Hơn 22 triệu học sinh chính thức bước vào năm học mới 2015-2016

  • Cập nhật: Thứ bảy, 5/9/2015 | 8:37:51 AM

Sáng nay (5/9), Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường, hơn 22 triệu học sinh trên cả nước nô nức đi dự lễ khai giảng năm học mới 2015-2016.

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)

Khác với mọi năm, lễ khai giảng năm nay đã được lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo quán triệt tinh thần trang trọng nhưng gọn nhẹ, cắt giảm các thủ tục nhiêu khê, rườm rà.

Điều này thực hiện theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ông cho rằng các lễ khai giảng “vì người lớn chứ không vì học sinh” vì thường dài dòng và khiến học sinh mệt mỏi.

Khai giảng năm học mới ở trường Tiểu học Thị trấn Trâu Quỳ (huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Theo đó, lễ khai giảng cả nước sẽ thực hiện thống nhất một ngày 5/9. Nội dung phần lễ gồm các nội dung cơ bản là đón học sinh đầu cấp, chào cờ, hát Quốc ca, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn. Sau đó là phần hội dành cho học sinh.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số học sinh, sinh viên cả nước hiện nay khoảng 22,21 triệu.

Trong đó có 4,42 triệu trẻ em mầm non; 15,08 triệu học sinh phổ thông; 350.000 triệu học sinh trung cấp chuyên nghiệp và 2,36  triệu sinh viên đại học, cao đẳng.

Tổng số giáo viên, giảng viên cả nước là 1,24 triệu. Trong đó có 277.684 giáo viên mầm non, 856.730 giáo viên phổ thông, 10.911 giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 91.183 giảng viên đại học, cao đẳng và khoảng 300.000 cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục các cấp học, bậc học được phân bố rộng trên phạm vi cả nước. Tổng số trường học từ mầm non đến đại học là 43.874 trường.Trong đó có 14.203 trường mầm non, 15.277 trường tiểu học, 10.878 trường trung học cơ sở, phổ thông cơ sở, 2.767 trường trung học phổ thông, 313 trường trung cấp chuyên nghiệp, 217 trường cao đẳng, 219 trường đại học.

Số trường phổ thông dân tộc nội trú là 308 trường với 88.247 học sinh. Có 876 trường phổ thông dân tộc bán trú với 140.849 học sinh.

Đến năm học 2014-2015, cả nước có 16.276 trường đạt chuẩn quốc gia.

Bên cạnh đó còn có 726 trung tâm giáo dục thường xuyên (71 cấp tỉnh, 655 cấp huyện), 10.992 trung tâm học tập cộng đồng (đạt tỷ lệ 98,75% số xã phường) và 1.752 trung tâm ngoại ngữ, tin học.
Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2015-2016, Bộ sẽ bổ sung, hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Công tác phân luồng, hướng nghiệp sau trung học cơ sở, trung học phổ thông và liên thông giữa các chương trình giáo dục, cấp học và trình độ đào tạo sẽ được đẩy mạnh.

Bộ cũng sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn sáp nhập các trung tâm giáo dục trên địa bàn cấp huyện.

Năm học 2015-2016: Tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh

Hôm nay, 5/9, hơn 22 triệu học sinh cả nước chính thức bước vào năm học mới, năm học 2015-2016. Trong năm học này, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm là đổi mới chương trình giáo dục, công tác thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục.

Tiếp tục đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử

Ở bậc mầm non, Bộ vừa ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá, lấy ý kiến đóng góp để điều chỉnh chương trình giáo dục mầm non. Các điều kiện giảng dạy sẽ được tăng cường để nâng cao chất lượng, đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Nội dung chương trình sẽ tăng cường hoạt động vui chơi và các hoạt động trải nghiệm, khám phá của trẻ. Nhà trường chú trọng giáo dục hình thành và phát triển kỹ năng sống phù hợp với độ tuổi của trẻ, với yêu cầu của xã hội hiện đại và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Với trẻ vùng dân tộc thiểu số, việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo sẽ được chú trọng hơn nữa. Khu vực này cũng sẽ được thực hiện thí điểm tư vấn, bồi dưỡng kiến thức và phương pháp chăm sóc giáo dục trẻ tại gia đình, cộng đồng.

Ở bậc phổ thông, Bộ chủ trương đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, bảo đảm trung thực, khách quan.

Đánh giá học sinh thực hiện theo hướng phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học tập với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của giáo viên với tự đánh giá, nhận xét, góp ý lẫn nhau của học sinh; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội.

Cụ thể, với tiểu học sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh và chỉ đạo đổi mới về kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30.

Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục áp dụng một số kinh nghiệm và mô hình giáo dục tiên tiến của một số nước trên thế giới như mô hình trường tiểu học mới, phương pháp bàn tay nặn bột... Môn Ngoại ngữ đảm bảo chất lượng theo chương trình Đề án “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”.

Với cấp trung học, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được tiếp tục thực hiện trong năm 2016 và các năm tiếp theo, trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2015.

Đẩy mạnh đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy

Cùng với đổi mới về kiểm tra, đánh giá, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong khi chương trình mới vẫn đang trong quá trình thai nghén, năm học 2015-2016, ngành giáo dục vẫn thực hiện từng bước các đổi mới trong đào tạo. Các yêu cầu cụ thể như chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh, đặc biệt là đối với giáo dục dân tộc, giáo dục vùng khó khăn.

Năm học 2015-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định phải tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp trong các trường phổ thông, đa dạng hóa phương thức học tập đáp ứng nhu cầu nâng cao hiểu biết và tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân.

Bên cạnh việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, nội dung và phương pháp đào tạo, ngành cũng xác định nhiệm vụ quan trọng trong năm học mới là đổi mới công tác quản lý, tăng cường đội ngũ giáo viên, cán bộ giảng dạy.

Năm học này, Bộ cũng sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp lại trường lớp trong hệ thống giáo dục quốc dân.

(Theo VOV)

Các tin khác
Hàng ngày, các thành viên Tổ tự quản về ATGT Trường THCS Quang Trung đã phân công nhau điều tiết, đưa học sinh sang đường theo hướng đi bên phải

Hơn 1.700 tổ tự quản về an ninh trật tự và gần 450 tổ tự quản về an toàn giao thông toàn tỉnh Yên Bái đã và đang góp phần phát huy tinh thần tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở cộng đồng trong giữ gìn an ninh trật tự.

Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm.

Chiều 19/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gần 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục