Hạnh phúc của nghề

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/3/2015 | 3:41:55 PM

YBĐT - Thành lập năm 2010 chỉ với 4 cán bộ gồm 1 bác sĩ chuyên khoa sản, 2 nữ hộ sinh và 1 y sĩ xét nghiệm. Trung tâm Tư vấn, dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS) thuộc Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Yên Bái hoạt động theo hình thức tự thu, tự chi, tự chịu trách nhiệm. Những ngày đầu mới thành lập, đơn vị gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí hạn chế. Song với lòng nhiệt tình, tận tâm, các cán bộ đã cùng nhau khắc phục, vượt khó để đi vào hoạt động ổn định và đạt những kết quả quan trọng.

Bác sĩ Nguyễn Thu Oanh - Giám đốc Trung tâm tư vấn cho khách hàng.
Bác sĩ Nguyễn Thu Oanh - Giám đốc Trung tâm tư vấn cho khách hàng.

Tôi đến Trung tâm Tư vấn, dịch vụ sức khỏe sinh sản (SKSS) thuộc Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Yên Bái khi bác sĩ Nguyễn Thu Oanh - Giám đốc Trung tâm cũng là bác sĩ duy nhất ở đây đang tư vấn cho khách hàng. Tài liệu trên tay, chị vừa chỉ những hình vẽ chuyên khoa vừa nhẹ nhàng tư vấn, phân tích cho một phụ nữ trẻ về SKSS. Có lẽ sự gần gũi, cởi mở, đầy trách nhiệm và đặc biệt chuyên môn chắc chắn của một bác sĩ có thâm niên trong nghề như chị đã mang lại niềm tin tưởng cho khá nhiều khách hàng trên địa bàn thành phố và một số huyện lân cận. Họ đã tìm đến đây để được tư vấn, khám và điều trị các bệnh về sinh sản, về vô sinh hay chỉ đơn giản là thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Thành lập năm 2010 chỉ với 4 cán bộ gồm 1 bác sĩ chuyên khoa sản, 2 nữ hộ sinh và 1 y sĩ xét nghiệm. Trung tâm hoạt động theo hình thức tự thu, tự chi, tự chịu trách nhiệm. Những ngày đầu mới thành lập, đơn vị gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí hạn chế. Song với lòng nhiệt tình, tận tâm, các cán bộ đã cùng nhau khắc phục, vượt khó để đi vào hoạt động ổn định và đạt những kết quả quan trọng.

Sau 5 năm, Trung tâm đã tư vấn trực tiếp miễn phí cho gần 2.000 trường hợp, tư vấn qua điện thoại cho 697 khách hàng; khám, phát hiện bệnh về  sinh sản thông qua siêu âm và soi cổ tử cung cho hàng nghìn trường hợp, đặc biệt đã khám và điều trị vô sinh cho trên 100 ca. Ngoài hoạt động tại Trung tâm, các cán bộ đã tích cực tham gia các chương trình dự án, nhất là các chiến dịch cao điểm.

Trong đó, đã tổ chức 14 chuyến tham gia Dự án “Mở rộng và nâng cao dịch vụ sẵn có về SKSS, sức khỏe tình dục cho người nghèo, đối tượng thiệt thòi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ, đặc biệt là phụ nữ trẻ và thanh niên” (Dự án PMSEU); tổ chức 6 chuyến cung cấp dịch vụ SKSS cho đồng bào dân tộc ít người tại xã Nghĩa Sơn, Gia Hội thuộc huyện Văn Chấn và phường Hợp Minh, xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái) cùng 2 chuyến truyền thông cung cấp dịch vụ tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Yên Bình. Mỗi chuyến đi đều đạt được những kết quả hết sức tích cực đồng thời là những kỷ niệm đáng nhớ, đánh dấu thành công trong chuyên môn. Những thành công, những kết quả đó đã gắn liền với hạnh phúc được làm mẹ, làm cha của hàng chục gia đình hiếm muộn; là hàng trăm phụ nữ được điều trị khỏi bệnh hay phát hiện bệnh, tránh được những rắc rối ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống và lâu dài là cả tính mạng của mình.  

Đó là câu chuyện về trường hợp chị Trần Thị Hồng - thôn Thanh Sơn, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái). Khi Trung tâm về làm dịch vụ tại địa bàn xã, qua siêu âm, bác sĩ Oanh phát hiện chị Hồng bị u xơ cổ tử cung. Sau khi xác định rõ ràng, chị Hồng được tư vấn phải về ngay Bệnh viện Đa khoa tỉnh để mổ lấy khối u. Bác sĩ Oanh nhớ lại: “Đó là trường hợp khá đặc biệt vì u xơ có trọng lượng tới gần 5kg. Ngay sau khi mổ, vừa mừng vừa sợ, Hồng gọi điện cảm ơn, cứ bảo bác sĩ đã cứu cháu, nếu không cháu và mọi người vẫn đinh ninh là cháu béo bụng”.

Rất nhiều trường hợp khác mà bác sĩ Oanh luôn nhớ rõ là trường hợp em gái của Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vũ Linh (Yên Bình) phát hiện u xơ cổ tử cung có biểu hiện sắp vỡ và ngay lập tức, bác sĩ Oanh chỉ định cho bệnh nhân phải về Bệnh viện Đa khoa tỉnh mổ cấp cứu. Hay trường hợp chị Nguyễn Thị Tú, thôn 4, phường Hợp Minh (thành phố Yên Bái) có biểu hiện thiếu máu, người gầy yếu, nhờ được kiểm tra phát hiện bị u xơ cổ tử cung đã được tư vấn điều trị và ổn định sức khỏe… Còn nhiều trường hợp khác qua siêu âm, soi cổ tử cung đã phát hiện bệnh và được điều trị kịp thời.

Phấn khởi nhất có lẽ là những trường hợp vô sinh được cán bộ Trung tâm điều trị và có con. Đến nay, Trung tâm đã khám và điều trị cho 106 trường hợp vô sinh, trong đó đã điều trị thành công cho 16 trường hợp vô sinh I (từ 1 đến 9 năm). Đáng chú ý như trường hợp chị Bàn Thị Lành ở xã Yên Bình (Yên Bình) lấy chồng đã 9 năm mà chưa được làm mẹ. Khi đơn vị làm dịch vụ tại địa phương, chị Lành được khám và giới thiệu về Trung tâm điều trị viêm nhiễm đường sinh dục nữ, kết hợp tư vấn, hướng dẫn trong sinh hoạt vợ chồng, chế độ dinh dưỡng…

Sau hơn 5 tháng điều trị, chị Lành đã mang thai. Ngày chị sinh con, bác sĩ Oanh và các cán bộ Trung tâm là những người đầu tiên chồng chị Lành gọi điện báo tin và cảm ơn. Niềm hạnh phúc được làm mẹ cũng đã đến với chị Lý Thị Hà, xã Kiên Thành (Trấn Yên) sau 5 năm chờ đợi. Các cán bộ kể, tết năm ấy, vợ chồng Hà đưa con xuống Trung tâm chơi. Quà cho các bác, các cô ở Trung tâm - những người mà bấy lâu vợ chồng Hà đã coi như ân nhân, như ruột thịt là bánh chưng, gạo nếp quê nhà.

Sau khi được điều trị vô sinh tại Trung tâm, chị Lý Thị Hà đã được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ.

Bác sĩ Oanh vừa kể vừa đưa tôi xem tấm ảnh của hai mẹ con Hà. Tôi cảm nhận niềm vui ngời trong mắt chị. Có cả những trường hợp như chuyện vui nhưng lại hết sức chân thật và có hậu. Đó là trong lần về làm dịch vụ tại xã Yên Bình (Yên Bình), chị Nguyễn Thị Thu tới nhờ cậy bác sĩ khi lấy chồng đã ba năm mà chưa có con. Siêu âm, phát hiện đúng chu kỳ trứng rụng, bác sĩ Oanh khuyên chị Thu về “gặp” chồng ngay. Oái oăm khi ấy, chồng chị Thu đang đi làm tận Hà Nội. Mọi người nửa đùa nửa thật: “Thế thì đi Hà Nội đi”. Chị Thu bắt xe đi Hà Nội thật. Sau lần ấy, vợ chồng chị gọi điện về báo tin đã có thai và họ đã sinh con. Cùng với các buổi tuyên truyền, tư vấn, cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ thì đó là những kết quả rất đáng mừng, những niềm hạnh phúc trọn vẹn mà không gì đo đếm được. Kết quả đó đã mang lại uy tín và niềm tin tưởng của khách hàng đối với Trung tâm. 

Điều mà bác sĩ Oanh cũng như các cán bộ Trung tâm hết sức trăn trở là hiểu biết về SKSS, các bệnh qua đường sinh sản của phụ nữ không chỉ là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà ngay cả những địa bàn vùng thấp, thành phố cũng rất đáng quan ngại. Đó là trong 905 ca soi cổ tử cung, đã phát hiện 330 ca lộ tuyến, trong đó 18 ca tổn thương nghi ngờ ung thư cổ tử cung phải chuyển tuyến trên kiểm tra. Trong trên 2.000 ca siêu âm tự nguyện, phát hiện 712 ca viêm phần phụ, 67 ca u xơ cổ tử cung, trong đó 19 ca phải mổ, phát hiện mới 16 ca u nang buồng chứng; 7 ca thai chết lưu, thai dị dạng phải chuyển tuyến điều trị. Mặc dù rất muốn đi nhiều, làm nhiều để giúp được nhiều hơn số phụ nữ được khám sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung, phát hiện bệnh qua đường sinh sản có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, đời sống vợ chồng, thiên chức làm mẹ, thậm chí cả tính mạng nhưng điều kiện kinh phí hạn chế, nhân lực ít nên các chuyến đi cơ sở mới chỉ dừng lại ở mức độ nhất định. Trong khi các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Yên là những địa bàn chưa thực hiện được chuyến đi nào khiến cán bộ Trung tâm luôn trăn trở.

Có thể nói, những kết quả trong 5 năm đầu đi vào hoạt động của Trung tâm là nền tảng hết sức quan trọng cần được duy trì, phát huy để góp phần thực hiện tốt sự nghiệp chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên địa bàn tỉnh. Song trong điều kiện của tỉnh còn nghèo, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, giá dịch vụ chỉ thu ở mức thấp; nhiều chuyến đi thu không đủ bù chi phí vận chuyển máy móc, trang thiết bị… nên rất cần sự chung tay tạo điều kiện của chính quyền cơ sở, các tổ chức, đơn vị liên quan để hoạt động của Trung tâm tiếp tục được đẩy mạnh và đạt hiệu quả.

Ngọc Tú

Các tin khác
Hội nghị tuyên truyền về an toàn giao thông cho đoàn viên, công nhân khu công nghiệp.

Hình thức tuyên truyền, vận động được các cấp công đoàn Yên Bái đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn; kết hợp giữa hình thức trực quan và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người lao động trong tỉnh.

Nhiều người dân chỉ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một cuộc sống khỏe mạnh, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Đây không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà là một cách tiếp cận mới đáp ứng nhu cầu an toàn, bền vững và chất lượng của con người. Những nỗ lực của cộng đồng người tiêu dùng ở Yên Bái đã tạo ra những thay đổi tích cực trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và gắn kết trong cộng đồng.

Chương trình ngoại khoá với chủ đề

Nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá ý nghĩa với chủ đề trình diễn thời trang tái chế, bảo vệ môi trường.

Hiện xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt 57 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Vừa qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình điểm "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường quản lý chất thải nhựa trong trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua các tổ tự quản” tại xã Sơn A. Từ hiệu quả mô hình, HND thị xã đã nhân rộng ra tất cả các cơ sở Hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục