Những người “vác tù và hàng tổng” ở Phúc An

  • Cập nhật: Thứ ba, 30/6/2015 | 2:42:59 PM

YênBái - YBĐT - Từ khi tham gia xây dựng mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường năm 2013, tổ tự quản khu trung tâm xã Phúc An, huyện Yên Bình gồm các thôn: Đồng Tanh, Đồng Tâm, Đồng Tha luôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường.

Cũng từ đó đến nay, 100% hộ dân trong khu vực đã tự giác ký cam kết và tham gia mô hình này. Chỉ sau một thời gian ngắn, tình hình vệ sinh khu trung tâm xã đã cải thiện rõ rệt. Các hộ dân tự giác nhắc nhở nhau quét dọn nhà cửa, sân vườn và đoạn đường trước nhà mình hàng ngày, giữ gìn đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp.

Những năm gần đây, kinh tế - xã hội ở Phúc An đã có những bước phát triển mạnh; đặc biệt, lợi thế điều kiện tự nhiên tạo cho Phúc An nhiều điểm hấp dẫn khách du lịch. Sự phát triển nhanh chóng cũng kéo theo nhiều vấn đề bức xúc, trong đó ô nhiễm môi trường khu trung tâm xã luôn là vấn đề nhức nhối.

Bà Hà Thị Thùy Dương - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Khu trung tâm xã có 3 thôn với trên 300 hộ dân, tính trung bình mỗi ngày, các hộ dân xả ra môi trường 500 đến 600kg rác thải. Rác thải ra đường, đốt bừa bãi hoặc xả ngay xuống hồ Thác Bà, lâu dần, tích tụ thành những bãi rác lớn, ô nhiễm môi trường nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người”. Trước thực trạng đó, năm 2013, Hội Nông dân xã đã tham mưu cho UBND xã tiến hành khảo sát mức độ ô nhiễm môi trường và xin ý kiến người dân thành lập tổ thu gom rác thải tại khu trung tâm xã. Ý kiến đưa ra được người dân hưởng ứng nhiệt tình bởi ô nhiễm môi trường đã quá sức chịu đựng.

Theo đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân xã, từ khi triển khai mô hình, người dân mới ý thức được vấn đề bảo vệ môi trường có tác dụng đến sức khỏe và cuộc sống của mình như thế nào. Bây giờ, mọi người đều tích cực giữ gìn vệ sinh từ trong nhà ra đường làng, ngõ xóm. Qua những lần họp thôn định kỳ, tổ tự quản còn tuyên truyền các vấn đề bảo vệ môi trường như: Cấm chặt phá rừng, cây xanh; không xả rác, xác súc vật bừa bãi; giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng tránh dịch bệnh…

Các hộ dân trong khu vực cũng đã xóa bỏ những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện ăn chín, uống sôi, dùng nước sạch trong sinh hoạt, khi bị ốm đến khám tại bệnh viện, xây dựng công trình vệ sinh, nhà tắm. Những vấn đề bức xúc từ thực tế về môi trường của thôn, làng đã được người dân chủ động bàn bạc, xử lý theo nội dung đã cam kết; tình làng, nghĩa xóm từ đó gắn kết chặt chẽ hơn.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia bảo vệ môi trường, các thành viên trong tổ tự quản còn thường xuyên tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường.

Bà Hà Hải Đăng, một hộ kinh doanh chia sẻ: “Trước đây, rác thải của các hộ gia đình tiện đâu vứt đó. Đầu đường, cuối ngõ, rác vương vãi, cống rãnh ngập ứ rác. Một số gia đình nuôi bò để mùi phân hôi thối gây ô nhiễm môi trường nặng. Tuy nhiên, từ khi đăng ký tham gia mô hình, nhân dân trong khu vực ai cũng phấn khởi hưởng ứng tham gia và thường xuyên duy trì tổng vệ sinh quét dọn, nhổ cỏ, nạo vét cống rãnh tiêu thoát nước...  Đối với rác thải, người dân đều gom lại, hàng ngày đem đến các thùng rác của xã để bỏ vào hoặc để gọn trước cửa nhà để 4 giờ chiều hàng ngày người của tổ tự quản đến gom rác và chở đến bãi đổ cách trung tâm 2km”.

Có thể nói, ý thức người dân đã được nâng lên rõ rệt, góp phần vào công cuộc bảo vệ môi trường. Sự thành công của mô hình này phải kể đến công lao của các thành viên tổ phụ trách, đó là những người thường được gắn với cái tên “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Mỗi khi thấy môi trường trong khu vực ô nhiễm hay rác thải ứ đọng trước gia đình hộ dân, các thành viên lại nhắc nhở kịp thời để mọi người tập trung xử lý. Niềm say mê, tinh thần tự nguyện khiến họ gắn bó với công việc vì cộng đồng với nguồn kinh phí thấp từ nguồn đóng góp của các hộ dân, ngoài ra không có khoản phụ cấp, hỗ trợ nào.

Thời điểm này, đến Phúc An ai cũng nhận thấy đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, khang trang, các gia đình đã ý thức bảo vệ môi trường trong nhà và trước ngõ; con đường chính của xã thông thoáng, không còn bức xúc về ô nhiễm môi trường như trước. Ông Nguyễn Minh Việt - Bí thư Đảng ủy xã đánh giá cao sự thành công của mô hình và cho rằng, cách làm này có ý nghĩa lớn trong việc nâng cao ý thức và trách nhiệm giữ vệ sinh môi trường của nhân dân. Để nhân rộng mô hình, thời gian tới, Phúc An sẽ tiếp tục phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường, vận động thực hiện tốt các phong trào như: Xử lý rác thải, nạo vét kênh mương... và nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư.

Anh Dũng

Các tin khác
Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm.

Chiều 19/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gần 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Ảnh minh họa

Nghị định 40/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 nêu rõ chế độ, chính sách, của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức được áp dụng từ 1/7 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục