Xã Tân Thịnh chuẩn bị thực hiện giảm điểm trường lẻ

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/10/2016 | 2:03:06 PM

YBĐT - Trên địa bàn xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn có hiện có 3 trường độc lập theo 3 cấp học: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở với 6 điểm trường, khoảng trên 980 học sinh. Thực tế cho thấy, do có nhiều điểm lẻ nên việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học ở xã còn dàn trải, không tập trung.

Cũng do có nhiều điểm lẻ nên việc sinh hoạt, chỉ đạo chuyên môn của các trường đôi khi chưa kịp thời, chưa bám sát đối tượng. Sĩ số học sinh ở một số lớp ở điểm lẻ ít, gây lãng phí về đội ngũ giáo viên, trong khi sĩ số học sinh ở điểm chính lại quá đông mà các nhà trường lại thiếu giáo viên theo quy định, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy.

Sau khi tiếp thu tinh thần chỉ đạo của tỉnh, của huyện về thực hiện Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020, căn cứ vào điều kiện của địa phương, Đảng ủy, HĐND, UBND và các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị trường học trong xã đã tập trung chỉ đạo rà soát, xây dựng, hoàn thiện.

Đề án Sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn xã Tân Thịnh, giai đoạn 2016 - 2020. Theo Đề án, sau khi sáp nhập, trên địa bàn xã còn 2 trường, gồm Trường Mầm non, Trường Tiểu học và THCS Tân Thịnh. Đến năm 2018 - 2020, còn 3 điểm trường chính với 33 lớp, trên 1.080 học sinh (giảm 3 điểm trường lẻ).

Khi mới triển khai Đề án, không thể phủ nhận trong dư luận xã hội còn có những băn khoăn, vướng mắc. Trước hết, đó là việc Trường Tiểu học Tân Thịnh đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, giai đoạn 2010 - 2015, khi sáp nhập 2 trường thì mất trường chuẩn.

Để đạt được trường chuẩn mức độ 2 là công sức của nhiều thế hệ thầy và trò nhà trường, là sự đóng góp, ủng hộ của nhiều tập thể, cá nhân trên địa bàn, đặc biệt là của phụ huynh học sinh trên toàn xã. Vì vậy, nhiều phụ huynh chưa đồng thuận trong việc sáp nhập trường.

Cùng đó, khi sáp nhập học sinh điểm lẻ về trung tâm, việc đưa đón các cháu cũng là vấn đề nhân dân lo lắng. Bởi có những cháu mầm non và tiểu học nhà cách trường trên 5 km, không thể tự đi về mà phụ thuộc vào bố mẹ, đồng nghĩa với việc phần nào ảnh hưởng đến thời gian lao động, sản xuất của phụ huynh.

Có nhiều cháu thuộc thôn đặc biệt khó khăn, việc đi lại xa sẽ ảnh hưởng nhiều đến thời gian học tập của các cháu, nhất là những ngày mưa rét. Khi học sinh điểm lẻ về điểm chính học, sĩ số học sinh tại điểm chính sẽ tăng, cơ sở vật chất của nhà trường không đáp ứng được nhu cầu. Theo dự tính, sau sáp nhập điểm lẻ, tại các điểm chính của các trường thiếu 7 phòng học văn hóa, 3 phòng học bộ môn, 2 phòng ở và các công trình phụ trợ cho học sinh bán trú.

Trước những khó khăn này, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã bàn bạc, thống nhất nội dung tuyên truyền và đẩy mạnh chỉ đạo tuyên truyền để nhân dân thấy được những lợi ích mà Đề án mang lại, như: quy hoạch, bố trí mạng lưới trường, lớp nhằm tiết kiệm kinh phí hoạt động; khắc phục lãng phí về nguồn lực đầu tư; sử dụng cơ sở vật chất, các trang thiết bị dạy học hiệu quả hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện...

Trong tuyên truyền, quan điểm của xã là chú trọng lắng nghe ý kiến phản hồi từ cơ sở, trên cơ sở đó để cùng thảo luận, thống nhất các phương án giải quyết khó khăn, thắc mắc trong nhân dân. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, UBND xã Tân Thịnh đã có phương án bố trí mặt bằng để xây dựng phòng học và nhà bán trú, đồng thời tuyên truyền huy động sự đóng góp của xã hội để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia.

Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, xã cũng ưu tiên hoàn thiện trước các tiêu chí hỗ trợ để thực hiện Đề án có hiệu quả, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ bê tông hóa đường nông thôn, nhất là các thôn, bản vùng khó khăn để tạo điều kiện học sinh tới trường được thuận lợi.

Có thể nói, đến nay, khi năm học mới đã bắt đầu được một thời gian, cán bộ, nhân dân địa phương đã yên tâm, đồng thuận cùng thực hiện nội dung của Đề án. Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các nhà trường trên địa bàn xã, Tân Thịnh cũng rất cần sự quan tâm đầu tư của cấp trên để góp phần thực hiện tốt Đề án.

Trong đó, đặc biệt là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để xây dựng các phòng học văn hóa, phòng học bộ môn và 1 số công trình phụ trợ còn thiếu; xây dựng nhà ở và các công trình phụ trợ cho học sinh bán trú theo Nghị định số 116/NĐ-CP ngày 17/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Hạnh Quyên

Các tin khác
Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, ngày và đêm 24/4, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa rào và dông rải rác.

Bí thư Chi bộ thôn Đồng Gianh Đặng Thị Hoa trao quyết định kết nạp đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Mạnh Tường

Qua cổng làng, con đường dẫn vào thôn Đồng Gianh, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên xanh màu của cây, bừng sắc của hoa, khang trang những ngôi nhà xây hiện đại. Cách đó chẳng bao xa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Đặng Thị Hoa tươi nụ cười đón khách trước sân nhà. Cứ nhìn sân, ngó vườn, ngắm nhà là có thể phần nào biết sự kỹ lưỡng, chỉn chu của chủ gia đình cho không gian sống xanh, thoáng, đẹp…

Các em ở Trung tâm luôn được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất.

Con người sinh ra không ai giống ai, mỗi một số phận, hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi khác nhau, thế nhưng khi về với ngôi nhà chung là Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh, nơi đây - những mảnh đời đó đã được sống trong tình thương, đùm bọc và được sẻ chia niềm vui trong cuộc sống.

Hiện trường vụ tai nạn lao động xảy ra chiều 22/4 tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái.

Ngày 23/4, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đã ký Công văn hỏa tốc số 1308/UBND-VX yêu cầu các ngành liên quan tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động và xử lý vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái ngày 22/4 vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục