Đợt 1 xét tuyển cao đẳng, đại học: Vì sao “quay như đèn cù”?

  • Cập nhật: Thứ ba, 25/8/2015 | 10:19:46 AM

YênBái - YBĐT - Cái mới luôn vấp phải sự khó khăn và bỡ ngỡ lúc ban đầu - ấy là điều dễ hiểu cho tình trạng nộp hồ sơ, xét tuyển nguyện vọng được xem rối như tơ vò những ngày qua. Yên Bái không có nhiều trường cao đẳng và trung học chuyên nghiệp nằm trong cái mớ rối ấy nhưng cũng có nhiều chuyện thí sinh và phụ huynh “dở khóc dở cười” khi đến làm thủ tục hồ sơ ở Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái - trường duy nhất trên địa bàn tỉnh chỉ xét duyệt trên kết quả cụm thi quốc gia…

Các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái.
(Ảnh: Thanh Chi)
Các thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái. (Ảnh: Thanh Chi)

Rút - nộp, nộp - rút

Có mặt tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái vào cuối giờ chiều của ngày cuối cùng thí sinh nộp nguyện vọng 1, hai thí sinh đi xe khách từ Hà Nội lên Yên Bái vội vàng đến nộp hồ sơ. Rất may, thời hạn trước 17 giờ chiều ngày 20/8 vẫn còn, các em đã kịp để nộp hồ sơ xét tuyển vào Khoa Giáo dục mầm non của Trường.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Hương - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái cho biết: “Các em gọi điện thoại cho trường lúc hơn 10 giờ sáng nay xin phép được nộp hồ sơ muộn vì các em lúc ấy vẫn đang phải xếp hàng chờ rút hồ sơ. Nhưng tôi đã trả lời các em phải nộp trước 17 giờ bởi lúc ấy hệ thống của Bộ sẽ đóng. Rất may các em đã về kịp để nộp”.

Đây không phải là trường hợp thí sinh duy nhất của Yên Bái xoay tròn trong mớ hỗn độn rút - nộp hồ sơ. Buổi sáng ngày cuối cùng nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1, tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái, em Lê Thị Hậu ở huyện Văn Chấn cùng mẹ đến Trường hỏi về việc em đã rút hồ sơ tại một trường ở Hà Nội để về nộp tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái nhưng em đã mất toàn bộ hồ sơ sẽ giải quyết thế nào. Với trường hợp này, Phòng Đào tạo đã tư vấn em làm đơn xin cấp lại phiếu kết quả để xét nguyện vọng tiếp theo. Bà Hương cho biết: “Em đã rút hồ sơ tại trường ở Hà Nội có nghĩa là mã vạch của em đã xóa trên hệ thống. Nếu như em không rút mà về Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hoặc trường THPT xin đổi nguyện vọng 1 thì không sao”.

Trường hợp em Trần Thị Phương Thảo - nguyên học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt (thành phố Yên Bái), sau khi nộp hồ sơ tại Đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội, biết mình ở phổ điểm có thể không đỗ, em đã xuống tận trường để rút hồ sơ nhưng sau khi mang về nộp tại Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái thì hệ thống không thể đăng nhập và báo thí sinh này đã đăng ký tại Trường Đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Thu Hương trực tiếp nhận hồ sơ này chia sẻ: “Chúng tôi kiên nhẫn chờ đợi hệ thống. Cho đến ngày 19/8, tức chỉ còn một ngày nữa là hết thời hạn, cả em và mẹ em đều đến Trường nhưng không biết giải quyết thế nào. Chúng tôi đã gọi điện thoại xuống Trường Đại học Kinh doanh công nghệ Hà Nội và nhận được câu trả lời là nếu thí sinh đã rút hồ sơ thì đã xóa khỏi hệ thống. Nói mãi rồi họ cũng cho số điện thoại của người trực tiếp làm. Khoảng 10 phút sau khi trao đổi, anh ta kiểm tra lại và xóa tên em đó tại trường thì trên này chúng tôi lại đăng nhập dễ dàng cho em”.

Vì sao lại rối?

Trao đổi với phóng viên Báo Yên Bái, bà Nguyễn Thị Thu Hương nhận định: “Ban đầu, Bộ Giáo dục  và Đào tạo (GD&ĐT) đã không lường trước được những bất cập. Nhưng sau đó, Bộ đã có những điều chỉnh. Chỉ trong vòng một ngày, Bộ đã có hướng dẫn các thí sinh có thể nộp, rút hồ sơ ngay tại sở GD&ĐT và có thể chuyển nguyện vọng ngay tại trường THPT từ ngày 11/8. Nhưng nhiều em đã không cập nhật được thông tin và cũng có nhiều trường hợp không yên tâm khi làm theo hướng dẫn sửa đổi đó. Bằng chứng là ai cũng muốn xuống tận trường nộp - rút - nộp hồ sơ. Ngay kể cả người quen của tôi, dù tôi có cho xem những hướng dẫn cụ thể nhưng vẫn không yên tâm, phải xuống tận nơi nộp hồ sơ”.

Theo thống kê, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, cho đến hết ngày 20/8, chỉ có 12 lượt thí sinh chuyển nguyện vọng tại trường; Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh chỉ có 2 lượt; Trường THPT Mù Cang Chải không có em nào. Từ đó có thể thấy, các thí sinh áp dụng hình thức đổi nguyện vọng tại trường THPT và nộp, chuyển nguyện vọng tại Sở GD&ĐT là rất ít. Không nắm được thông tin cập nhật sau ngày 11/8 của Bộ, cộng với tâm lý “không đến tận nơi không yên tâm” của thí sinh và phụ huynh học sinh trong đợt xét tuyển vừa qua đã làm cho việc nộp hồ sơ xét tuyển khó khăn thêm. Trong khi đó, trên các trang báo điện tử và cả báo in của rất nhiều các cơ quan báo chí, rồi mạng xã hội đã ví đợt nộp hồ sơ xét tuyển này như một “cuộc chơi chứng khoán”. Phần lớn đều chỉ trích kỳ thi “hai trong một” và hình thức xét tuyển đại học trong tiến trình đổi mới giáo dục của Bộ là “hoàn toàn thất bại”, làm cho tình hình đã rối lại càng thêm rối.

Một lần nữa, có thể khẳng định rằng, kỳ thi “hai trong một” đã rất thành công! Các em chỉ thi một lần, dù nỗi lo lắng không hề giảm nhưng vẫn chỉ phải thi một kỳ, đỡ bao công đưa đón, chăm sóc! Bạn nào không thi vào trường tốp đầu thì được “ăn ngon ngủ kĩ, thi tại nhà vẫn nhiều trường tuyển. Bạn thi những trường tốp đầu có thể chọn môn, chọn khối linh hoạt. Xét tuyển cũng thành công! Trước đây, các thế hệ học sinh nộp hồ sơ trước, chọn trường trước và thi. Hồ sơ ảo nhiều, lúc thi vẫn phải chọn điểm thi nào - ngay buổi tối trước khi thi. Và cơ hội nguyện vọng 1 chỉ có 1... Trượt là thôi. Nay thi xong, có kết quả, mới chọn trường - trường mình thích, hợp với sở trường và năng lực bản thân dựa trên kết quả thi. Gửi rút hồ sơ không hề phức tạp nếu như áp dụng đúng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Một chuyên viên của Sở GD&ĐT Yên Bái chia sẻ: “Chuyển nguyện vọng, sao cứ phải về trường "chơi chứng khoán"? Sở GD&ĐT và các trường THPT cũng làm được chức năng ấy, đã công bố rộng trên các phương tiện truyền thông. Sao cứ phải đi cho vất vả? Cuối ngày 20/8, còn rất nhiều trường thiếu chỉ tiêu, ngay trong các trường lớn, nhiều khoa vẫn “ế”... Lỗi ở đâu? Việc chọn trường là do ai? Do phụ huynh và học sinh thôi! Tôi rất bất bình khi một tờ báo uy tín đưa tâm sự của một bà mẹ có con nộp vào Trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh rằng, bà mẹ ấy đã khấn trời đừng có ai nộp hồ sơ nữa, hay sau một đêm thí sinh 27,5 điểm bị bật khỏi tốp trúng tuyển của trường do công bố các thí sinh tuyển thẳng. Đó là do phụ huynh chọn theo tâm lý đám đông, chọn theo sở thích xã hội...”.

Nhiều người cho rằng, như vậy là năm nay yếu tố ước mơ ngành nghề của các em được bỏ qua nhưng ước mơ nghề nghiệp cũng phải dựa trên năng lực của bản thân, đó là điều không phải thí sinh và phụ huynh nào cũng hiểu. Kỳ thi “hai trong một” và xét tuyển đại học, cao đẳng đã thực sự thêm cơ hội để những em đạt điểm cao không rớt đại học là điều dễ dàng nhận thấy.

Chúng tôi cho rằng, đổi mới kỳ thi chung là hoàn toàn đúng đắn, chỉ phải thi một lần lại mang cho thí sinh nhiều cơ hội chọn lựa trường, nghề nghiệp. Vì mới nên còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn nhưng lợi ích cuối cùng các em được hưởng là rất lớn. Chắc chắn rằng, với những kinh nghiệm từ kỳ thi này, Bộ sẽ có những điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện cho một chương trình đổi mới toàn diện.

Hướng dẫn làm hồ sơ xét tuyển nguyện vọng đợt 2

- Thí sinh sử dụng số mã vạch của mỗi giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào một trường duy nhất.
- Gửi phiếu ĐKXT (theo mẫu 1) bằng một trong các phương thức:
+ Nộp tại sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) hoặc trường THPT do sở GD&ĐT quy định.
+ Qua đường bưu điện bằng hình thức chuyển phát nhanh.
+ Nộp trực tiếp tại trường.
Khi trúng tuyển, thí sinh mang theo giấy chứng nhận kết quả thi để làm thủ tục nhập học tại trường.

Thanh Ba

Các tin khác
Hiện trường xảy ra vụ cháy

Khoảng 8h sáng ngày 16/4, tại phòng khám dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe của gia đình bà Bùi Thị Ban, tổ 2, thị trấn Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải đã xảy ra cháy.

Giao dịch viên của VNPT Yên Bái thực hiện chuẩn hóa thông tin cho khách hàng tại điểm giao dịch Km5, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.

Đến nay đã hơn một năm các nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao cùng với sự vào cuộc triển khai nhiều giải pháp song hành của các cơ quan hữu trách nhằm thắt chặt quản lý thuê bao di động trả trước, loại bỏ tình trạng SIM “rác”. Tuy nhiên, người dân vẫn liên tục phải nhận các tin nhắn không mong muốn, các cuộc gọi rác, có dấu hiệu lừa đảo làm phiền, nhũng nhiễu.

Quang cảnh hội nghị

Ngày 16/4/2024, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh tổ chức Hội nghị sơ kết công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính 6 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024.

Tòa án nhân dân thành phố Yên Bái tổ chức phiên tòa trực tuyến, xét xử một vụ án hình sự.

Năm 2023 và quý I năm nay, Tòa án nhân dân (TAND) thành phố Yên Bái, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục