ về chuyên môn giữa các cơ sở y tế dân lập và công lập hầu hết còn hạn chế, do vậy, chưa tập trung sức mạnh tổng hợp trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; công tác đào tạo cán bộ nâng cao tay nghề trong một số loại hình hoạt động chuyên khoa như: dụng cụ phẫu thuật nội soi, điều dưỡng răng - hàm - mặt, phẫu thuật nội soi ổ bụng, phẫu thuật PHACO… chưa thực sự được quan tâm ở hầu hết các cơ sở y tế ngoài công lập; nghiên cứu khoa học có thể coi là một hoạt động còn yếu tại tất cả các cơ sở hành nghề y tư nhân; một số cơ sở, đặc biệt ở các địa phương xa trung tâm tỉnh lỵ chưa chấp hành tốt quy định về chế độ báo cáo đã làm ảnh hưởng đến theo dõi, tổng hợp các hoạt động KCB chung…

Quy trình cấp giấy phép hay chứng chỉ hành nghề y tư nhân cũng như các hoạt động về chuyên môn đã và đang khá tốt thì vấn đề quản lý hoạt động hành nghề y đối với các ông lang, bà mế hiện nay lại đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông Mai Long Sơn, hành nghề y tư nhân hay hành nghề bốc thuốc nam cũng đều phải có giấy phép hoặc chứng chỉ công nhận thì mới được hoạt động. Hiện nay, Sở Y tế mới chỉ cấp giấy phép và chứng chỉ hoạt động cho 24 trường hợp có phòng chẩn trị y học cổ truyền, còn các đối tượng không có chứng chỉ nhưng vẫn hành nghề nhưng do hoạt động "chui" nên rất khó cho công tác quản lý.

Việc các "lang băm" hoạt động "mập mờ" như vậy đã gây hậu quả đáng tiếc đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Đơn cử, tháng 3/2014, ông Đặng Văn Chế ở thôn 1 xã Yên Hợp, huyện Văn Yên bị chó dại cắn đã tìm đến "thầy lang vườn" ở xã Xuân Ái mua thuốc chữa trị. Kết quả, ông Chế tử vong. Trước đó, tháng 1/2013, bà Đỗ Thị Thoa ở khu 2A, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn bị chó dại cắn nhưng bà Thoa không đến các cơ sở y tế tiêm phòng dại mà tìm đến "lang băm" và bà đã không thoát khỏi bệnh dại. Khi đoàn kiểm tra của Sở Y tế đến làm việc, hai trường hợp "lang vườn" bốc thuốc gây tử vong cho ông Chế và bà Thoa đều không có chứng chỉ hành nghề. Các ông lang, bà mế chưa được cấp chứng chỉ nhưng vẫn hành nghề là sai phạm nghiêm trọng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với các đối tượng này là hết sức cần thiết.

Để các cơ sở y tế tư nhân hoạt động hiệu quả, góp phần vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngành y tế Yên Bái cần tiếp tục hướng dẫn, triển khai và kiểm tra giám sát việc thực hiện các quy định mới của pháp luật trong lĩnh vực KCB như: hướng dẫn các cơ sở y tế tư nhân thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật KCB, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng chống HIV/AIDS, Luật An toàn vệ sinh thực phẩm… và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, cấp chứng chỉ cho người hành nghề và giấy phép hoạt động cho các cơ sở KCB theo quy định; triển khai hướng dẫn thực hiện quy chế chuyên môn, các chế tài xử phạt vi phạm hành chính; đẩy mạnh các hoạt động quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực KCB thông qua tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với hoạt động hành nghề y tư nhân… Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ về chứng chỉ, giấy phép đối với các cá nhân, tập thể hoạt động KCB bằng đông y, cần có chế tài xử phạt thật nghiêm các đối tượng không có chứng chỉ nhưng vẫn "lén lút" hoạt động.

Ngọc Sơn - Anh Hải

Các tin khác
Hàng ngày, các thành viên Tổ tự quản về ATGT Trường THCS Quang Trung đã phân công nhau điều tiết, đưa học sinh sang đường theo hướng đi bên phải

Hơn 1.700 tổ tự quản về an ninh trật tự và gần 450 tổ tự quản về an toàn giao thông toàn tỉnh Yên Bái đã và đang góp phần phát huy tinh thần tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở cộng đồng trong giữ gìn an ninh trật tự.

Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm.

Chiều 19/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gần 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục