Chuyện về những chiến sỹ công an xã

Bài 2: Những bất cập cần tháo gỡ

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/5/2016 | 9:22:45 AM

YBĐT - Chưa đầy một triệu đồng phụ cấp mỗi tháng, có lẽ số tiền đó anh em công an viên chỉ đủ đổ xăng và trả cước điện thoại cho các đợt tuần tra, đi giao ban hàng tuần và trao đổi công việc. Gần 70 năm ra đời và phát triển, truyền thống cũng như thành tích của lực lượng công an xã có lẽ không kém gì nhiều ngành nghề khác. Hôm nay, những chiến sỹ công an xã vẫn ngày đêm miệt mài với việc xây dựng, củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) ở địa bàn nông thôn. Vậy nhưng chế độ đãi ngộ đối với lực lượng này thực sự chưa xứng đáng, anh em công an xã vẫn chịu rất nhiều thiệt thòi cần được Đảng, Chính phủ quan tâm hơn.

Trao tặng xe mô tô cho cán bộ công an xã vùng đặc biệt khó khăn tại huyện Văn Chấn đầu năm 2016.
Trao tặng xe mô tô cho cán bộ công an xã vùng đặc biệt khó khăn tại huyện Văn Chấn đầu năm 2016.

Gần 70 năm ra đời và phát triển, truyền thống cũng như thành tích của lực lượng công an xã có lẽ không kém gì nhiều ngành nghề khác. Hôm nay, những chiến sỹ công an xã vẫn ngày đêm miệt mài với việc xây dựng, củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) ở địa bàn nông thôn. Vậy nhưng chế độ đãi ngộ đối với lực lượng này thực sự chưa xứng đáng, anh em công an xã vẫn chịu rất nhiều thiệt thòi cần được Đảng, Chính phủ quan tâm hơn.

>> Bài 1: Thầm lặng cho địa bàn bình yên

Vị trí, vai trò của lực lượng công an xã trong việc bảo đảm ANTT ở cơ sở là không thể phủ nhận, có tìm hiểu mới biết, anh em công an xã vất vả tới mức nào. Bất kể ngày hay đêm, thôn xóm có chuyện là công an viên phải có mặt, mọi vụ việc liên quan đến ANTT xảy ra trên địa bàn là công an xã phải trực tiếp tham gia giải quyết. Bên cạnh đó, anh em phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác ở cơ sở trước yêu cầu của cấp ủy, chính quyền địa phương. Vất vả lắm, tốn nhiều thời gian, công sức và đôi khi còn nguy hiểm nữa nhưng chế độ đãi ngộ đối với lực lượng công an xã thực sự chưa thỏa đáng.

Theo Nghị định số 92/2009 và Nghị định số 73/2009 của Chính phủ, mỗi xã chỉ được một đồng chí trưởng công an xã hưởng lương theo ngân sách Nhà nước (mức lương tùy theo trình độ đào tạo và thời gian công tác), các vị trí còn lại như: phó công an xã chỉ được hưởng phụ cấp 1,0 mức lương cơ bản, công an viên phụ cấp 0,8 mức lương cơ bản. Thu nhập chỉ là phụ cấp với số tiền ít ỏi nhưng phần lớn thời gian, có khi là toàn bộ thời gian các đồng chí phải đi làm việc. Chưa đầy một triệu đồng phụ cấp mỗi tháng, có lẽ số tiền đó anh em công an viên chỉ đủ đổ xăng và trả cước điện thoại cho các đợt tuần tra, đi giao ban hàng tuần và trao đổi công việc.

Ông Cao Ngọc Hùng - nguyên Trưởng ban Công an xã Nga Quán tâm sự: “Giờ công an viên được phụ cấp 0,8 mức lương cơ bản chứ trước đây còn thấp hơn rất nhiều. Thu nhập hàng tháng chẳng đáng là bao nên cần chi tiêu cũng khó. Nhà nào có thêm nghề phụ thì đỡ, nếu chỉ trông vào thửa ruộng, mảnh vườn thì bí lắm”.

Phó trưởng Ban Công an thị trấn Cổ Phúc - Lê Bá Hoàng Oanh tâm sự: “Mọi người nói chúng tôi “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” là đúng thôi. Theo quy chế, tôi chỉ trực vào thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu nhưng vì thiếu cán bộ cũng như đặc thù thị trấn rộng (5 thôn, 9 khu phố) nên hơn một năm nay, tôi phải trực tất cả các ngày trong tuần. Dịp này, đang thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tôi còn tham gia trực và tuần tra cả ban đêm nữa. Thử hỏi, công việc cho thu nhập hơn một triệu đồng/tháng có mấy ai lựa chọn?”.

Rất nhiều đồng chí chúng tôi gặp đều kể, vì tham gia lực lượng nên phải bỏ bê việc đồng áng; vợ con kêu ca, phàn nàn rất nhiều, anh em cũng tâm tư, suy nghĩ nhưng cũng vì cái chung nên chỉ biết động viên vợ con, bảo ban nhau cố gắng làm việc cho tốt. Cũng chỉ vì nhiệm vụ mà không ít đồng chí bị xóm làng, anh em ghẻ lạnh nhưng đứng trước sự lựa chọn làm đúng bị mọi người chê trách hay làm sai hoặc làm ngơ để vừa lòng người này, người khác…, anh em đã biết đứng về lẽ phải nhờ “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng” với niềm tin, cứ làm cái đúng, cái tốt, rồi mọi người sẽ hiểu và ủng hộ.

Thực tế đã có không ít công an viên và cả trưởng, phó công an xã bỏ việc đi làm thuê hoặc tăng gia chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. “Thôi cũng vì cuộc sống, vì vợ con, chứ hoàn toàn không có chuyện lập trường, tư tưởng gì đâu” - lời tâm sự của một đồng chí công an xã khi rời đội ngũ.

Mới đây lực lượng công an xã đã được hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, đây là một quyết sách khiến anh em công an xã rất mừng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách chưa thực thi, chẳng hạn như một số điều của Nghị định số 73/2009 của Chính phủ (Điều 7 Khoản 3 quy định: Trưởng công an xã có thời gian phục vụ liên tục từ đủ 60 tháng trở lên thì được hưởng phụ cấp thâm niên mỗi năm bằng 1% lương và phụ cấp hiện hưởng; có thời gian công tác từ đủ 15 năm trở lên, nếu nghỉ việc có lý do chính đáng mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì được trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng lương bình quân và phụ cấp đóng bảo hiểm hiện hưởng.

Tại Điều 7 Khoản 4 quy định: Phó công an xã và công an viên có thời gian công tác đủ từ 15 năm trở lên, nếu nghỉ vì lý do chính đáng thì được hưởng trợ cấp một lần; mức trợ cấp được tính là cứ mỗi năm công tác được tính bằng 1,5 tháng mức lương bình quân phụ cấp hiện hưởng…). Dù vậy những chính sách đó đến nay vẫn chưa được thực hiện.

Điều nữa là các chiến sỹ công an xã trong khi thực hiện nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân không may bị thương tích hoặc tử vong cũng rất khó được công nhận là thương binh hay liệt sỹ.

Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng quy định: “Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân” là một trong các trường hợp sau đây được công nhận là liệt sỹ. Hai chữ “dũng cảm” chỉ mang tính chất định tính, rất mơ hồ ấy đã tạo ra vô vàn vướng mắc, khiến nhiều anh em công an xã bị thương hoặc tử vong khi làm nhiệm vụ phải chịu thiệt thòi.

Trường hợp đồng chí Trịnh Xuân Đạt - công an viên xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên là một thí dụ. Ngày 3/2/2014, trong quá trình vây bắt một đối tượng vi phạm pháp luật (đánh nhau) theo đúng kế hoạch và phương án, anh Đạt đã bị đối tượng lao thẳng xe vào người khiến anh bị gãy 2 chân, tỷ lệ thương tật lên tới 58%. Đến nay, anh Đạt vẫn chưa được hưởng bất cứ chế độ nào!

Công an viên Trịnh Xuân Đạt bị thương nặng trong quá trình vây bắt tội phạm từ năm 2014 đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Hiện đồng chí Đạt đi lại rất khó khăn.

Như đã nói ở trên, lực lượng công an xã có vai trò, vị trí quan trọng trong việc giữ gìn ANTT ở cơ sở, anh em vất vả, cực nhọc lắm nhưng chế độ, chính sách thực sự vẫn chưa bảo đảm. Chính phủ và ngành công an cũng như cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa tới lực lượng công an xã, cần tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc như: đầu tư, mua sắm trang thiết bị, bố trí trụ sở hay địa điểm làm việc khang trang. Vẫn biết nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp và khoản phụ cấp mà anh em công an  đang thụ hưởng đang đứng ở mức trung bình khá so với các tỉnh, thành bạn nhưng thực tế số tiền khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng chẳng đủ chi tiêu trong thời buổi giá cả đắt đỏ và nhu cầu sinh hoạt ngày càng lớn hiện nay.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa chữa, thay đổi những điều luật bất cập, xa thực tiễn để anh em công an xã yên tâm, dũng cảm tham gia trấn áp tội phạm, đừng để sự hy sinh, mất mát của những chiến sỹ công an xã rơi vào lãng quên, khiến anh em chịu thiệt thòi. Được biết, mới đây, Công an tỉnh đã phát động phong trào quyên góp tiền để hỗ trợ cán bộ, chiến sỹ công an gặp khó khăn. Từ nguồn tiền thu được, ngành công an đã mua hàng chục chiếc xe máy tặng Ban Công an các xã vùng sâu, vùng xa. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực, động viên kịp thời, chia sẻ khó khăn với những chiến sỹ công an bán chuyên trách đang ngày đêm vì sự bình yên của cuộc sống.

Lê Phiên 

Các tin khác
Chiến sỹ trẻ tham gia kiểm tra bắn súng tiểu liên AK, tư thế nằm bắn mục tiêu bia số 4.

Sáng 29/3, Bộ CHQS tỉnh Yên Bái tổ chức kiểm tra bắn súng tiểu liên AK, tư thế nằm bắn mục tiêu bia số 4 cho chiến sĩ mới nhập ngũ năm 2024.

Nội dung huấn luyện đội ngũ chiến thuật bài “Trung đội dân quân bảo vệ mục tiêu khi có gây rối bạo loạn”.

Ngày 28/3, huyện Yên Bình đã tổ chức ra quân huấn luyện trước rút kinh nghiệm huấn luyện dân quân tự vệ năm 2024 tại xã Bảo Ái.

Phường Nguyễn Thái Học tiến hành kẻ vạch sơn chỉ giới hành lang hai bên tuyến đường Lý Thường Kiệt.

Phường Nguyễn Thái Học là một trong những địa bàn trọng điểm với chợ truyền thống và nhiều điểm chợ tự phát, cùng với đó là các hộ kinh doanh hàng hóa và dân cư tập trung đông. Thời gian qua, địa phương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, thiết thực để đưa trật tự đô thị (TTĐT) từng bước đi vào nền nếp, góp phần xây dựng thành phố Yên Bái trở thành đô thị loại II văn minh và hiện đại.

Sáng 29/3, Bảo tàng tỉnh và Thư viện tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh Yên Bái tổ chức tập huấn phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm chủ động phòng ngừa, sẵn sàng các phương án khi xảy ra tình huống cháy nổ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục