Không gian lý tưởng cho văn hóa đọc

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/12/2014 | 9:48:38 AM

YBĐT - Hoạt động của Thư viện thị trấn Yên Thế bước đầu đã cho thấy những hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức xã hội. Đây là mô hình rất cần được nhân rộng.

Người dân đọc sách, báo tại thư viện thị trấn Yên Thế.
Người dân đọc sách, báo tại thư viện thị trấn Yên Thế.

Có diện tích chừng 80m2 với những kệ sách ngay ngắn, những hàng sách, báo, tài liệu được phân loại rõ ràng cùng dãy bàn dài dùng để ngồi đọc, Thư viện thị trấn Yên Thế (Lục Yên) là một không gian lý tưởng cho văn hóa đọc. Dù mới đi vào hoạt động được gần 3 tháng nhưng Thư viện đã cho thấy những hiệu quả rõ ràng.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế chia sẻ: "Trước đây, cũng như nhiều địa phương khác, điều người dân thị trấn quan tâm hàng đầu là làm thế nào để đủ ăn, đủ mặc chứ mấy ai quan tâm tới đọc sách báo. Vài năm gần đây, đời sống nhân dân trong thị trấn nâng lên, nhiều người quan tâm tới báo chí hoặc muốn tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt hay các chính sách pháp luật của Nhà nước thì lại không có điều kiện do nguồn sách hiếm hoi. Từ đó, chúng tôi nảy ra ý tưởng thành lập một thư viện nhỏ, nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh, những người ham đọc có thể tiếp cận với nhiều đầu sách, báo". Từ ý tưởng đó, địa phương đã sử dụng phòng làm việc trước kia của Ban Công an thị trấn nằm ngay trong khuôn viên của trụ sở thị trấn làm thư viện.

Để hoạt động đi vào nề nếp, hiệu quả, thị trấn đã xây dựng quy chế hoạt động và in bảng lớn treo ngay trong phòng đọc. Cán bộ văn hóa xã là người trực tiếp quản lý Thư viện. Dù mới đi vào hoạt động gần 3 tháng nhưng số đầu sách tại Thư viện  khá phong phú với nhiều lĩnh vực như: pháp luật, ngôn ngữ, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, tác phẩm văn học nước ngoài, văn học Việt Nam, truyện thiếu nhi, chính sách, pháp luật...

Để có lượng sách, báo nhiều, phong phú phục vụ độc giả, Ban Quản lý Thư viện đã vận động nhân dân, các tổ chức cá nhân trong và ngoài địa phương quyên góp sách, báo cho Thư viện. Vừa qua, thư viện đã nhận gần 300 đầu sách, báo của nhân dân phường Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) gửi tặng. Sau khai trương, mỗi tháng thư viện thị trấn đón tiếp khoảng 400 lượt cán bộ, người dân, học sinh trong thị trấn và nhiều người dân xã khác đến đọc, nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu phục vụ cho công việc, giải trí, nâng cao kiến thức. Bước đầu, Thư viện đáp ứng được nhu cầu đọc sách báo và tìm hiểu tài liệu của nhân dân trong thị trấn và các xã lân cận. Anh Nguyễn Ngọc Mai - cán bộ Tư pháp thị trấn cho biết: "Hoạt động thư viện là một hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho nhân dân rất tốt. Không gò bó thời gian, không gian, cán bộ và người dân chủ động tìm hiểu, nghiên cứu, tự nâng cao hiểu biết pháp luật của mình. Bên cạnh đó, họ còn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất... từ đó nâng cao dân trí, biết tôn trọng pháp luật, mọi chủ trương của địa phương dễ dàng được người dân ủng hộ, đời sống nâng lên, tai tệ nạn được đẩy lùi".

Thư viện mở cửa hoàn toàn miễn phí cho tất cả mọi người muốn đọc tại chỗ và cho mượn về với những thành viên có thẻ. Thủ tục đăng kí thẻ bạn đọc đơn giản và mức phí chỉ là 10 nghìn đồng/năm. Anh Trần Hữu Dũng - cán bộ văn hóa thị trấn, quản lý Thư viện cho biết: "Thẻ thư viện là để quản lý những đầu sách mượn ra khỏi thư viện, tránh tình trạng thất lạc". Đến nay, Thư viện đã có trên 80 thành viên đăng kí thẻ bạn đọc, lượng người đọc tại chỗ và mượn sách cũng tăng lên. Em Nguyễn Thị Hiền - học sinh lớp 7, Trường THCS Lê Hồng Phong, thị trấn Yên Thế cho biết: "Gia đình em còn nhiều khó khăn, bởi vậy không mua được những sách, truyện thiếu nhi. Từ khi Thư viện thị trấn đi vào hoạt động, em có điều kiện tiếp cận với nhiều loại sách, tài liệu bổ ích, thiết thực phục vụ cho việc học ở trường". Việc đến thư viện đọc sách, báo đã trở thành hoạt động không thể thiếu của nhiều cán bộ hưu trí trong thị trấn. Bác Hoàng Đình Cầu - một độc giả quen thuộc cho biết: "Tôi muốn đọc sách báo, nhất là Báo Yên Bái nhưng không có điều kiện đặt mua. Từ khi thư viện của thị trấn được thành lập, tôi biết nhiều thông tin trong nước, trong tỉnh mình vì ngày nào Thư viện cũng có Báo Yên Bái mới".

Thông tin ngày một phát triển, việc duy trì văn hóa đọc ở nhiều thư viện cấp xã có nhiều khó khăn nhưng cán bộ văn hóa xã lại rất lạc quan: "Nhạt phai hay không là do quản lý, tổ chức. Đầu sách thư viện sẽ ngày một nhiều hơn và đặc biệt theo chu kì thư viện lưu động sẽ đổi mới sách thu hút được độc giả. Và hơn hết, người dân vẫn có nhu cầu đọc, nghiên cứu. Cái mà thư viện cần làm là đổi mới, cập nhật những văn bản, tài liệu về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cập nhật những tài liệu hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật mới vào sản xuất...". Hoạt động của Thư viện thị trấn Yên Thế bước đầu đã cho thấy những hiệu quả thiết thực, đáp ứng được nhu cầu thông tin của người dân, góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức xã hội. Đây là mô hình rất cần được nhân rộng.

Thanh Ba

Các tin khác
Hội nghị tuyên truyền về an toàn giao thông cho đoàn viên, công nhân khu công nghiệp.

Hình thức tuyên truyền, vận động được các cấp công đoàn Yên Bái đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn; kết hợp giữa hình thức trực quan và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người lao động trong tỉnh.

Nhiều người dân chỉ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một cuộc sống khỏe mạnh, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Đây không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà là một cách tiếp cận mới đáp ứng nhu cầu an toàn, bền vững và chất lượng của con người. Những nỗ lực của cộng đồng người tiêu dùng ở Yên Bái đã tạo ra những thay đổi tích cực trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và gắn kết trong cộng đồng.

Chương trình ngoại khoá với chủ đề

Nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá ý nghĩa với chủ đề trình diễn thời trang tái chế, bảo vệ môi trường.

Hiện xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt 57 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Vừa qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình điểm "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường quản lý chất thải nhựa trong trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua các tổ tự quản” tại xã Sơn A. Từ hiệu quả mô hình, HND thị xã đã nhân rộng ra tất cả các cơ sở Hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục