Chống học sinh bỏ học ở vùng khó khăn, dân tộc thiểu số: Giải pháp căn cơ và cộng đồng trách nhiệm

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/1/2015 | 2:43:21 PM

YBĐT - Chống học sinh bỏ học như thế nào và làm sao duy trì sĩ số ngay sau tết Nguyên đán này là quan tâm chung của các nhà trường, ngành giáo dục và các địa phương vùng cao tỉnh Yên Bái hiện nay...

Thầy và trò lớp 6B, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Xuân Tầm (Văn Yên) trong giờ ôn tập môn Toán.
Thầy và trò lớp 6B, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Xuân Tầm (Văn Yên) trong giờ ôn tập môn Toán.

Đang có những lo ngại về tình trạng học sinh THCS bỏ học ở một số địa phương, trường học vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Tết Nguyên đán đang đến gần càng làm tăng thêm những lo ngại. Vì sao học sinh vẫn bỏ học và cần có những giải pháp gì để chống học sinh bỏ học và duy trì sĩ số?...

Phải khẳng định rằng, các chương trình, dự án đầu tư phát triển giáo dục, nhất là các đề án phổ cập giáo dục (PCGD) và phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) cùng một loạt các chính sách hỗ trợ cho giáo dục vùng dân tộc, vùng khó khăn của Nhà nước đã thu hút ngày một nhiều học sinh các bậc học ra lớp.

Nếu như trước kia, ở vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải, có thời kỳ chỉ huy động 45% - 50% học sinh trong độ tuổi ra lớp, có trường tỷ lệ duy trì sĩ số chỉ 30% - 40%, thậm chí có lúc - nhất là sau tết Mông, tết Nguyên đán có nơi chỉ 10% - 20% học sinh đến lớp, tới mức các cô giáo chỉ còn "đứng khóc" thì nay tỷ lệ duy trì sĩ số tại những nơi khó khăn nhất như xã Tà Xi Láng (Trạm Tấu), Mù Cang Chải đã thường xuyên ở mức 90% - 95%, có nơi đạt 98% - 99,8%.

Tuy nhiên, học sinh bỏ học, hao hụt sĩ số vẫn là nỗi lo thường trực của các thầy cô giáo ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thầy giáo Phạm Tiến Quảng - Hiệu trưởng Trường THCS La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cho biết, năm học 2013 - 2014, nhà trường có 5 học sinh bỏ học; học kỳ I năm học này, đã có 8 học sinh bỏ học. Một báo cáo của Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mù Cang Chải thống kê, riêng trong dịp hè năm học 2013 - 2014, đã có trên 190 học sinh bỏ học.

Khảo sát ở các huyện Văn Chấn, Văn Yên, Trạm Tấu, Yên Bình cho thấy, tình trạng học sinh bỏ học gần đây có dấu hiệu gia tăng. Huyện Văn Chấn, trong học kỳ I năm học 2014 - 2015, đã có 41 học sinh bỏ học. Huyện Yên Bình, chưa có con số chính thức nhưng năm học trước đã có 44 học sinh bỏ học. Huyện Trạm Tấu, học kỳ I vẫn còn 29 học sinh bỏ học. So với những năm trước thì số học sinh bỏ học đã giảm rất nhiều - đó là một thành tích tuy nhiên về cơ cấu bậc học có sự khác nhau.

Trước kia, học sinh bỏ học chủ yếu ở các lớp cuối cấp bậc tiểu học, hiện nay là các lớp cuối cấp bậc THCS. Vì sao học sinh THCS bỏ học lại gia tăng, chiếm tới trên 90% số học sinh bỏ học của các địa phương, nhà trường ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số? Khi chúng tôi đã đến Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Xuân Tầm, huyện Văn Yên, thầy giáo Đoàn Văn Viện, cô giáo Ngô Thị Thoa - Phó hiệu trưởng cho biết, tình trạng học sinh bỏ học đã giảm rất nhiều nhưng bậc THCS vẫn còn học sinh bỏ học.

Xuân Tầm là xã vùng cao, chủ yếu là đồng bào Dao sinh sống, 59% trong số đó là hộ nghèo và cận nghèo, tỷ lệ học sinh là người dân tộc Dao chiếm gần 99% tổng số học sinh. Xuân Tầm - theo lãnh đạo nhà trường hiện không có học sinh bỏ học lấy chồng, lấy vợ như một số địa phương khác nhưng bỏ học vì gia đình khó khăn, vì chán học, vì phong tục và tập quán địa phương là có. Năm học 2013 - 2014, đã có 3 học sinh THCS bỏ học vì những lý do trên.

Thầy giáo Đoàn Văn Viện ví dụ: "Có em lười học quá, học không vào, nhà trường đã phân công giáo viên phụ đạo nhưng cũng không tiến bộ, chán học là bỏ. Vận động ra lớp vẫn bỏ, có học sinh về nghỉ tết Nguyên đán xong không ra lớp, tới vận động thì gia đình nói phải qua rằm thì mưa nắng mới thuận hòa, sâu bọ cũng không phá phách - tập quán sản xuất lạc hậu đã ăn sâu và cản trở sang cả việc học hành như vậy!". Chán học vì lười học, học kém chỉ là một lý do, có lý do khá phổ biến ở vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải là học sinh THCS bỏ học để làm việc nhà, lấy vợ, lấy chồng.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, có học sinh học lớp 8 bỏ học lấy chồng, chưa tròn năm đã chia tay nhau, gia đình xin cho em vào học lại, trường nhận học xong chưa tròn năm em lại bỏ học lấy chồng lần nữa, lấy rồi lại chia tay rồi xin vào học tiếp - chuyện như đùa mà có thực, nặng trĩu suy tư. Học sinh bỏ học cũng có khi vì gia cảnh quá khó khăn, vì thiên tai và nhiều lý do khác. Yên Bình là huyện vùng thấp nhưng ở phía đông hồ Thác Bà, các xã dọc quốc lộ 70 - nơi số đông là đồng bào Dao sinh sống, tình trạng học sinh bỏ học gần đây cũng đáng quan tâm. So sánh con số 44 học sinh THCS ở 14 trường học bỏ học trong năm học trước, huyện Văn Chấn 41 học sinh bỏ học trong năm 2014 với con số 28 học sinh THCS bỏ học của huyện Trạm Tấu có thể thấy phần nào lo ngại này.

 Giờ học thể chất của học sinh lớp 6C, Trường THCS xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải.

Chống học sinh bỏ học như thế nào và làm sao duy trì sĩ số ngay sau tết Nguyên đán này là quan tâm chung của các nhà trường, ngành giáo dục và địa phương hiện nay. Khảo sát một số trường học ở Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên, biện pháp đưa ra khá giống nhau. Đó là, tăng cường trách nhiệm giáo viên chủ nhiệm, nhà trường, chính quyền, đoàn thể và gia đình.

Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Trạm Tấu Phạm Mạnh Tưởng cho biết, ngay đầu năm học, Phòng đã tham mưu với Huyện ủy ban hành Chỉ thị số 17/CT-HU, UBND huyện ra kế hoạch thực hiện, chỉ đạo các xã, thị trấn huy động học sinh ra lớp, đặc biệt là đầu năm học và thời điểm nghỉ tết, nghỉ lễ. Các trường và địa phương thành lập các tổ vận động học sinh ra lớp; thầy cô giáo định hướng, quan tâm, động viên học sinh; các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thực hiện kịp thời, đầy đủ... Hiện nay, Phòng đã chỉ đạo các trường học tham mưu cho UBND xã chỉ đạo việc huy động học sinh ra lớp sau tết Nguyên đán và nhiều biện pháp khác.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những biện pháp, cần có những giải pháp căn bản và sự cộng đồng trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành và gia đình, học sinh thì chống bỏ học và duy trì sĩ số ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số mới bền vững và tình trạng học sinh bỏ học mới giảm thiểu tối đa. Tập trung phát triển kinh tế, xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đẩy lùi phong tục, tập quán lạc hậu; quan tâm đầu tư về mọi mặt cho giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến là những giải pháp căn cơ để thu hút học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, chống bỏ học hiệu quả nhất. Giải pháp này cùng với sự quan tâm đầu tư kịp thời của Nhà nước, cần có chủ động, cộng đồng trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, toàn xã hội và gia đình học sinh chứ không riêng gì của ngành giáo dục - đào tạo.

 Q.K

Các tin khác
Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm.

Chiều 19/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gần 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Ảnh minh họa

Nghị định 40/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 nêu rõ chế độ, chính sách, của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức được áp dụng từ 1/7 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục