Nghề rèn truyền thống của người Mông

  • Cập nhật: Thứ tư, 26/10/2016 | 4:34:53 PM

YBĐT - Là dân tộc thường cư trú ở vùng rừng núi với tập quán canh tác chủ yếu làm nương, rẫy, người Mông đã sớm có nghề rèn để tạo ra các nông cụ chất lượng giúp lao động, sản xuất hiệu quả. Nay đồng bào vẫn luôn duy trì, gìn giữ nghề rèn truyền thống của mình.

Lò rèn của ông Sùng Nhà Páo thôn 1, xã Nà Hẩu (Văn Yên) sản xuất nông cụ chất lượng phục vụ bà con trong vùng.
Lò rèn của ông Sùng Nhà Páo thôn 1, xã Nà Hẩu (Văn Yên) sản xuất nông cụ chất lượng phục vụ bà con trong vùng.

Để được “mục sở thị” nghề rèn truyền thống nổi tiếng của đồng bào Mông, tôi đã lên kế hoạch và quyết tâm thực hiện một chuyến đi. Chuẩn bị tư trang rồi lên đường, sau hơn 2 tiếng đồng hồ xuất phát từ thành phố Yên Bái, tôi đã có mặt ở Nà Hẩu - một xã vùng cao của huyện Văn Yên với 100% dân cư là đồng bào Mông.

Tại đây, không chỉ được nghe mô tả chi tiết về phương thức sản xuất trong nghề rèn mà tôi còn được tận mắt chứng kiến những người thợ rèn thao tác điêu luyện biến những thanh sắt nguyên liệu thành nông cụ một cách tài tình. Trước khi bước vào rèn, ngoài việc mang đủ nguyên liệu sắt, thép dùng để tạo ra sản phẩm, người thợ rèn còn phải chuẩn bị đủ lượng than đốt và nhào đất dẻo đắp lò thật kín không để hơi gió trong bễ tỏa ra ngoài. Than dùng cho lò rèn không phải là than đá mà là một loại than được làm từ gốc, rễ và thân các loại gỗ cứng ở rừng.

Lò rèn của người Mông không cầu kỳ, chỉ có một khúc gỗ chắc với đường kính 50cm, dài gần 2m được khoét rỗng bên trong tạo thành bễ, cấu tạo đơn giản giống như một cái bơm xe đạp khổng lồ nằm ngang. Pít - tông là một miếng gỗ tròn như cái thớt được gắn lông gà xung quanh đưa vào trong lòng cây gỗ để dễ dàng tịnh tiến khi đẩy ra, kéo vào tạo hơi gió ra lò đun. Cùng với đó là những chiếc kìm dùng để kẹp cạp dài nửa mét, cái búa nện nặng chừng 1kg và đe to bằng cái thớt nhỏ, dài 20cm.

Làm rèn phải theo một quy trình cụ thể và cần có từ 2 đến 3 người tham gia, một người kéo bễ để tạo hơi gió thổi vào trong lò cho than cháy đều để cung cấp nhiệt suốt quá trình chế tác, một người cầm búa rèn miếng sắt cho mỏng dần để tạo ra sản phẩm. Nếu là sản phẩm lớn thì thêm một người hỗ trợ quai búa nữa để tăng tiến độ công việc.

Trong khi đó, những phôi thép đỏ rực dưới tác động của nhịp quai búa lúc mạnh, lúc nhẹ, lúc khoan thưa, lúc dồn dập để rồi tạo thành những con dao, cái búa, chiếc cuốc và những lưỡi liềm vuốt cong đầy sự sáng tạo... Khi rèn, người ta cho sắt, thép vào nung đỏ, đưa ra đặt lên đe rồi dùng búa đập mạnh vào cho đến khi sắt nguội lại cho vào lò nung, cứ vừa nung sắt, vừa quai búa cho đến khi sản phẩm được định hình theo như ý muốn mới thôi.

Hình hài của những nông cụ lao động này dường như đã ngấm vào máu, được lập trình trong tiềm thức và tự động hình thành qua đôi mắt theo dõi độ chín của sắt và nhịp búa của người thợ rèn. Do đó, những thợ rèn người Mông không cần sơ đồ khuôn mẫu cũng chẳng cần cân, đong đo hay đếm khối lượng kim loại nhưng họ vẫn làm ra được những sản phẩm cùng loại và hầu như không có sự khác biệt nhau nhiều về hình dáng hay trọng lượng.

Để có một công cụ lao động như ý, ngoài việc tạo dáng thì khâu tôi sắt là khâu quyết định về chất lượng của sản phẩm. Ông Sùng Nhà Páo ở thôn 1, xã Nà Hẩu (Văn Yên) cho hay: “Trong khâu tôi sắt người Mông có “bí quyết” riêng để tạo nên những sản phẩm nông cụ truyền thống có chất lượng cao, đó là khả năng nhìn màu sắt để đưa vào tôi. Có nhiều cách tôi sắt khác nhau, có loại sắt thì tôi bằng nước lã và bỏ một lượng muối vừa phải, có loại sắt thì lại tôi bằng thân cây chuối và cũng có thể bằng dầu nhớt. Tuy nhiên, khi tôi sắt người ta đã xác định rõ từng loại sắt để chọn cách tôi cho phù hợp, sản phẩm được làm ra mới bền và sắc”.

Sau khi tôi xong là đến giai đoạn mài, trước đây, người Mông thường mài công cụ bằng một loại đá ở suối nhưng ngày nay với sự tiến bộ, người Mông đã biết mua máy mài về sử dụng để giảm bớt thời gian lao động. Các loại sản phẩm như dao, búa, cuốc, thuổng do thợ rèn người Mông làm ra được coi như những nông cụ quý, vì nó đạt tới độ bền cao và rất sắc.

Gặp chúng tôi giữa mùa gặt, tay cầm chiếc liềm, bà Hờ Thị Lử thôn 3 xã Nà Hẩu phấn khởi cho biết: “Các nông cụ trong gia đình tôi đều do thợ rèn trên địa bàn này làm nên chất lượng rất tốt. Ngay như chiếc lưỡi liềm gặt lúa này tôi đã dùng nhiều năm nay rồi nhưng giờ vẫn còn sắc lắm”.

Nà Hẩu là một xã vùng cao nằm cách trung tâm huyện lỵ Văn Yên 32km nên hầu như cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây tự cung, tự cấp là chủ yếu. Do đó để có được các vật dụng nông cụ đáp ứng nhu cầu lao động, sản xuất kịp thời vụ, đồng bào đã gìn giữ và phát huy hiệu quả nghề rèn. Hiện nay trên địa bàn xã, mỗi thôn có ít nhất từ 1 đến 2 lò rèn tạo thuận lợi cho việc làm ra các vật dụng phục vụ lao động, sản xuất. Đó là lò rèn của các gia đình: ông Sùng Nhà Páo, Vàng A Già ở thôn 1, Lý A Vư ở thôn 2,  Tráng A Chơ ở thôn 4 và nhiều lò rèn khác. Khi đến mùa vụ, hầu hết các lò rèn luôn bận rộn, bình quân mỗi lò phải làm mới, sửa chữa từ 5 đến 10 sản phẩm/ ngày cho bà con.
Người Mông không chỉ rèn dao, búa, thuổng, xẻng... tốt mà còn nổi tiếng về kỹ thuật đúc lưỡi cày hay các công cụ sản xuất, vật dụng tinh xảo mặc dù chỉ làm thủ công nhưng đạt chất lượng cao. Vì thế nên hầu hết sản phẩm được làm ra có độ bền được đồng bào vùng cao ưa dùng.

Sùng A Hồng

Các tin khác
Hội nghị tuyên truyền về an toàn giao thông cho đoàn viên, công nhân khu công nghiệp.

Hình thức tuyên truyền, vận động được các cấp công đoàn Yên Bái đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn; kết hợp giữa hình thức trực quan và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người lao động trong tỉnh.

Nhiều người dân chỉ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một cuộc sống khỏe mạnh, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Đây không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà là một cách tiếp cận mới đáp ứng nhu cầu an toàn, bền vững và chất lượng của con người. Những nỗ lực của cộng đồng người tiêu dùng ở Yên Bái đã tạo ra những thay đổi tích cực trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và gắn kết trong cộng đồng.

Chương trình ngoại khoá với chủ đề

Nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá ý nghĩa với chủ đề trình diễn thời trang tái chế, bảo vệ môi trường.

Hiện xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt 57 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Vừa qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình điểm "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường quản lý chất thải nhựa trong trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua các tổ tự quản” tại xã Sơn A. Từ hiệu quả mô hình, HND thị xã đã nhân rộng ra tất cả các cơ sở Hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục