Điều trị Methadone - từ bao cấp sang xã hội hóa

  • Cập nhật: Thứ tư, 25/5/2016 | 2:32:12 PM

YBĐT - Chương trình điều trị Methadone đã mang lại hiệu quả thiết thực và an toàn cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện. Đến cơ sở điều trị (CSĐT) uống Methedone đang trở thành thói quen hàng ngày của nhiều người nghiện ma túy.

Đến các cơ sở điều trị uống Methedone đã và đang trở thành thói quen hàng ngày của nhiều người nghiện các chất dạng thuốc phiện.
Đến các cơ sở điều trị uống Methedone đã và đang trở thành thói quen hàng ngày của nhiều người nghiện các chất dạng thuốc phiện.

Tuy nhiên, do kinh phí cho chương trình này chủ yếu là quốc tế tài trợ và thời gian tới, nguồn kinh phí này sẽ bị thu hẹp, tiến tới không còn. Đây sẽ là những thách thức mới trong chương trình điều trị Methadone tại Yên Bái.

Anh N.V.H ở phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái cho biết: “Từ khi được uống Methadone, cuộc sống của tôi thay đổi nhiều, sức khỏe tốt lên. Từ không thể tìm được việc làm do nghiện ma túy, nhưng sau khi học sửa chữa ô tô, tôi đi làm, có thu nhập tự nuôi sống bản thân”. Không chỉ riêng anh H, hàng trăm người nghiện đang được điều trị Methadone cũng đang dần có cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Trước thông tin Quỹ Toàn cầu Phòng, chống HIV/AIDS (gọi tắt là Quỹ Toàn cầu), đến hết 2016 sẽ ngừng hỗ trợ thuốc Methadone cho các CSĐT tại Yên Bái, khiến các bệnh nhân đều tỏ ra hoang mang, lo lắng, ông Dương Tuấn Anh - Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS cho biết: “Dự án Quỹ Toàn cầu bắt đầu tài trợ cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Yên Bái từ năm 2010 gồm: chăm sóc, điều trị hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS; nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống HIV/AIDS; dự phòng lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con; giám sát phát hiện HIV/AIDS tại các huyện, thị xã, thành phố.

Từ tháng 6/2013, khi Dự án Phòng chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ tại Yên Bái kết thúc, Dự án Quỹ Toàn cầu tiếp nhận hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS (chương trình trao đổi bơm kim tiêm sạch) tại 21 xã, phường trọng điểm. Cũng trong năm 2013, Quỹ Toàn cầu bắt đầu hỗ trợ Yên Bái về điều trị Methadone với các hoạt động hỗ trợ đào tạo cán bộ, thuốc Methadone và hỗ trợ kỹ thuật điều trị Methadone”.

Hiện nay, tại Yên Bái có 6 cơ sở điều trị Methadone, trong đó Dự án Quỹ Toàn cầu hỗ trợ thuốc Methadone cho 03 CSĐT tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS với số tiền từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Tính đến tháng 5/2016, toàn tỉnh có 970 bệnh nhân đang được điều trị. “Chắc chắn rằng, khi dự án Quỹ Toàn cầu ngừng hỗ trợ thuốc sẽ ảnh hưởng lớn tới các bệnh nhân. Trước tiên là ảnh hưởng tới tâm lý điều trị của bệnh nhân do lo lắng về kinh phí đóng để uống thuốc; mức độ tuân thủ điều trị (uống thuốc đều hàng ngày, thực hiện các xét nghiệm), tuân thủ nội quy CSĐT của bệnh nhân sẽ giảm, chưa kể đến một số bệnh nhân thiếu thái độ hợp tác với CSĐT.

Những điều này cũng sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị Methadone của bệnh nhân. Trong khi đó, kinh tế địa phương khó khăn, các nguồn viện trợ bị cắt giảm dần thì việc làm cần thiết và mang tính bền vững, đó là xã hội hóa CSĐT Methadone. Trước những thách thức, khó khăn ấy, Sở Y tế đã sớm có chỉ đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tham mưu xây dựng Đề án “Đổi mới công tác cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2021” trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trong Đề án nêu rõ phương án, lộ trình thực hiện xã hội hóa công tác điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trước hết sẽ tổ chức thu một phần phí của bệnh nhân tại tất cả CSĐT Methadone: tiền cốc uống thuốc, trông giữ xe đạp, xe máy, tiền nhân công vệ sinh, tiền xét nghiệm ma túy. Năm 2017, thí điểm tổ chức thu phí theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại thành phố Yên Bái, sau đó từng bước mở rộng ra các huyện, phấn đấu đến sau năm 2020 có 7 cơ sở điều trị Methadone được xã hội hóa (trừ các CSĐT của huyện Mù Cang Chải). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Đề án trên vẫn chưa được phê duyệt, nhưng UBND tỉnh cũng đã có một số chỉ đạo mang tính định hướng đối với công tác điều trị Methadone.

“Theo tính toán của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, dự kiến thu phí tiền thuốc uống khoảng từ 8.000 đến 10.000 đồng/người/ngày. Việc thu phí bước đầu cũng sẽ gặp khó khăn do đa số bệnh nhân không có điều kiện kinh tế và đã quen với việc được nhận hỗ trợ miễn phí. Giải pháp phù hợp nhất là đưa chi phí điều trị Methadone vào hệ thống bảo hiểm y tế (BHYT). Tuy nhiên, đưa điều trị Methadone vào hệ thống BHYT phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ đạo của Chính phủ cũng như sự tham mưu của các bộ, ngành liên quan: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội...” - ông Dương Tuấn Anh cho biết thêm.

Điều trị Methadone đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện là giải pháp đúng đắn, mang lại hiệu quả và có tính lâu dài đối với người bệnh. Dù còn hay không nguồn hỗ trợ quốc tế, việc duy trì hoạt động các CSĐT Methadone là cần thiết được duy trì. Tuy nhiên, để điều trị Methadone hiệu quả, nhất là khi không còn nguồn hỗ trợ, để việc xã hội hóa, tạo sự đồng thuận trong người bệnh, thiết nghĩ, cần có sự phân loại người bệnh, tính toán kỹ lưỡng về mức thu phí phù hợp mà vẫn đảm bảo thắt chặt công tác quản lý. Đồng thời, tiếp tục tìm kiếm, kêu gọi các nguồn hỗ trợ khác giúp người nghiện giảm bớt phần nào khó khăn, gánh nặng khi phải mua thuốc điều trị.

 Mai Linh

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, nhiều tuyến tàu đã được bổ sung vào chạy dịp này.

Theo quy định hiện hành, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng bắt đầu từ ngày 2 của tháng. Vì vậy, dự kiến lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5/2024 sẽ được chi trả sau dịp nghỉ lễ.

Ảnh minh hoạ.

Cục Hàng không Việt Nam áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 tại các cảng hàng không, sân bay dịp lễ 30/4 - 1/5.

Hai anh em Hà Mạnh Hùng và Hà Duy Minh - Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái nhận quà của nhà tài trợ.

Với mong muốn hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống, thời gian qua, Thành đoàn Yên Bái đã tích cực phối hợp triển khai nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa, trong đó nổi bật là hoạt động “Nâng cánh ước mơ - cùng em tôi đến trường”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục