Sửa đổi Thông tư 30: Sẽ đánh giá thường xuyên học sinh thành mức A, B, C

  • Cập nhật: Thứ bảy, 27/8/2016 | 8:22:22 AM

Ngày 27/8, Bộ Giáo dục- Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định đánh giá học sinh tiểu học (Thông tư 30) sau 2 năm triển khai với tinh thần kế thừa những ưu điểm và khắc phục những bất cập mà giáo viên phản ánh.

Học sinh không bị áp lực điểm số

Theo Bộ GD&ĐT, qua 2 năm triển khai thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 (TT30), tổng hợp báo cáo của 63 cơ sở giáo dục đào tạo cùng 2 nhóm chuyên gia khảo sát và đánh giá thực hiện TT30, đã chỉ ra một số ưu khuyết điểm.

Về ưu điểm, TT30 đã giúp đổi mới việc đánh giá học sinh theo xu thế đổi mới giáo dục của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Đó là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh tự tin, không so sánh học sinh này với học sinh khác.

Đa số giáo viên đã nhận thức rõ và thực hiện theo tinh thần, nội dung của TT30, bước đầu thay đổi phương pháp và các hình thức tổ chức hoạt động dạy học, quan tâm nhiều hơn đến việc hình thành và phát triển năng lực cũng như phẩm chất cho học sinh.

Giáo viên quá tải khi ghi chép TT30 (ảnh: Minh Quân)

Giáo viên quá tải khi ghi chép TT30

Việc đánh giá học sinh theo TT30 thể hiện sự nhiệt tình, trách nhiệm gần gũi, sâu sát, quan tâm và hiểu học sinh hơn. Giáo viên đã biết nhận xét, khích lệ sự cố gắng, tiến bộ của học sinh, đồng thời chỉ ra những sai sót để khắc phục trong quá trình học tập.

Việc không chấm điểm thường xuyên giúp học sinh có tâm lý thoải mái hơn, không mặc cảm, không bị áp lực về điểm số nên các em tích cực học tập, tham gia vào các hoạt động trường lớp. Bước đầu các em làm quen với việc tự nhận xét và nhận xét, góp ý bạn, biết tự học, giao tiếp, hợp tác, hứng thú học tập.

Đối với các cán bộ quản lý giáo dục từ sở, phòng và trường tiểu học đã nhận thức đúng mục đích ý nghĩa của việc đánh giá học sinh theo TT 30; có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, tư vấn cho giáo viên cách nhận xét, đánh giá học sinh.

Về phía cha mẹ học sinh, đã hiểu được mục đích, ý nghĩa và đồng thuận trong việc đánh giá học sinh tiểu học theo TT30, không tạo áp lực về điểm số cho con em, không so sánh con mình với học sinh khác.

Chưa lượng hóa kết quả học tập

Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc đánh giá TT30 còn một số hạn chế, bất cập. Quy định nhận xét bằng lời và viết nhận xét trong thông tư chưa rõ, cứng nhắc nên giáo viên chủ yếu là ghi nhận xét từng học sinh vào vở và sổ theo dõi chất lượng giáo dục khiến giáo viên quá tải.

Quy định ghi sổ theo dõi chưa hợp lý, hồ sơ đánh giá học sinh còn áp lực cho giáo viên. Cha mẹ học sinh chưa nắm bắt kịp thời được mức độ học tập, rèn luyện của con em do chưa có lượng hóa đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh. Việc khen thưởng chưa cụ thể nên giáo viên còn lúng túng.
Trong quá trình tổ chức và triển khai TT30, chưa làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền, giải thích để cha mẹ học sinh và xã hội hiểu đúng bản chất, mục đích yêu cầu đánh giá học sinh tiểu học theo TT30.



TT30 thay đổi sẽ không còn kiểu nhận xét không hiểu gì như thế này

TT30 thay đổi sẽ không còn kiểu nhận xét "không hiểu gì" như thế này

Công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tiểu học triển khai thực hiện TT30 chưa làm thường xuyên. Công tác quản lý các cấp còn máy móc, gây nặng nề cho giáo viên.

Sẽ có bài kiểm tra vào cuối kì và cuối năm

Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT công bố Dự Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy định đánh giá HS tiểu học trên tinh thần kế thừa những ưu điểm và khắc phục những bất cập trên.

Cụ thể, về đánh giá thường xuyên: Giữ quy định đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, không dùng điểm số. Tuy nhiên, TT sửa đổi không quy định hàng tháng giáo viên phải ghi nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Giáo viên được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào nhận xét vào vở hoặc vào sổ cá nhân cho phù hợp.

Về hồ sơ đánh giá: Gồm học bạ của học sinh và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp (thay sổ theo dõi chất lượng giáo dục).

Về việc giúp cha mẹ học sinh nắm bắt được mức độ học tập rèn luyện của con em: Bổ sung, tổng hợp đánh giá thường xuyên bằng lượng hóa thành các mức A, B, C vào giữa hoặc cuối học kì. Ở lớp 1,2,3, học sinh sẽ có bài kiểm tra vào cuối học kì I và cuối năm học với 8 môn.

Ngoài ra, đối với học sinh lớp 4, 5, để các em dần tiếp cận với yêu cầu của cấp THCS nên ngoài việc có bài kiểm tra vào cuối kì I và cuối năm học nên riêng môn Tiếng Việt và môn Toán, có thêm một bài kiểm tra vào giữa học kì I và giữa học kỳ II.

Về khen thưởng: Hướng dẫn rõ đối tượng học sinh được khen thưởng.

Bộ GD-ĐT cho biết, hiện vẫn đang xin ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 30.

Dự thảo sửa đổi Thông tư 30 được đưa lên mạng lấy ý kiến rộng rãi toàn xã hội.

Giáo sư (GS) Nguyễn Minh Thuyết- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội: “Không sửa đổi sẽ ảnh hưởng chất lượng học tập”.

Tôi đã đến tận các trường, dự giờ, gặp gỡ giáo viên học sinh và nhận được rất nhiều ý kiến. Trong đó, các cán bộ quản lý cho biết học sinh lười học hơn, nếu không sửa sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Thứ hai, việc áp dụng TT 30 rất máy móc, không tính đến điều kiện làm việc của giáo viên nên nhiều lớp học sinh đông, ở miền núi còn tình trạng lớp ghép nên tạo áp lực rất nặng nề cho đội ngũ giáo viên giảng dạy. GS Thuyết lấy thí dụ, ở Anh, học sinh mỗi lớp tiểu học từ 15- 25 em, do hai cô phụ trách, một cô giáo viên chính, một cô trợ giảng chuyên giúp đỡ học sinh yếu. Lương của cô giáo tính theo tỉ giá năm đó là 61 triệu đồng/tháng. Trong khi ở ta, nhiều đô thị, số học sinh lên đến 60 em/lớp, hoàn cảnh như vậy mà bắt giáo viên đánh giá từng em thường xuyên và ghi vào sổ từng nhận xét ấy thì khó kham nổi.

Thứ 3, việc áp dụng TT 30 nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể cho cha mẹ học sinh đánh giá con như thế nào nên chưa có trường nào áp dụng được việc kết hợp này, đồng thời khiến phụ huynh có tâm lý lo lắng vì không biết học lực của con mình ra sao, cần chỉ bảo hướng dẫn con thêm những gì.

Phó giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Kế Hào (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội): "Chỉ có định tính nên thiếu khoa học".

TT30 thiếu một nửa định lượng, chỉ có định tính nên thiếu khoa học. Với một kỳ chỉ có một bài kiểm tra như hiện nay, rất khó xác định được cụ thể năng lực ra sao. Vì thế, tôi đề nghị thay đổi TT 30 phải có yếu tố định lượng. Định tính phải gắn với yếu tố định lượng mới sát thực.

Hai năm qua, đi nhiều nơi tôi thấy buồn lắm. Cả một cấp học mà không có lấy một học sinh giỏi nào, chỉ có học sinh đạt hay không đạt. Động lực dạy/học ở trường rất hạn chế, không có sự phân hóa học sinh mà tất cả đều đồng loạt.

GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam: “Thay đổi theo hướng vừa nhận xét vừa có điểm số”.

Tôi đồng tình với việc cần thiết thay đổi TT30. Theo đó, cần thay đổi TT30 theo hướng vừa nhận xét vừa cho điểm. Trong đó, quy định rõ trong một kỳ, cần cho học sinh thêm một hoặc hai điểm số. Đặc biệt, học sinh nào không học được vẫn phải lưu ban, không phải bằng mọi cách để lên được lớp như hiện nay.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác
Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Ảnh minh họa

Nghị định 40/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 nêu rõ chế độ, chính sách, của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức được áp dụng từ 1/7 tới.

Phụ nữ thôn Hợp Nhất, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình tham gia vệ môi trường đường làng, ngõ xóm sạch đẹp.

Hiện toàn tỉnh Yên Bái có hơn 900 tổ tự quản do Mặt mặt trận Tổ quốc chủ trì thành lập. Các tổ đã vận động thành viên vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp; vệ sinh đồng ruộng; trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, cây xanh, đường hoa….

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục