Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp ở Mù Cang Chải: Quyết tâm và đồng thuận

  • Cập nhật: Thứ hai, 30/5/2016 | 2:20:14 PM

YBĐT - Những ngày này, cùng triển khai tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, huyện Mù Cang Chải đang tích cực triển khai Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông (GDMN – GDPT) giai đoạn 2016 - 2020…

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học và THCS xã Chế Cu Nha.
(Ảnh: Đình Tứ)
Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học và THCS xã Chế Cu Nha. (Ảnh: Đình Tứ)

Xác định việc thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với GDMN - GDPT, giai đoạn 2016 - 2020 (gọi chung là Đề án) là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tiết kiệm kinh phí hoạt động, khắc phục lãng phí về nguồn lực đầu tư, tinh giản biên chế…, huyện Mù Cang Chải đã nghiêm túc triển khai, thực hiện.

Ông Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Sau khi quán triệt tinh thần từ cấp trên, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp, đồng thời tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ mở rộng, thành phần là các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của huyện; bí thư, chủ tịch các xã, thị trấn; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch công đoàn các trường trên địa bàn… để quán triệt những nội dung liên quan đến Đề án. Huyện ban hành Kế hoạch số 42 về việc tuyên truyền thực hiện Đề án, chỉ đạo các xã, thị trấn  phối hợp với các trường tiến hành xây dựng đề án của địa phương đảm bảo theo nội dung hướng dẫn. Sau khi Ban Thường vụ Huyện ủy có ý kiến vào đề án các xã, thị trấn, huyện đã xây dựng đề án chung của huyện. Đánh giá, từ quán triệt sâu sắc đến cấp ủy, chính quyền địa phương, các nhà trường và toàn thể nhân dân, Đề án đã nhận được sự đồng thuận đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng như nhân dân. Vì sau sắp xếp, sẽ xóa được nhiều điểm trường lẻ việc đầu tư cơ sở vật chất thuận lợi hơn; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (CBQL, GV, NV) được bố trí, sắp xếp đảm bảo phù hợp, bộ máy tinh gọn, hiệu quả hơn”.

Dù là huyện vùng cao, tuy nhiên từ sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sự phối hợp của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của địa phương, đến nay, Mù Cang Chải có 37 trường MN, PTCS với quy mô 618 nhóm, lớp với 16.627 cháu và học sinh với 139 điểm trường lẻ (tiểu học 69 điểm, MN 70 điểm); 17 trường phổ thông dân tộc bán trú. Cơ sở vật chất có 1.061 phòng, gồm 595 phòng học, 197 phòng chức năng, 295 phòng bán trú học sinh; 171 phòng công vụ giáo viên. Toàn ngành có tổng số 1.233 CBQL, GV, NV, trong đó, biên chế 1.183 người (sự nghiệp 1.178 người, quản lý nhà nước 5 người); hợp đồng 50 người.

Ông Hoàng Văn Đồng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết: “Theo phương án sắp xếp, huyện sẽ xóa được 98 điểm trường (29 điểm trường MN, 69 điểm trường tiểu học); tiến hành sáp nhập 7 trường, tách 2 trường; duy trì 19 trường PTDTBT và 5 trường chuẩn quốc gia. Như vậy, ngay sau cuối năm học 2015 - 2016 (tháng 6/2016), toàn huyện còn 34 trường, với 47 điểm lẻ, giảm 3 trường, 95 lớp, giảm 92 điểm lẻ. Theo lộ trình, vào năm học 2019 - 2020, so với trước khi triển khai Đề án (tháng 4/2016), toàn huyện sẽ giảm 4 trường, giảm 98 điểm lẻ, tăng 2 trường bán trú, giảm 1 trường chuẩn, giảm 20 lớp, tăng 3.026 học sinh, tăng 22 lớp 2 buổi/ngày, tăng 4.852 học sinh bán trú”.

Sau khi sáp nhập trường, điểm trường, ngành giáo dục Mù Cang Chải sẽ dôi dư 10 CBQL (2 MN, 2 tiểu học và 3 THCS). Do đó, phương án sắp xếp của huyện là: điều động 2 CBQL đến 3 đơn vị trường MN thiếu CBQL; điều động 5 CBQL tiểu học đến 4  đơn vị trường tiểu học thiếu CBQL; điều động 2 CBQL trường THCS đến Trường PTDTBT THCS Khao Mang và 1 cán bộ quản lý đến tháng 9 nghỉ chế độ.

Đối với GV, sau rà soát, toàn ngành dôi dư 85 GV tiểu học. Phương án sắp xếp, sẽ cho nghỉ chế độ theo Nghị định 108 của Chính phủ (tự nguyện) là 15 người, 20 GV tự nguyện chuyển đi học MN, 13 GV nhóm 2 chuyển lên THCS, kiêm nhiệm công tác quản sinh 4 người, 15 GV thừa cục bộ theo từng năm học do các đơn vị trường sắp xếp và bố trí công việc.

Đối với NV kế toán, y tế, văn thư và thiết bị, tổng số 80 người. Phương án sắp xếp, đối với các đơn vị trường có 400 học sinh bán trú trở lên bố trí 2 NV y tế, 2 NV kế toán và kiêm nhiệm thêm kế toán, y tế của trường MN trên cùng địa bàn.

Đối với các trường tiểu học, THCS độc lập bố trí 1 NV y tế, 1 kế toán và có trách nhiệm kiêm thêm nhiệm vụ y tế và kế toán của các trường MN trên cùng địa bàn xã. Đối chiếu với số lượng NV và các trường, việc sắp xếp sẽ đảm bảo đủ, không dôi dư. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Sau khi thực hiện xóa và sáp nhập các trường, điểm trường, số phòng học thừa tại các điểm lẻ là 225 phòng, trong đó 86 phòng di dời về điểm chính. 139 phòng còn lại huyện giao cho chính quyền địa phương và các trường MN quản lý sử dụng.

Về vấn đề này, ông Đồng cho biết thêm: “Nếu đối với các trường PTDTBT có 2 cấp học và trường PTDTBT có trên 400 học sinh bán trú bố trí 4 CBQL, trường PTDTBT có 3 cấp học có 5 CBQL thì việc bố trí sắp xếp GV tiểu học dôi dư sẽ thuận lợi hơn vì trên địa bàn có nhiều trường nằm vào diện trên”.

Có thể thấy, mặc dù gặp một số khó khăn: đối với các xã khi sáp nhập, di chuyển trường lắp ghép lẻ về điểm chính phải tự bố trí kinh phí; một số điểm trường phải mở rộng quỹ đất, huyện phải bố trí kinh phí san tạo mặt bằng; có những xáo trộn bước đầu trong đội ngũ CBQL, GV, NV và người dân… Tuy nhiên đánh giá chung, đề án tại Mù Cang Chải đã nhận được sự đồng thuận của đội ngũ CBQL, GV, NV và nhân dân.

Ông Sùng A Lử - Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết: “Là một xã có địa bàn rộng, chúng tôi có 2 trường và 17 điểm lẻ, vì vậy thực hiện Đề án là hết sức cần thiết. Điều này sẽ giúp đưa học sinh tại những điểm trường lẻ có quy mô nhỏ về học tại điểm trường chính, các cháu có điều kiện học tập tốt hơn, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Đồng thời, tiết kiệm kinh phí hoạt động, khắc phục lãng phí về nguồn lực đầu tư, hạn chế đầu tư dàn trải, sử dụng cơ sở vật chất. Do đó, xã đã phối hợp, chỉ đạo các trường xây dựng Đề án. Theo đó, sẽ tách Trường PTDTBT Tiểu học Vừ A Dính thành Trường PTDTBT Tiểu học Vừ A Dính và Trường PTDTBT Tiểu học Tà Ghênh. Qua đó, sẽ xóa được 11 điểm trường lẻ, trong đó có 2  MN và 9 tiểu học”.

Có thể thấy, việc triển khai Đề án tại huyện Mù Cang Chải cơ bản là thuận lợi. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu đề ra, ông Vũ Tiến Đức - Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện tiếp tục tăng cường  sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong việc thực hiện Đề án. Cụ thể là việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về thực hiện Đề án theo Kế hoạch số 29/KH - UBND ngày 3/3/2016 của UBND tỉnh. Bên cạnh tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, trong đó ưu tiên đầu tư cho các trường thiếu phòng học, phòng bán trú, sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý, xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ”.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện Vũ Tiến Đức, để đảm bảo tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, tỷ lệ chuyên cần, sẽ thực hiện tốt tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên tới toàn thể phụ huynh và các tầng lớp nhân dân, đồng thời tăng cường các giải pháp để huy động học sinh ra lớp. Sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục qua phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và các địa phương qua phát huy vai trò của Hội khuyến học với các hình thức hoạt động phong phú, thiết thực; huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí xây dựng phòng học, phòng bán trú và các công trình phụ trợ; phân công các ban, ngành, đoàn thể phụ trách, giúp đỡ các đơn vị trường; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện công tác xã hội hóa...

Nguyễn Đình

Các tin khác
Hội nghị tuyên truyền về an toàn giao thông cho đoàn viên, công nhân khu công nghiệp.

Hình thức tuyên truyền, vận động được các cấp công đoàn Yên Bái đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn; kết hợp giữa hình thức trực quan và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người lao động trong tỉnh.

Nhiều người dân chỉ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một cuộc sống khỏe mạnh, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Đây không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà là một cách tiếp cận mới đáp ứng nhu cầu an toàn, bền vững và chất lượng của con người. Những nỗ lực của cộng đồng người tiêu dùng ở Yên Bái đã tạo ra những thay đổi tích cực trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và gắn kết trong cộng đồng.

Chương trình ngoại khoá với chủ đề

Nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá ý nghĩa với chủ đề trình diễn thời trang tái chế, bảo vệ môi trường.

Hiện xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt 57 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Vừa qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình điểm "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường quản lý chất thải nhựa trong trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua các tổ tự quản” tại xã Sơn A. Từ hiệu quả mô hình, HND thị xã đã nhân rộng ra tất cả các cơ sở Hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục