Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Giải pháp bền vững, hiệu quả thiết thực

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/9/2014 | 9:44:14 AM

YBĐT - Sau gần 4 năm đưa mô hình trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú vào hoạt động, con em đồng bào các dân tộc tại các xã vùng sâu, vùng xa huyện Mù Cang Chải đã gắn bó hơn với trường lớp, tình trạng bỏ học giảm hẳn. Các em học sinh ở xa trường hàng chục ki-lô-mét đi bộ đường rừng núi nhờ đó cũng đã có điều kiện học tập tốt hơn.

Giờ ăn cơm của học sinh Trường PTDT bán trú Chế Cu Nha.
Giờ ăn cơm của học sinh Trường PTDT bán trú Chế Cu Nha.

Hiện nay, huyện Mù Cang Chải có 14 trường PTDT bán trú với tổng số 4.675 học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó cấp tiểu học 2.515 em, cấp trung học cơ sở 2.160 em. Ở hầu hết các trường bán trú đều có đủ điều kiện cơ sở vật chất như nhà bán trú, bếp nấu ăn, các điều kiện sinh hoạt tập thể, phân công giáo viên phụ trách quản sinh, huy động các nguồn lực đóng góp để các em đủ ăn, đủ sách vở… giúp các em yên tâm học tập. Năm học 2014 - 2015 này, Trường PTDT Bán trú THCS Chế Cu Nha có 253 học sinh.

Cô giáo Nguyễn Thị Luyến - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Từ khi áp dụng mô hình bán trú, cả nhà trường và học sinh đều thuận lợi trong việc học tập, sinh hoạt và giảng dạy. Giáo viên lên lớp không phải đợi học sinh như trước đây. Học sinh cũng không phải vượt cả một quãng đường dài và nguy hiểm đến lớp. Nhà trường cũng xây dựng lịch sinh hoạt, quản lý giờ học tập để học sinh có thời gian nhiều hơn trong việc bổ sung kiến thức ngoài giờ lên lớp. Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện thuận lợi cho các em học bán trú cũng góp phần đẩy lùi nạn tảo hôn cũng như chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ học sinh khá, giỏi chiếm 2/3 tổng số học sinh toàn trường; số lượng học sinh bán trú duy trì đều từ 66% - 73%".

Còn cô giáo Nguyễn Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú TH & THCS Khao Mang chia sẻ: "Khi mới chuyển sang mô hình trường bán trú, nhà trường cũng thiếu thốn về cơ sở vật chất, nhà ở cho học sinh. Qua một thời gian khắc phục, mô hình trường bán trú được đưa vào thực hiện đã đem lại hiệu quả rất đáng mừng. Tỷ lệ chuyên cần và chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt. Học sinh trong trường chủ yếu là con em đồng bào các dân tộc thiểu số nên việc giao tiếp với bạn bè, thầy cô còn rụt rè. Tuy nhiên, sau một thời gian được học tập và sinh hoạt trong cùng một môi trường, các em đã trở nên cởi mở hơn trong giao tiếp với bạn bè và thầy cô giáo. Đây cũng là một tín hiệu đáng mừng của các em cũng như của nhà trường".

Sau khi có Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách về học sinh bán trú và trường PTDT bán trú, mỗi học sinh mỗi tháng được hỗ trợ bằng 40% mức lương tối thiểu chung để hỗ trợ tiền ăn và được hưởng không quá 9 tháng/năm học. Năm học 2013 - 2014, theo Quyết định số 36/2013/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ mỗi học sinh 15kg gạo/tháng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã kịp thời triển khai tới các trường học. Những chính sách hỗ trợ kịp thời, thiết thực của Nhà nước đã tác động mạnh mẽ và tích cực đến việc duy trì sỹ số học sinh. Gia đình các em bớt lo lắng về tiền ăn và gạo mỗi tháng, bản thân các em cũng không phải trực tiếp nấu ăn nên có nhiều thời gian học tập hơn.

Em Hờ A Xu, học sinh lớp 9B, Trường PTDT Bán trú THCS Chế Cu Nha cho biết: "Từ khi được học tập và ăn ở tại trường, em không còn phải vất vả đi lại nữa, lại còn có nhiều thời gian cho việc học hơn. Đi học được hỗ trợ nên bố mẹ em cũng không bắt em phải bỏ học ở nhà như trước nữa".

Theo ông Phạm Thế Hảo - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải, sau gần 4 năm thực hiện mô hình trường bán trú, tuy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất nhưng đến nay, mô hình này đã đem lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các trường học đã chú trọng triển khai việc học 2 buổi/ngày cho học sinh; tổ chức thêm nhiều tiết học sinh hoạt ngoài giờ; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số tốt nghiệp THCS đạt 100%. Tất cả học sinh trong các trường bán trú được trang bị kiến thức, kỹ năng sống thông qua các buổi sinh hoạt lớp, các buổi ngoại khóa, đặc biệt là không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

Với mô hình trường học bán trú, các em được ăn, được ở tập trung và học tập tại chỗ; thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với bạn bè, thầy cô, giúp các em năng động hơn và chịu khó học tập hơn. Đây được xem là giải pháp bền vững để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của huyện Mù Cang Chải trong những năm qua và các năm tiếp theo.

Thu Trang

Các tin khác
Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm.

Chiều 19/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gần 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Ảnh minh họa

Nghị định 40/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 nêu rõ chế độ, chính sách, của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức được áp dụng từ 1/7 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục