Kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng nhưng... còn lắm băn khoăn!

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/7/2015 | 4:59:12 PM

YênBái - YBĐT - Cứ vào dịp tết hay lúc giáp hạt, hộ nghèo thiếu đói, hộ bị thiên tai, tai nạn rủi ro hay hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... luôn được hưởng chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia. Đây là sự quan tâm kịp thời của Chính phủ đến với người nghèo, giúp cho những đối tượng này vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống.

Dù sinh sống trong cánh đồng Mường Lò trù phú nhưng nhiều hộ dân nơi đây vẫn phải nhận gạo cứu đói giáp hạt.
Dù sinh sống trong cánh đồng Mường Lò trù phú nhưng nhiều hộ dân nơi đây vẫn phải nhận gạo cứu đói giáp hạt.

Những ngày tháng 7, chúng tôi đến huyện Văn Chấn để tìm hiểu việc tiếp nhận, quản lý, phân phối nguồn gạo dự trữ quốc gia được hỗ trợ trong dịp tết Nguyên đán và hỗ trợ thiếu đói giáp hạt năm 2015. Bà Phạm Thị Minh Hạnh - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện, Phó ban chỉ đạo tiếp nhận và cấp gạo cứu đói giáp hạt của huyện báo cáo danh sách phân bổ gạo cứu đói 2 đợt năm 2015 của  huyện. Trong đó, tết Nguyên đán có 1.561 hộ 5.332 khẩu, được cấp 79.985kg gạo và cứu đói giáp hạt tháng 5 vừa qua là 1.828 hộ, 6.645 khẩu và được cấp 99.675kg gạo. Những địa phương có số hộ được cấp gạo nhiều nhất gồm: Sơn Thịnh trong dịp tết Nguyên đán có 96 hộ và cứu đói giáp hạt 93 hộ; Cát Thịnh, tết có 84 hộ và giáp hạt 82 hộ; Bình Thuận, tết 84 hộ và giáp hạt 95 hộ.

Nói về việc bình xét cấp gạo đối với Văn Chấn, bà Phạm Thị Minh Hạnh cho biết thêm: Các thôn tự lập danh sách hộ có nguy cơ thiếu đói và đưa ra họp thôn để các hộ tự bình xét, sau đó danh sách được chuyển lên xã và xã chuyển lên huyện tổng hợp gửi lên tỉnh. Do công khai, dân chủ trong bình xét hỗ trợ, nên Văn Chấn nhiều năm qua không để xảy ra việc thắc mắc, sai sót. Trước mỗi đợt tiếp nhận, cấp phát gạo, huyện đều thành lập ban chỉ đạo và phân công cho các ngành chức năng của huyện và chính quyền các địa phương cùng tham gia giám sát chặt chẽ, nên không xảy ra việc dân nhận gạo kém chất lượng, cân thiếu hay nhầm đối tượng...

Cán bộ lao động, thương binh và xã hội, xã Thanh Lương, huyện Văn Chấn trao đổi với cụ Lường Thị Mít, ở Bản Lào về chế độ chính sách cho hộ nghèo.

Để tìm hiểu thực tế việc nhận gạo của người dân, chúng tôi đến xã Thanh Lương. Đây là xã nằm trong khu vực cánh đồng Mường Lò. Toàn xã có gần 800 hộ với 168 ha ruộng nước, nhiều năm xã luôn duy trì năng suất lúa đạt 12 tấn/ha/năm. Tìm hiểu nguyên nhân các hộ nghèo nhận gạo cứu đói giáp hạt? Chúng tôi đến gia đình bà Vì Thị Nén, ở thôn Đồng Lơi. Gia đình bà Nén có 5 khẩu gồm mẹ chồng 84 tuổi, đang được hưởng chế độ bảo trợ xã hội 180 ngàn/tháng và 2 vợ chồng bà Nén và 2 đứa con.

Trong căn nhà vách đất 3 gian chật hẹp, tài sản không có gì đáng giá, bà Nén cho biết: “Ba năm nay chỉ được nhận gạo cứu đói tết Nguyên đán, chứ giáp hạt không được nhận. Cuộc sống 5 miệng ăn chỉ nhìn vào 2.800 m2 ruộng, mỗi năm cho thu trên 3 tấn thóc. Đất ở chật hẹp nên không chăn nuôi được, bữa cơm hàng ngày thi thoảng mới có thịt, cá. Tiền không có, trong làng lại cưới xin, giỗ chạp liên miên, túng bấn lại phải mang thóc đi bán. Người ta mời thì mừng ít cũng trăm ngàn, còn người thân, họ hàng cứ phải cỡ 300 ngàn.” Mỗi lần đi như vậy, số tiền đó cũng tương đương từ 15 kg đến 20 kg gạo. Nhưng bà Nén phân trần: “Họ mời mình phải đi, nếu không đến khi nhà mình có việc mà mời thì chẳng ai đến”.

Thế gạo cấp hỗ trợ tết, gia đình có nhận đủ không? - tôi hỏi. “Có nhận được 15 kg/người. Gạo trắng và thơm ngon”. Cụ Lường Thị Mít, ở Bản Lào cũng cho biết: “Tôi ở một mình, gạo Nhà nước cấp chỉ được dịp tết thôi. Tôi có 1.200 m2 ruộng nhưng 7 năm nay cho con trai nó cấy. Mùa vụ gặt xong, nó cho mẹ mấy bao thóc và khi cần tiền tiêu lại bán. Hàng tháng, tôi được hưởng trợ cấp 180 ngàn đồng. Tuổi cao có đi được đến đâu, thế mà vừa qua thôn kiên cố hóa đường giao thông, tôi vẫn phải đóng 360 ngàn đồng đấy”.

Thấy chuyện người cao tuổi được hưởng chế độ bảo trợ xã hội mà vẫn phải đóng tiền kiên cố hóa đường giao thông? - Tôi hỏi trưởng thôn Đinh Thị Hoa. Bà Hoa cho biết: “Thôn tuyên truyền vận động và theo quy định thì mỗi công dân của thôn ai cũng phải nộp. Còn văn bản nào quy định thì phải có thời gian để tìm”. Sau gần 2 giờ ngồi chờ đợi không thấy bà Hoa quay trở lại, tôi nhờ cán bộ lao động thương binh và xã hội của xã điện thoại giúp thì đầu bên kia tắt máy. Chúng tôi để lại câu hỏi này cho cơ quan chức năng trả lời giúp.  

Vào với thị xã Nghĩa Lộ, nằm giữa vựa lúa Mường Lò có 4 phường, 3 xã. Khi hỏi về việc hỗ trợ gạo cứu đói tết Ất Mùi và vụ giáp hạt vừa qua, Bà Vì Thị Sâm - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã cung cấp ngay thông tin: “Tết Ất Mùi, thị xã có 515 hộ có 1.793 khẩu nhận gạo cứu đói, với tổng số gạo 26.895 kg và cứu đói giáp hạt tháng 5 vừa qua có 542 hộ bằng 1.857 khẩu, với số gạo đã cấp 27.855 kg. Tất cả 100% xã, phường đều có người được nhận gạo với mức hỗ trợ 15 kg/người/tháng”.

Chúng tôi tìm đến xã Nghĩa Lợi, ông Lò Văn Hải - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Nghĩa Lợi có 934 hộ với 7 dân tộc thì có tới 352 hộ nghèo, chiếm 37,69% và 91 hộ cận nghèo chiếm 12,2%. Đất chật, người đông, diện tích ruộng nước cấy 2 vụ/năm có 153,06 ha. Cây vụ 3 đưa vào trồng trên 140 ha, chủ yếu là ngô, khoai lang và rau màu các loại. Nếu tính giá trị kinh tế thì Nghĩa Lợi đạt trên 120 triệu đồng/ha/3vụ/năm, nhưng nếu chia ruộng theo đầu người thì các bản như: Sang Đốm và Sang Hán... mỗi khẩu chỉ có 180m2. Ngành nghề địa phương không có, xã có gần 600 nam, nữ thanh niên đi làm thuê khắp các tỉnh. Bây giờ vào bản chỉ toàn người già, trẻ em”.

Gia đình ông Hoàng Văn È, ở bản Sang Đốm, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ không thiếu sức lao động nhưng hàng năm vẫn phải nhận gạo cứu trợ tết và đói giáp hạt.

Đến thăm hộ ông Hoàng Văn È, ở bản Sang Đốm. Căn nhà sàn qua nhiều năm sử dụng đã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng và trong nhà duy nhất chỉ có một cái quạt điện cũ là vật đáng giá. Hỏi về cuộc sống của hai vợ chồng và việc nhận gạo cứu đói giáp hạt, ông È cho biết: “Nhà có 4 khẩu nhưng chỉ có 450 m2 ruộng. Vợ chồng không có việc làm, nên hôm nào có việc đi làm thêm phụ xây thì ngày công cũng được hơn trăm ngàn đồng và chiều về mua tý thức ăn là hết. Việc cấp gạo cứu đói vừa qua, cháu thứ 2 sinh vào tháng 11 năm 2014, nhưng chưa làm giấy khai sinh và báo cho thôn, xã nên việc cấp gạo chỉ được 3 khẩu”.

Bà Lò Thị Phiếng ở Bản Xa có chồng mới qua đời cách đây hơn 4 tháng do mắc bệnh hiểm nghèo. Gia đình có 3.100 m2 ruộng, nhưng có 2 cô con gái đi lấy chồng, của hồi môn của gia đình chẳng có gì nên chỉ cho mỗi đứa 350 m2 ruộng. Cuộc sống hàng ngày của gia đình bà Phiếng chỉ nhìn vào 2.400 m2 ruộng, mỗi vụ cho thu 8 tạ thóc nhưng với đủ thứ phải trang trải. Bà Phiếng tâm sự: “Là hộ nghèo thường xuyên đói giáp hạt, nên mỗi lần có gạo cứu đói là gia đình được nhận đủ theo khẩu. Năm 2012, gia đình được hỗ trợ 10 triệu đồng để mua trâu nái sinh sản. Thiếu tiền, tôi phải vay Ngân hàng Chính sách xã hội thêm 4 triệu nữa để mua được con trâu. Nuôi được 2 năm thì đẻ được 1 con nghé. Tưởng kinh tế gia đình vươn lên một tý thì chồng tôi đổ bệnh, đành bán trâu mua thuốc chữa trị. Đến khi ông ấy mất thì tiền cũng hết, người nghèo sao cứ khổ mãi vậy...!”

Những câu chuyện mắt thấy, tai nghe qua việc người nghèo nhận gạo cứu trợ đói giáp hạt của Văn Chấn, Nghĩa Lộ, được kể với ông Trịnh Xuân Trượng - Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh  cũng nhận được nhiều chia sẻ cảm thông đối với người nghèo. Trong danh sách các huyện, thị được hỗ trợ gạo cứu đói dịp tết và giáp hạt năm 2014, năm 2015, tôi không thấy tên huyện Mù Cang Chải cần cấp gạo cứu đói trong dịp tết.

Giải thích về việc này, ông Trượng cho hay: “Bây giờ Mù Cang Chải, lúa xanh bời bời 2 vụ/ năm rồi. Dân bỏ lúa nương để trồng ngô, nên vào nhà nào cũng thóc ngô đầy nhà. Việc này, mấy huyện, thị vùng thấp cũng phải học đấy!”. Danh sách các hộ đề nghị cấp gạo mấy năm nay tăng hay giảm? Ông Trượng lấy danh sách năm 2014 và 2015 so sánh: dịp tết Nguyên đán năm 2014, toàn tỉnh là 7.952 hộ và tết Nguyên đán năm 2015 là 6.564 hộ; giáp hạt năm 2014 là 9.753 hộ và năm 2015 là 8.444 hộ. Con số giảm này cho thấy đời sống nhân dân đã khấm khá lên. Còn việc cấp gạo có đúng đối tượng không? Đủ số lượng không? Gạo có bị ẩm mốc không? Thì không có phản ánh sai phạm ở cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát từ tỉnh, huyện đến cơ sở  cũng được tiến hành rất chặt chẽ.

Việc hỗ trợ gạo cứu đói tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2015 đã kịp thời, đúng đối tượng, đầy đủ theo quy định của Chính phủ. Xong, làm thế nào để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững vẫn là câu chuyện chưa lời kết. Người nghèo vẫn đang cần  những sẻ chia của toàn xã hội, để các gia đình vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống, nhưng bản thân họ và gia đình cũng cần có sự cố gắng vươn lên!

Thạch Phong

Các tin khác
Bộ Nội vụ hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng người có tài năng vào cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. (Ảnh minh họa).

Bộ Nội vụ được giao hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp phó và Nghị định về chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng.

Đường sắt bắt đầu mở bán vé tàu các tuyến phía Bắc dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 (ảnh minh họa).

Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội vừa thông báo mở bán vé tàu chạy các tuyến phía Bắc dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đưa lao động tham gia thi tuyển XKLĐ tại Nhật Bản.

Sáng 18/3, Trung tâm Dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái đã tổ chức gặp mặt lao động tham gia thi tuyển xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại thị trường Nhật Bản theo chương trình đơn hàng của Công ty TNHH Yamazaki Việt Nam.

Miền Bắc sắp đón đợt không khí lạnh mới.

Dự báo từ ngày 19/3, khu vực Bắc Bộ trời chuyển rét. Từ đêm 19/3, khu vực Bắc Trung Bộ trời chuyển rét.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục