Hãy để trẻ phát triển tự nhiên!

  • Cập nhật: Thứ ba, 24/5/2016 | 3:17:25 PM

YBĐT - Ép con ăn, ép con học để phổng phao và thông minh hơn “con nhà người ta” đang là xu hướng chung của hầu hết các bậc phụ huynh. Chính vì vậy, nếu trước đây mối lo lắng của các bậc cha mẹ là con chậm phát triển, suy dinh dưỡng thì ngày nay lại là béo phì, thừa cân hay “học cô nào, trường nào”…

Trẻ cần được chăm sóc dinh dưỡng, vận động hợp lý, học tập khoa học.
Trẻ cần được chăm sóc dinh dưỡng, vận động hợp lý, học tập khoa học.

14 tuổi nhưng em Lê Việt T. - phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái nặng gần 70kg. Từ nhiều năm nay, gia đình đã dùng mọi biện pháp từ ăn kiêng đến tập thể dục nhưng trọng lượng của em vẫn không suy giảm.

Lo lắng trước sức ăn không ngừng nghỉ và cơ thể béo quá cỡ của con trai, chị Đinh Thị Lan chỉ biết tự trách mình: “Trước đây, mỗi bữa tôi đều cố gắng cho con ăn càng nhiều càng tốt, nhưng bây giờ muốn hạn chế cũng không được. Thằng bé ngày càng ăn nhiều, cơ thể ngày càng phì ra. Tôi đã cố gắng cho cháu ăn theo đúng chế độ ăn kiêng, nhiều rau xanh nhưng cháu không ăn quen. Rồi tôi cho cháu tập thể dục nhưng cũng chỉ được một lúc bởi cơ thể cháu vận động chậm chạp, mệt mỏi. Giờ giảm cân cho cháu khó quá”.

Kinh tế phát triển, các gia đình ngày càng có điều kiện để chăm sóc con cái. Điều đó khiến cho tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi ngày càng giảm. Thế nhưng một thực tế khác lại xảy ra, đó là tỷ lệ trẻ béo phì, thừa cân tăng do sự chăm sóc dinh dưỡng thái quá của cha mẹ.

Thạc sĩ Trần Thu Hường - Trưởng khoa Dinh dưỡng cộng đồng, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái cho biết: “Theo số liệu điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 thì tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi mỗi năm đều giảm so với những năm trước, cụ thể giảm từ 31,3% (năm 2011) xuống 28,6% (năm 2014). Nhưng trẻ béo phì lại gia tăng, từ 1,1% lên 2,1%, chủ yếu là ở địa bàn thành phố. Thừa cân hay thiếu cân đều thể hiện mô hình tăng trưởng không khỏe mạnh ở trẻ. Cha mẹ cần nhận thức được đâu là chế độ dinh dưỡng khoa học. Ăn quá nhiều chất bổ đều không tốt cho sức khỏe của trẻ”.

Không chỉ nhồi nhét dinh dưỡng, trẻ em ngày nay còn bị ép phải thông minh theo ý định của cha mẹ. Đó là cuộc chạy đua vô cùng khốc liệt mang tên “luyện trí thông minh”. Người lớn chúng ta thường cảm thấy khó chịu khi thấy “con người ta” thi được giải văn này, giải toán nọ nhưng con nhà mình chỉ suốt ngày ca hát, nhảy múa, vẽ vời linh tinh hay cắt khâu quần áo cho búp bê…

Chúng ta thường ép chúng phải ngồi vào bàn học, dùng đủ các biện pháp từ nhẹ nhàng đến mắng nhiếc, đánh đập, chỉ cốt để làm sao cho con từ bỏ những việc mà chúng ta coi là vô bổ đó, tập trung cho việc học. Chúng ta không hề biết rằng mỗi đứa trẻ có một trí thông minh khác nhau, có năng khiếu, điểm mạnh, điểm yếu riêng. Và trí thông minh thì gồm nhiều loại hình khác như: trí thông minh ngôn ngữ, lô-gic toán học, không gian - thị giác, âm nhạc - nhịp điệu - tiết tấu, vận động cơ thể, tương tác xã hội, …

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nhận thức của nhiều bậc phụ huynh Việt Nam nói chung và thành phố Yên Bái nói riêng chỉ tập trung vào khả năng ngôn ngữ và toán học. Đây là một suy nghĩ lạc hậu trước xu hướng giáo dục mở trên thế giới.

Việc trẻ em bậc tiểu học đi “học thêm, học nếm” ngoài giờ đến trường là điều phổ biến ở thành phố Yên Bái. Ở cái tuổi đọc còn đánh vần từng chữ, viết còn ê a, ăn, chơi còn là nhu cầu thiết yếu thì việc học thêm đó có cần thiết?

Cô giáo Bùi Thị Hồng Như - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học cho biết: “Lượng kiến thức nhà trường chuyển tải đến các em học sinh hiện nay là cung cấp đầy đủ, đúng, phù hợp với trình độ của bậc tiểu học. Việc cha mẹ đưa con em mình đi học thêm ngoài là việc làm không cần thiết. Nguyên nhân xuất phát từ chính tâm lý sợ con mình không bằng “con nhà người ta” của hầu hết các bậc phụ huynh. Càng ép càng khiến trẻ sợ học, coi việc học không phải là cho mình mà là vì cha mẹ. Từ đó, dẫn đến nhiều hệ lụy khác”.

Mỗi người trên thế giới này đều không ai giống ai, nên chúng ta – những bậc phụ huynh đừng đồng hóa con mình với con người khác cả về thể chất lẫn trí tuệ. Hãy để trẻ được phát triển một cách tự nhiên, sống có mục đích, theo đuổi đam mê, sở trường là điều tốt nhất.

Hoài Anh

Các tin khác
Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm.

Chiều 19/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gần 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Ảnh minh họa

Nghị định 40/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 nêu rõ chế độ, chính sách, của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức được áp dụng từ 1/7 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục