Tưởng nhớ 1 năm ngày mất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (4/10/2013 - 4/10/2014) Những giờ được ở bên Đại tướng

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/10/2014 | 8:55:15 AM

YBĐT - Trong đời, tôi có vinh dự 5 lần được về bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi lần, dù là về thăm, về làm việc với tư cách người sưu tầm tư liệu lịch sử hay đưa các đoàn thiếu nhi, học sinh về chúc thọ Đại tướng là một lần tôi có thêm những kỉ niệm hết sức sâu sắc và thiêng liêng.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân chụp ảnh lưu niệm với thầy và trò lớp 10A, khóa 1990 - 1992, Trường trung học nội trú vùng cao Yên Bái tại nhà riêng, năm 1990. Ảnh: T.L
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân chụp ảnh lưu niệm với thầy và trò lớp 10A, khóa 1990 - 1992, Trường trung học nội trú vùng cao Yên Bái tại nhà riêng, năm 1990. Ảnh: T.L

Trong đời, tôi có vinh dự 5 lần được về bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi lần, dù là về thăm, về làm việc với tư cách người sưu tầm tư liệu lịch sử hay đưa các đoàn thiếu nhi, học sinh về chúc thọ Đại tướng là một lần tôi có thêm những kỉ niệm hết sức sâu sắc và thiêng liêng.

1. Ngày 5 tháng 7 năm 1989, nhân dịp Đại tướng tròn tuổi 78, tôi - với tư cách Phó bí thư Tỉnh đoàn Hoàng Liên Sơn phụ trách công tác thiếu nhi trường học được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đưa các em đi trại hè tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) - chúng tôi có ý định đến thăm ông để các em được gặp gỡ vị Đại tướng - Tổng tư lệnh nổi tiếng. Văn phòng Đại tướng thỉnh thị ý kiến và báo tin là Đại tướng đã nhận lời, chúng tôi mừng quá!

9 giờ sáng, chiếc xe ca đưa đoàn đến nhà Đại tướng. Từ cửa ngách nhà riêng, Đại tướng bước tới, giơ tay chào thiếu nhi theo kiểu người ông gặp đàn cháu. Tiếng vỗ tay vang dội. Đại tướng phá vỡ không khí trang nghiêm bằng câu hỏi: 

- Các cháu từ tỉnh Hoàng Liên Sơn về thủ đô Hà Nội, thấy Hà Nội thế nào?
- Dạ, đẹp ạ!
- Đẹp như thế nào?

Không có em nào trả lời mà chỉ nhìn nhau cười tủm tỉm. Tôi báo cáo với Bác đôi nét tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thanh niên, thiếu nhi và sự nghiệp giáo dục của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Bác rất chăm chú lắng nghe, có chỗ hỏi đi, hỏi lại cho rõ ràng hơn.

Rồi Đại tướng căn dặn tôi: - Đồng chí cũng như các cháu, khi trình bày, có điều gì phải nói thật. Có nói thật mới chỉ ra nguyên nhân, mới có giải pháp đúng.
Bác nói thêm: - Hoàng Liên Sơn có nguồn tài nguyên đất hiếm, rất quý! Đất đã quý, đất hiếm còn quý hơn.

Anh em chúng tôi dường như lần đầu tiên được nghe đến từ đất hiếm mà lại nghe từ lời Đại tướng. Sau khi các em kể chuyện học tập, làm việc tốt rồi hát cho Đại tướng nghe, tôi xin phép được chuyển đến Đại tướng lá thư tay của ông Lương Văn Ích - tức Lương Quay Sắm - người dân tộc Nùng ở Hòa An, Cao Bằng, là một trong 34 chiến sỹ của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân mà Đại tướng là người phụ trách.

Hôm trước, khi Văn phòng Đại tướng thông báo nhận lời đón các cháu đến thăm, tôi đã đến báo tin cho bác Lương Văn Ích biết. Nghe tin, bác Ích liền viết tay lá thư thăm hỏi, ngoài bì đề: "Lương Văn Ích, Hoàng Liên Sơn, kính gửi Anh: Đại tướng Võ Nguyên Giáp".

Nhận bức thư của người bạn giải phóng quân năm xưa mà mấy chục năm không gặp lại, tôi thấy Đại tướng chăm chú nhìn nét chữ trên phong bì rồi đưa cho người trợ lý của mình và nói: "Ích trước là Tiểu đội trưởng của tôi đấy!". Băng ghi âm của tôi lúc đó đến bây giờ nghe lại vẫn nguyên vẹn phút giây cảm động này...

Đã gần hai tiếng đồng hồ trò chuyện, chúng tôi xin phép được chụp ảnh với Đại tướng trước tiền sảnh ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Các cháu bước lên xe, Đại tướng dặn những người phụ trách: "Đi Sầm Sơn, các cháu tắm biển, phải cẩn thận đấy!". Tôi thưa: "Vâng" và càng hiểu thêm tấm lòng của Đại tướng.

2. Tháng 7 năm 1993, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tuổi 82. Tôi được Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải - đồng chí Giàng A Chu nhờ thiết kế chương trình để Trường Dân tộc nội trú huyện tổ chức đưa đoàn học sinh giỏi về thăm thủ đô Hà Nội và có nguyện vọng được đến thăm Đại tướng.

Hôm ấy, các em thiếu nhi dân tộc Mông xúng xính trong bộ quần áo đẹp đứng dưới vườn cây nhà Đại tướng. Hiệu trưởng nhà trường ghé tai tôi: "Đoàn đến sớm hơn giờ hẹn, Bác còn đang tiếp khách". "Đúng thôi, 20 phút nữa cơ mà!". Do chương trình của đoàn phải thay đổi nên thầy Hiệu trưởng xin phép cho các em được gặp gỡ Đại tướng ngay tại sân vườn.
Đại tướng rất vui khi gặp các cháu học sinh dân tộc Mông Tây Bắc. Ông hỏi bằng tiếng Mông:

- Mề mồng cở tớ trầu chi trầu? (Các cháu có đi học đều không?).
Rồi ông lại hỏi:
- Mù Cang Chải của các cháu, có ai đốt rẫy làm cháy rừng không?
- Bố mẹ các cháu có hay chuyển bản mới không?...

Câu chuyện giữa vị Đại tướng già với các cháu học sinh vừa như lời hỏi han vừa phảng phất nỗi canh cánh của ông với đồng bào dân tộc miền núi mà Đại tướng chưa có điều kiện làm trọn.

Kết thúc cuộc gặp gỡ, xe đưa các em học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải lăn bánh. Tôi và con gái - cháu Hà Thúy Hằng nán lại, tặng ông cuốn sách "Kỷ vật cuối cùng" và xin được chụp chung một tấm ảnh. Đại tướng vui vẻ nhận lời. Anh Thư kí Văn phòng chuẩn bị bấm máy, bỗng ông ra hiệu dừng lại, nhìn quanh thấy hai chị em đứa cháu nội và ngoại đang ném bóng ở sân vườn, ông liền vẫy lại rồi nói: "Đứng vào đây để chụp ảnh!". Thế là bố con tôi được tấm ảnh rất quý, tấm ảnh có Đại tướng, tôi, con gái Thúy Hằng và hai cháu nội, ngoại của ông.

3. Ngày 15 tháng 8 năm 1997, để có thêm tư liệu làm rõ các chiến dịch: Lý Thường Kiệt (thu đông 1951) và Tây Bắc (thu đông 1952) giải phóng Nghĩa Lộ, từ trước đó một tháng, tôi đề xuất với Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Nguyễn Ngọc Bái gửi công văn về Văn phòng Đại tướng xin phép cho được trực tiếp gặp và phỏng vấn Đại tướng. Do thời gian gấp, tôi chỉ kịp mời thêm nhà báo Đặng Thị Thanh Hương ở Tạp chí Văn Nghệ Yên Bái (sau này chị là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) đang công tác tại Hà Nội và mời thêm nhà báo Nguyễn Hải - phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam cùng tham gia buổi gặp.

10 giờ sáng, tại phòng khách, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thư thái ngồi chờ. Sau lời chào hỏi trân trọng, tôi chưa kịp giở sổ, anh Hải còn đang loay hoay lắp máy quay thì Đại tướng trong bộ quân phục và nụ cười quen thuộc đã nói:

- Ta vào việc luôn nhỉ?
 Tôi thưa: "Vâng" và đặt các câu hỏi đã chuẩn bị sẵn (cũng là các câu hỏi gửi về Văn phòng Đại tướng trước đó).

Nguyên văn câu hỏi trong buổi làm việc lịch sử đó là:

1. Thưa Đại tướng, trước hết, xin Đại tướng nói rõ hơn về chủ trương của Trung ương Đảng, của Bác Hồ và Tổng Quân ủy về quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc năm 1952?

2. Thưa Đại tướng, vậy Nghĩa Lộ có phải là trọng tâm của Chiến dịch và Chiến dịch Tây Bắc kết thúc như thế nào?

3. Bác Hồ theo dõi Chiến dịch Tây Bắc như thế nào, thưa Đại tướng?

4. Những ngày Chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Nghĩa Lộ, Sở Chỉ huy của Đại tướng đặt ở đâu? Và Bác đã liên lạc với các sư đoàn, các tướng lĩnh như thế nào?

Và tôi cũng không quên hỏi điều thắc mắc từ mấy chục năm nay mà chưa có sử sách nào làm rõ. Ấy là vì sao Chiến dịch Lý Thường Kiệt 1951 đánh vào trung tâm đồn Pú Chạng - Nghĩa Lộ, ta không giành thắng lợi mà còn chịu nhiều tổn thất? Câu hỏi này, Đại tướng giải thích cặn kẽ nhưng chỉ cho ghi âm chứ không đồng ý ghi hình (tôi đã ghi lại cuộc gặp gỡ này qua bài viết "Ngày thu thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp" in trên Văn nghệ Dân tộc Miền núi của Hội Nhà văn Việt Nam (số 26, tháng 10 năm 1997).

Kết thúc buổi gặp, tôi xin được tặng Đại tướng cuốn truyện dài "Gió Mù Cang" viết về Đội du kích Khau Phạ. Đại tướng nói: "Ở Tây Bắc, lúc đó, Đội du kích Khau Phạ đánh rất giỏi!". Đại tướng vui vẻ nhận lời rồi bảo đại tá Trợ lý Nguyễn Huyên lấy tấm thiếp, ông đặt bút ghi trên mặt sau tấm thiếp có chữ mạ vàng "Đại tướng Võ Nguyên Giáp": "Cảm ơn nhà văn Hà Lâm Kỳ đã tặng cuốn sách "Gió Mù Cang", chân thành chúc đồng chí có những tác phẩm mới!".  

Đại tướng tiễn chúng tôi ra sân, tôi mạnh dạn hỏi ông về bốn câu thơ phác họa cuộc đời Đại tướng là của tác giả nào. Nghe xong, Đại tướng cười rất vui và nói: "Của Tào Mạt đấy!". Bài thơ như sau:

"Võ lược Văn tài loạn thế sinh
Khai Nguyên, định Giáp, quá trung tinh
Vi sư, vi tướng, vi nhân giả
Phát bạch, thanh tân, lạc thái bình"

4. Ngày 15 tháng 10 năm 1997, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng Nghĩa Lộ, tôi đang học bồi dưỡng tại Trường Đại học Văn hóa, một số sinh viên Yên Bái ngỏ ý muốn được đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi liên hệ, Văn phòng Đại tướng thông báo là ông đã nhận lời và hẹn ngày tiếp tại nhà riêng. Thế là đoàn sinh viên Yên Bái của các trường đại học ở Hà Nội được thành lập nhanh chóng với số lượng không quá 15 người.

Đúng 14 giờ, tất cả có mặt tại cổng bảo vệ Tư dinh Đại tướng. Anh Ngọc - cảnh vệ - thông báo Đại tướng mấy hôm nay đang nghỉ dưỡng trên Hồ Tây nhưng kế hoạch tiếp các sinh viên Yên Bái không có gì thay đổi.
Khu biệt thự điều dưỡng của cán bộ cao cấp quân đội có lối vào khá quanh co. Đồng chí trợ lý ra đón nói: "Cứ một lúc Đại tướng lại hỏi: "Các cháu đến chưa?".

Thật cảm động! Thời gian đã chậm hơn một giờ đồng hồ so với hẹn (do đoàn phải đi xe "ôm") mà Đại tướng vẫn chờ gặp. Ông mặc bộ quân phục giản dị, ngồi trên chiếc ghế cũng rất đơn giản trong phòng họp nhỏ. Sau lời chào, tôi chỉ định hai sinh viên xuất sắc là Đào Duy Tùng - Trường Đại học Ngoại giao - ngồi bên trái và Nguyễn Thu Trang - Trường Đại học Ngoại ngữ ngồi bên phải Đại tướng. Tôi ngồi đối diện ông để báo cáo đôi nét về công tác thanh thiếu nhi của tỉnh.

Sau khi nghe xong, Đại tướng quay sang hỏi Trang: "Tại sao cháu lại chọn ngành học ngoại ngữ?" và hỏi Tùng: "Còn cháu, sao cháu lại chọn ngành học ngoại giao?". Tùng trả lời xong, ông nhận xét: "Trông cháu cũng ra dáng nhà ngoại giao đấy nhỉ!". Tất cả cùng cười. Thấy các chén nước trên bàn vẫn còn nguyên, ông cầm một chén đưa cho tôi và nói: "Nào, mời đồng chí phụ trách và các cháu cụng ly!". Tất cả lại cười và cùng chạm ly nước chè với Đại tướng. Tôi thưa với ông, trong đoàn có chị Trâm - sinh viên tại chức Trường Đại học Văn hóa Hà Nội - là vợ liệt sỹ thiếu tá không quân Lê Văn Dũng hy sinh trong khi bay huấn luyện tại Sân bay Yên Bái. Đại tướng hỏi thăm điều kiện gia đình của chị rồi dặn: "Cháu phải cố gắng học, tham gia công tác xã hội để xứng đáng với sự hi sinh của chồng cháu!". Lời ân cần của ông khiến chị Trâm rơm rớm nước mắt...

Rời phòng tiếp, bác cháu cùng thong thả rảo bước trên khuôn viên khu điều dưỡng. Tôi đi nhanh rồi ngoảnh lại bấm máy, tấm ảnh có tên "Người vợ liệt sỹ về bên Đại tướng". Rất vừa ý, tôi tặng Trâm bức ảnh đó mà không nghĩ đến việc lưu ảnh gốc.

5. Ngày 2 tháng 9 năm 2003, với tư cách Hiệu trưởng Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Miền núi (nay là Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái), tôi dẫn đầu đoàn giáo viên, sinh viên về thăm Đại tướng. Do là ngày Quốc khánh nên Đại tướng rất bận nhưng ông vẫn nhận lời. Tôi thấy các đoàn của Bộ Công an, Tỉnh ủy Quảng Bình, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh còn ở phòng chờ thì nghĩ rằng khó hy vọng gặp được Đại tướng.

Chiều lòng các em học sinh, sinh viên các dân tộc miền núi, đại tá Nguyễn Huyên - người trợ lý gần 40 năm phục vụ Đại tướng - nhắc các đoàn Trung ương rút ngắn thời gian. Và rồi Đại tướng xuất hiện trong bộ lễ phục trắng gắn Huân chương Sao vàng. Sau ông là phu nhân Đặng Bích Hà và đại tá Nguyễn Huyên - Bí thư Văn phòng Đại tướng. Lúc ấy, có rất nhiều phóng viên quay phim, chụp ảnh.

Tôi báo cáo tóm tắt về tình hình phát triển của nhà trường rồi giới thiệu em Lý Thị Nhung, dân tộc Mông phát biểu cảm nghĩ và em Hoàng Văn Đạt đọc tấu đàn bầu bản nhạc "Vì miền Nam" của nhạc sỹ Huy Thục. Đại tướng chăm chú lắng nghe rồi bất ngờ hỏi:

- Các cháu học Trường Văn hóa Nghệ thuật?
- Thưa bác, vâng ạ!
- Văn hóa nghệ thuật dân tộc là nguồn lực tinh thần của đất nước, cần phải giữ gìn và phát triển. Các thầy cô giáo và các cháu là những người sẽ cố gắng tham gia vào việc giữ gìn và phát huy vốn văn hóa đó!

Tôi đứng lên hứa với Đại tướng rồi tặng ông chiếc khèn bè của dân tộc Thái Mường Lò. Đại tướng vui vẻ nhận, sau đó quay sang nói tiếng Cao Lan với em Hoàng Thị Gương và nói tiếng Mông với em Khang A Chua. Không khí buổi gặp gỡ rất vui và cảm động! Trước khi ra tiền sảnh nhà riêng chụp ảnh, tôi ngỏ ý mời Đại tướng ghi bút tích lưu niệm vào tấm ảnh quý có chân dung Bác Hồ và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp chụp chung năm 1951 tại Việt Bắc. Đại tướng ngẩng nhìn Trợ lý Nguyễn Huyên hỏi: "Ghi như thế nào được nhỉ?", đại tá Huyên ngoảnh lại hỏi tôi và tôi mạnh dạn nêu ý chính. Đại tướng liền đưa bút viết những dòng chữ rất đẹp với nội dung: "Chúc các cháu Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Yên Bái học thật giỏi, gương mẫu trong công tác, luôn vì nước vì dân, xứng đáng là cháu ngoan của Bác Hồ".

Được về bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người học trò xuất sắc và là người cộng sự rất gần gũi của Bác Hồ trong thời gian sức khỏe của Đại tướng mẫn tiệp là một niềm vui lớn đối với tôi và cả gia đình. Cảm xúc thiêng liêng ấy xin được góp vào hồng phúc của đất nước!

Hà Lâm Kỳ
(Mùng 8, tháng Giêng, năm Nhâm Thìn 2012, bài viết khai xuân mừng đại thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp 101 tuổi)

Các tin khác
Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm.

Chiều 19/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gần 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Ảnh minh họa

Nghị định 40/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 nêu rõ chế độ, chính sách, của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức được áp dụng từ 1/7 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục