Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học ở thành phố Yên Bái: Một năm nhìn lại

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/4/2017 | 6:51:37 AM

YBĐT - Tích cực triển khai Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, đến nay, thành phố Yên Bái đã ghi nhận một số kết quả nhất định.

Bắt đầu từ tháng 3/2017, 80 trẻ của điểm lẻ Lương Thịnh thuộc Trường Mầm non Ngọc Lan, xã Tân Thịnh đã được chuyển về học tại điểm trường chính, chính thức xóa bỏ điểm lẻ Lương Thịnh của nhà trường.

Về điểm chính học, cô và trẻ được dạy và học trong những phòng học khang trang, sạch sẽ vừa mới được xây dựng. 3 phòng học mới này được khởi công xây dựng từ tháng 9, nay được đưa vào sử dụng đưa tổng số phòng học của nhà trường lên 7 lớp, bảo đảm phòng học cho 210 trẻ của nhà trường.

Cô Kiều Thị Nguyệt Nga là giáo viên dạy ở điểm lẻ Lương Thịnh trước đây cho biết: "Được chuyển về điểm trường chính, cô và trò chúng tôi quả thực được thụ hưởng điều kiện cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ hơn điểm lẻ rất nhiều. Mọi cái đều thuận tiện hơn cho việc dạy và học".

Cô Vũ Thị Hương Giang - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan cho biết: "Ở phân hiệu Lương Thịnh, 3 phòng học là những phòng học bán kiên cố nhưng đã xuống cấp. Khi xóa bỏ phân hiệu này, đưa các trẻ về học ở điểm trường chính không những thuận lợi hơn cho công tác quản lý mà cơ bản nhất là các em được hưởng quyền lợi ngang nhau, nhất là thụ hưởng về cơ sở vật chất. Chính điều đó đã làm cho phụ huynh ngày càng yên tâm, ủng hộ việc xóa bỏ điểm lẻ dù nhiều người có phải đưa đón con em xa hơn chút".

Theo cô Vũ Thị Hương Giang, ban đầu, một trong những khó khăn của nhà trường gặp phải khi thực hiện xóa bỏ điểm lẻ đấy là sự chưa ủng hộ của phụ huynh bởi tâm lý ngại đưa con học xa hơn điểm trường lẻ hoặc e ngại sẽ phải đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất.

Nhưng sau khi được sự tuyên truyền, giải thích rõ ràng từ các cấp chính quyền và nhà trường, nhất là tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất mà con em sẽ được thụ hưởng tại điểm chính thì phụ huynh đã đồng tình ủng hộ.

Đến nay, mọi hoạt động của nhà trường đã đi vào ổn định, bảo đảm duy trì sĩ số học sinh. Sau khi thực hiện xóa bỏ điểm lẻ cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phấn đấu đạt chuẩn của nhà trường vào năm 2019. Song, theo cô Vũ Thị Hương Giang, nhà trường rất mong muốn được đầu tư xây dựng thêm khu hiệu bộ, phòng chức năng để có thể đạt chuẩn đúng thời gian như mục tiêu đã đặt ra.

Quá trình thực hiện Đề án, nhiều trường cũng đã có những sự linh hoạt, sáng tạo để thực hiện việc sắp xếp được thuận lợi, hiệu quả. Năm 2016-2017 này, Trường Mầm non Thanh Bình (xã Minh Bảo) cũng tiến hành việc xóa bỏ điểm trường lẻ thôn Bảo Thịnh.

 

Một giờ học của trẻ tại Trường Mầm non Thanh Bình, xã Minh Bảo.

Cùng với việc tuyên truyền tạo sự đồng tình ủng hộ của phụ huynh học sinh cho việc xóa bỏ điểm lẻ, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tiến hành phân luồng học sinh. Khi tuyển sinh, nhà trường đã vận động những học sinh có hộ khẩu thường trú tại các phường lân cận trở về học đúng tuyến trên địa bàn.

Với trẻ mẫu giáo 5 tuổi trên địa bàn, nhà trường vận động các cháu đưa vào điểm trường chính ngay từ đầu năm học. Vì thế, 15 trẻ 5 tuổi ở điểm chính đã được chuyển về điểm trường chính ngay từ đầu năm học. Đến tháng 2/2017, sau khi tiếp nhận công trình 2 phòng học được xây mới, nhà trường đã đưa toàn bộ 2 lớp mẫu giáo 3 và 4 tuổi với tổng số 34 trẻ về học ở điểm trường chính.

Cô Nguyễn Thị Thu Hiền - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Đến nay, việc dạy và chăm sóc trẻ sau khi sáp nhập đều ổn định, bảo đảm đủ sĩ số học sinh. Cơ sở vật chất tại điểm trường lẻ nhà trường sẽ bàn giao cho chính quyền xã quản lý. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập thì có nảy sinh khó khăn về vấn đề quỹ đất khi diện tích của nhà trường chỉ còn lại 1.204 m2, không đáp ứng nhu cầu về quỹ đất theo quy định tại điều lệ trường mầm non. Nơi để xe của các bậc phụ huynh vào các giờ đón, trả trẻ bị thiếu, không bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trước khu vực cổng trường. Song, nhà trường đã có những giải pháp để khắc phục khó khăn này".

Được biết, nhà trường đã phối hợp với Trung đoàn 192 ủng hộ công lao động và phụ huynh ủng hộ phương tiện để tổ chức phá dỡ toàn bộ vườn hoa trước cổng để làm nơi để xe cho phụ huynh vào giờ đón, trả trẻ. Nhà trường cũng đã tham mưu giúp các cơ quan quản lý cấp trên trong việc mở rộng quỹ đất tại điểm trường chính và đã được chấp thuận.

Để thuận lợi cho quá trình giải phóng mặt bằng mở rộng quỹ đất, nhà trường đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình lân cận nhượng lại quỹ đất cho nhà trường và đã được các hộ gia đình ủng hộ về quan điểm.

Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020 được thực hiện từ tháng 9 năm 2016. Đến tháng 3/2017, qua sắp xếp theo Đề án, thành phố có 43 trường, 2 điểm trường, 614 nhóm lớp, 20.560 trẻ, học sinh.

Trong đó: giáo dục mầm non có 21 trường; giáo dục tiểu học 8 trường, 1 điểm trường; giáo dục trung học cơ sở 14 trường. So với thời điểm cuối năm học 2015 - 2016 - trước khi thực hiện Đề án, toàn thành phố giảm 15 trường, 3 điểm trường, tăng 11 lớp, 642 học sinh.

Trong đó, giảm 5 trường mầm non, 9 trường tiểu học, 8 trường trung học cơ sở; tăng 7 trường tiểu học và trung học cơ sở. Số học sinh tăng ở điểm chính khi xóa điểm lẻ là 238 học sinh, không thay đổi so với Đề án đã được phê duyệt. Tỷ lệ huy động trẻ, học sinh ra lớp ổn định so với các năm học trước.

Các trường sau khi sáp nhập đã tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có để tổ chức dạy học, bảo đảm ổn định trường lớp. Các điểm trường lẻ sau khi xóa có cơ sở vật chất dôi dư đang tạm bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng.

Với 3 điểm lẻ được xóa, gồm: 1 điểm trường tiểu học và trung học cơ sở Tân Thịnh, 1 điểm trường mầm non Thanh Bình, xã Minh Bảo, 1 điểm trường mầm non Ngọc Lan, xã Tân Thịnh, các trường đã bàn giao 3.957 m2 đất và cơ sở vật chất không sử dụng cho các địa phương quản lý.

Việc thực hiện các dự án đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho việc xóa điểm lẻ được tiến hành kịp thời theo lộ trình Đề án, đã xây mới 7 phòng học kiên cố cho các trường và 1 công trình vệ sinh bán kiên cố. Qua đó, bảo đảm đủ phòng học cho học sinh khi chuyển từ điểm lẻ về.

Một giờ học của trẻ tại Trường Mầm non Thanh Bình, xã Minh Bảo.

Theo đánh giá của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Yên Bái, qua bước đầu thực hiện Đề án, đã tinh gọn bộ máy cán bộ quản lý, giảm 15 cán bộ quản lý tại các đơn vị trường. Số giáo viên, nhân viên được sắp xếp lại hợp lý hơn. Việc sử dụng, phân công giáo viên giữa các cấp học trong trường liên cấp được bố trí hợp lý và bảo đảm theo định mức quy định.

Trường tiểu học và trường trung học cơ sở gần nhau sau khi sáp nhập có thể sử dụng chung các phòng học bộ môn (tin học, ngoại ngữ), phòng phục vụ học tập (thư viện, thiết bị), đồng thời việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ được tập trung và hiệu quả.

Qua thực hiện Đề án thời gian qua, nhiều kinh nghiệm thực tế cũng đã được ngành giáo dục - đào tạo thành phố đúc rút để có thể tiếp tục thực hiện Đề án hiệu quả trong lộ trình tiếp theo. Trước hết, đó là vai trò, trách nhiệm, sự lãnh chỉ đạo, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở trong chỉ đạo quyết liệt, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Đề án.

Đồng thời, cần tổ chức triển khai có hiệu chương trình bồi dưỡng thường xuyên ở các cấp học, bậc học theo đúng yêu cầu của ngành đối với nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ; tăng cường khảo sát năng lực, đánh giá, phân xếp loại nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục làm cơ sở sắp xếp, bố trí sử dụng cán bộ đảm bảo hợp lý, hiệu quả.

Cùng đó là tham mưu tăng cường đầu tư kinh phí, lồng ghép các chương trình, dự án, huy động tối đa nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị dạy học, trong đó ưu tiên các lớp mẫu giáo 5 tuổi, các trường trong lộ trình xây dựng đạt chuẩn quốc gia, xây dựng nông thôn mới; huy động các nguồn lực trong xã hội để xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp học, cảnh quan môi trường sư phạm. Cũng cần kịp thời tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, cơ quan, đơn vị, địa phương có nhiều tích cực trong thực hiện Đề án; có biện pháp xử lý kỷ luật đối với những cán bộ, giáo viên vi phạm. 

Hạnh Quyên - Hoài Anh

Các tin khác
Các đồng đội của CCB Nguyễn Văn Chiến tham ra Lễ động thổ xây dựng nhà.

Sáng 18/4, Ban liên lạc Sư đoàn 356 (F356) Yên Bái, Nhóm Quốc kỳ Cựu chiến binh (CCB) Mặt trận Vị Xuyên và những người bạn phối hợp với chính quyền xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái tổ chức khởi công xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ gia đình hội viên CCB Nguyễn Văn Chiến, thôn Thanh Sơn, xã Tuy Lộc.

“Bữa cơm công đoàn” được tổ chức với hơn 500 suất ăn cho đoàn viên, NLĐ.

Hưởng ứng Tháng công nhân và Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2024, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Lục Yên vừa phối hợp Công ty TNHH Đá cẩm thạch RK Việt Nam, Công ty cổ phần Luyện kim và khai khoáng Việt Đức tổ chức Chương trình “Bữa cơm công đoàn” cho đoàn viên, người lao động (NLĐ).

Quang cảnh buổi gặp mặt.

UBND thành phố Yên Bái vừa tổ chức gặp mặt, giao lưu với quản trị viên các trang, nhóm trên mạng xã hội trên địa bàn thành phố.

Đại diện Tập đoàn xăng dầu Việt Nam trao kinh phí hỗ trợ.

Vừa qua, đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Yên Bái đã trao tặng kinh phí hỗ trợ xây dựng Trung tâm giáo dục cộng đồng tại xã Tuy Lộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục