50 năm - nhìn lại chặng đường đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của Trường THPT Lý Thường Kiệt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/11/2015 | 1:13:49 PM

YBĐT - Trường THPT Lý Thường Kiệt hiện nay có tiền thân là Trường cấp 3B Yên Bái được thành lập ngày 16/9/1965 trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ đang diễn ra rất ác liệt tại thị xã Yên Bái.

>> Phát huy truyền thống 50 năm, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực

>> Tuổi trẻ Trường THPT Lý Thường Kiệt thi đua học tập và làm theo lời Bác

Nhà trường đóng tại địa bàn xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên. Lúc mới thành lập trường có 5 lớp (2 lớp 8; 1 lớp 9; 2 lớp 10) với 217 học sinh cùng với 11 cán bộ, giáo viên do thầy giáo Lê Văn Hiến làm Hiệu trưởng. Từ đó đến nay, nhà trường đã trải qua nửa thế kỷ phấn đấu, xây dựng và trưởng thành.

Thời kỳ 1965 - 1975, chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ diễn ra vô cùng ác liệt tại thị xã Yên Bái; để bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, nhà trường đã phải sơ tán tại nhiều địa điểm: xã Bảo Hưng, bến phà Âu Lâu, xã Hợp Minh. Lớp học thời kỳ đó là nhà tre, vách đất, xung quanh là giao thông hào và hầm trú ẩn.

Các thế hệ học trò thời ấy, mắt nhìn lên bảng, tai vừa lắng nghe thầy cô giảng bài, vừa phải để ý đến tiếng máy bay của giặc Mỹ. Khi có báo động, cả thầy và trò phải xuống hầm trú ẩn, máy bay đi khỏi, giờ học lại tiếp tục. Đây cũng là thời kỳ điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất và phương tiện dạy học của trường vô cùng thiếu thốn.

Song bằng sự cố gắng của cả thầy và trò, khóa học đầu tiên 1965 - 1968 đã có 85% học sinh tốt nghiệp. Cũng trong thời kỳ này, nhiều học sinh của nhà trường đã xếp bút nghiên, tình nguyện lên đường nhập ngũ, hiến dâng tuổi thanh xuân và cả xương máu cho nền độc lập tự do của dân tộc.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, đất nước thống nhất, cả nước bước vào một giai đoạn lịch sử mới. Được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp năm học 1976 - 1977, nhà trường được chuyển về địa điểm mới giữa trung tâm thị xã Yên Bái.

Niềm vui chiến thắng, cộng với những điều kiện giảng dạy và học tập tốt hơn là động lực để thầy và trò nhà trường phấn khởi, càng hăng say nghiên cứu, miệt mài giảng dạy, cố gắng học tập. Song đây cũng là thời kỳ bao cấp, có nhiều khó khăn, thách thức trong đời sống với cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh.

Năm 1979, chiến tranh biên giới xảy ra, nhà trường tiếp nhận các lớp chuyên từ Trường cấp 3 Lào Cai chuyển về. Đầu năm 1982, Trường cấp 3B Yên Bái được đổi tên thành Trường THPT Lý Thường Kiệt.

Để xứng đáng với người anh hùng dân tộc mà nhà trường được vinh dự mang tên, thầy và trò đã không ngừng phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường có trình độ chuyên môn vững, thực hiện tốt giáo dục văn hóa kết hợp với giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống; số lượng học sinh giỏi, thi đỗ tốt nghiệp, đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, từng bước được nâng lên.

Nhà trường thường xuyên đạt danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến, nhiều thầy cô đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Giáo viên dạy giỏi; nhiều em học sinh đạt giải trong các kỳ thi văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; nhà trường luôn đứng ở tốp đầu trong khối các trường THPT trong tỉnh.

Những năm gần đây, Trường THPT Lý Thường Kiệt đã có những tiến bộ vượt bậc trong công tác giáo dục, chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao theo hướng vừa hồng vừa chuyên.

Hàng năm, có trên 90% học sinh có hạnh kiểm khá, tốt; hơn 40% học sinh xếp loại khá, giỏi về văn hóa, số lượng học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi tăng lên; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp bậc THPT nhiều năm đạt 100%; tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng hàng năm thường xuyên đạt trên 53%.

Đội ngũ các giáo viên của nhà trường đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về cơ cấu môn học; tỷ lệ giáo viên đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Giáo viên dạy giỏi các cấp hàng năm đều tăng; số giáo viên trưởng thành từ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của trường là lực lượng cốt cán của ngành, của tỉnh ngày càng nhiều.

Với sự cố gắng ấy, nhà trường nhiều năm liền đạt danh hiệu tập thể Lao động tiên tiến, danh hiệu Cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh; Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc, Đơn vị xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

Ba năm học gần đây, nhà trường luôn được UBND tỉnh Yên Bái xét tặng danh hiệu tập thể Lao động xuất sắc. Năm học 2013 - 2014, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn ngành tặng Bằng khen về những thành tích đạt được trong phong trào thi đua dạy tốt, học tốt. Năm học 2014 - 2015, được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Thầy giáo Trương Thu Ba - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (thứ 4, bên phải) trò chuyện với giáo viên và học sinh nhà trường.

50 năm qua, cùng với sự phát triển đi lên của quê hương, đất nước, Trường THPT Lý Thường Kiệt, không ngừng lớn mạnh. Dưới sự lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể trong tỉnh qua các thời kỳ cùng sự giúp đỡ tận tình của các bậc cha mẹ học sinh, nhà trường đã từng bước vượt qua khó khăn để khẳng định vị trí của mình trong hệ thống giáo dục của tỉnh; đã thực sự là nơi tạo nguồn nhân lực lao động chất lượng cao, tạo nguồn cán bộ cho địa phương và đất nước.

Đã có nhiều thế hệ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, yêu ngành đã để lại hình ảnh rất tốt đẹp trong lòng các thế hệ học sinh và nhân dân trên địa bàn như các thầy: Bạch Ngọc Lương, Cao Kiến Sơn, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Đình Đức, Nguyễn Văn Tỉnh, Lê Văn Hồng...

Cũng từ mái trường THPT Lý Thường Kiệt, hơn 16 nghìn học sinh đã tốt nghiệp ra trường. Nhiều cựu học sinh trưởng thành, là những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở địa phương; là những kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ; nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học, nhà giáo, giảng viên các trường đại học, cao đẳng; những sĩ quan trong lực lượng vũ trang; những doanh nhân thành đạt đang làm giàu cho quê hương, đất nước.

Phát huy truyền thống trong 50 năm qua, trong giai đoạn tới nhà trường tiếp tục quán triệt tinh thần các nghị quyết của Đảng, các chính sách của Nhà nước về giáo dục và đào tạo, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, phát huy những ưu điểm, thành tích đã đạt được, thầy và trò nhà trường quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, xây dựng nhà trường không ngừng phát triển và trưởng thành.

Nhà trường tiếp tục thực hiện sáng tạo, có hiệu quả các phong trào thi đua của ngành giáo dục; đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tập trung chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.

Trường phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện “dạy chữ”, “dạy người” và “định hướng nghề” cho học sinh; duy trì và nâng cao tỷ lệ học sinh khá, giỏi; giữ ổn định số lượng học sinh đạt giải học sinh giỏi các cấp; đổi mới công tác quản lý theo hướng khoa học, hiệu quả, phù hợp điều kiện nhà trường; chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ...

50 năm qua, là một chặng đường nhiều khó khăn thách thức nhưng cũng đầy vẻ vang của Trường THPT Lý Thường Kiệt tỉnh Yên Bái. Kỷ niệm 50 năm thành lập trường, cũng là dịp để thầy và trò nhà trường nhìn lại chặng đường đã qua, với một niềm tự hào, lòng biết ơn các thế hệ đi trước và cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, quyết tâm phấn đấu viết tiếp trang sử đẹp đẽ của nhà trường.

Kỷ niệm mái trường dấu yêu

Thầy giáo Nguyễn Quân Hồng - Nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt (giai đoạn 1992 - 2009):

17 năm công tác tại trường, là người trực tiếp phụ trách công tác chuyên môn, tôi cùng với Ban giám hiệu nhà trường đã vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách thời điểm đó. Quay trở lại trường hôm nay, nhìn thấy những thay đổi, tôi rất phấn khởi, tự hào và tin tưởng. Cơ sở vật chất giờ đã rất khang trang, khá đầy đủ và hiện đại.

Các thầy cô giáo hiện nay của nhà trường ngoài nhiệt tình, hăng hái, trách nhiệm, tôi còn thấy toát lên sự tự tin, hiểu biết cần thiết của thế hệ giáo viên mới. Rất nhiều giáo viên ở các tổ bộ môn có trình độ thạc sỹ, đó là cơ sở để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục, minh chứng là danh sách các học sinh giỏi các cấp của trường ngày càng dài thêm. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, nhà trường sẽ đáp ứng được yêu cầu giáo dục trong thời kỳ mới.

Anh Phạm Trung Tùng - Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh tỉnh Yên Bái, cựu học sinh khóa 1992 - 1995:

Chúng tôi là những thế hệ cựu học sinh, được vinh dự học tập dưới mái trường THPT Lý Thường Kiệt. Sau gần 20 năm mái trường thân yêu ngày ấy giờ đã đổi thay, khang trang hơn rất nhiều. Dưới mái trường này, chúng tôi đã học tập, phấn đấu để có được như ngày hôm nay. Trở lại mái trường xưa, tôi xin gửi lời chúc tới các thầy giáo, cô giáo các thời kỳ luôn luôn mạnh khỏe, nhà trường ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn cho giáo dục tỉnh nhà và chắp cánh nhiều thế hệ học sinh trưởng thành, thành đạt.

 

 

Chị Phạm Mỹ Lan - Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, cựu học sinh khóa 1994 - 1997:

Những năm tháng học tập dưới mái trường Lý Thường Kiệt là những năm tháng chúng tôi không bao giờ quên được. Những năm tháng đó giúp chúng tôi trưởng thành rất nhiều cả về mặt trí tuệ lẫn tâm hồn. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của thầy Nam dạy Toán, thầy Quynh dạy Văn - cũng là giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi, cô Lê Oanh dạy Toán, cô Hoài, thầy Hành... Đặc biệt là thầy Hoàng Trần Đạt thầy đã bồi dưỡng ôn luyện thi đại học miễn phí cho nhóm học sinh gồm 5 bạn trong đó có tôi.

Tôi nhớ như in lời thầy: “Thầy mong muốn các em trưởng thành. Sự giúp đỡ của thầy hôm nay tuy nhỏ bé nhưng mong rằng nó sẽ giúp các em thành công”. Trong những năm gần đây, chúng tôi rất mừng khi biết tập thể Ban giám hiệu và thầy cô giáo các thế hệ đã rất nỗ lực gây dựng hình ảnh của nhà trường, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, cơ sở vật chất ngày một khang trang hơn.

Em Nguyễn Thị Thu Thủy - Học sinh lớp 12A1, Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái:

Em cảm thấy rất vinh dự và tự hào khi được học tập dưới mái trường mang tên anh hùng Lý Thường Kiệt, với bề dày truyền thống 50 năm xây dựng và trưởng thành. Dưới sự giảng dạy tận tình của các thầy cô giáo, chúng em không chỉ được bồi dưỡng kiến thức bổ ích mà còn là những bài học làm người quý giá.

Qua 3 năm học dưới mái trường Lý Thường Kiệt thân yêu, em nhận thấy sự trưởng thành rõ rệt của mình trước ngưỡng cửa cuộc đời. Em sẽ cố gắng thực hiện mơ ước thi đỗ vào đại học, xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của gia đình và các thầy, cô giáo.

Thanh Ba (thực hiện)

Nhà giáo Trương Thu Ba - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt

Các tin khác
Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm.

Chiều 19/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gần 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Ảnh minh họa

Nghị định 40/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 nêu rõ chế độ, chính sách, của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức được áp dụng từ 1/7 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục