Chủ động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/7/2017 | 8:11:48 AM

YBĐT - Tại Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào khoảng tháng 10. Từ đầu năm đến nay, Yên Bái chưa ghi nhận ca bệnh nào, nhưng trước tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp, ngành y tế Yên Bái đã triển khai các giải pháp đồng bộ phòng, chống bệnh VNNB. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Hồng Vân - Phó Giám đốc Sở Y tế xung quanh vấn đề này.

Tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.
Tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

P.V: Xin bà cho biết diễn biến tình hình bệnh VNNB trên cả nước nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Việt Nam là nước nhiệt đới, lưu hành nhiều bệnh truyền nhiễm do côn trùng truyền, trong đó, có các bệnh viêm não vi rút đặc biệt vào mùa hè, mùa thích hợp cho các côn trùng truyền bệnh phát triển. Các căn nguyên gây viêm não thường là các vi rút Arbo (trong đó có vi rút VNNB), vi rút Herpes, các vi rút đường ruột (như EV71 gây bệnh tay - chân - miệng), sởi, quai bị…

Hiện nay, VNNB chiếm khoảng 10-15% trong tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút. Bệnh VNNB có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5, 6, 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loại hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước ghi nhận 62 trường hợp mắc, trong đó, có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Sơn La. Các ca mắc rải rác, chủ yếu tại các tỉnh khu vực miền Bắc, miền Nam. Các tỉnh, thành phố có số mắc cao là Hưng Yên, Nghệ An, Hà Nội, Sơn La, Khánh Hòa, Kiên Giang và Kon Tum.

So với cùng kỳ năm 2016, số mắc VNNB trên cả nước trong 6 tháng đầu năm 2017 giảm 11,4%. Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, hàng năm, vẫn ghi nhận các ca bệnh rải rác. Năm 2015 ghi nhận 7 ca dương tính với VNNB, tử vong 1 ca; 2016 ghi nhận 6 ca dương tính với vi rút VNNB, không có tử vong. Còn từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca VNNB nào. Tuy nhiên, hiện nay đang vào mùa dịch nên cần chủ động phòng chống bệnh VNNB.

P.V: Vậy Yên Bái đã triển khai những giải pháp gì để chủ động phòng chống bệnh VNNB, thưa bà?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nói chung được triển khai thường xuyên, liên tục. Ngay từ đầu năm ngành y tế đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; kiện toàn, củng cố hoạt động của ban chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp; chủ trì phối hợp với các ngành liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động giám sát, huy động cộng đồng tham gia phòng, chống dịch; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; chỉ đạo mạng lưới y tế tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh ở cả hệ thống điều trị và dự phòng; giám sát dịch bệnh tại cơ sở; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc, hoá chất, trang thiết bị điều trị bệnh nhân đáp ứng yêu cầu khi có dịch bệnh xảy ra; củng cố phòng xét nghiệm An toàn sinh học cấp II tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật, phát triển các kỹ thuật cao để chẩn đoán nhanh, chính xác các bệnh truyền nhiễm gây dịch, trong đó, có chẩn đoán vi rút VNNB; chỉ đạo các đơn vị y tế triển khai rộng rãi tiêm phòng các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm cho nhân dân, đặc biệt là tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin cho trẻ em dưới 1 tuổi, đưa vắc xin VNNB vào tiêm chủng thường xuyên hàng tháng bắt đầu từ tháng 6/2015 tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.

Ngay trước thời điểm “mùa” VNNB, ngành y tế đã tăng cường đôn đốc các y tế cơ sở chú trọng công tác giám sát vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của VNNB, đặc biệt là những ổ dịch cũ để phát hiện sớm bệnh nhân. Đẩy mạnh tuyên truyền phòng bệnh (phòng tránh muỗi đốt, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, tiêm vắc xin phòng VNNB đúng tuổi và đủ mũi...).

P.V: Cách xử lý cụ thể khi phát hiện bệnh như thế nào? Để phòng tránh bệnh VNNB cần làm gì, thưa bà?

Bà Lê Thị Hồng Vân: Bệnh VNNB làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau như: vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt, tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10 - 20%. Khi thấy có dấu hiệu sốt cao cùng các triệu chứng nghi ngờ tổn thương hệ thần kinh trung ương cần đưa người bệnh đến ngay các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bệnh sẽ có kết quả điều trị tốt nếu phát hiện và điều trị sớm.

Để phòng tránh bệnh VNNB người dân cần thực hiện các biện pháp sau: đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin VNNB đầy đủ và và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, chuồng gia súc phải xa nhà, diệt muỗi tại các chuồng trại gia súc, loại bỏ các ổ bọ gậy. Nằm màn kể cả ban ngày và ban đêm, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc. Nếu có các dấu hiệu sốt cao và kèm theo những rối loạn ở hệ thống thần kinh trung ương (co giật, rối loạn vận động, lơ mơ, hôn mê…) phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Trần Minh (thực hiện)

Các tin khác
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học học cơ sở Lý Tự Trọng, xã Nậm Có tiếp nhận gạo hỗ trợ cho học sinh ngày 28/3

Ngày 28/3, Cục Dự trữ nhà nước khu vực Hoàng Liên Sơn đã tổ chức giao gạo hỗ trợ học sinh tại các Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) tại huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Cửa hàng quần áo thương hiệu Việt đa dạng mẫu mã, đảm bảo chất lượng thu hút người tiêu dùng Yên Bái.

Những năm qua, nhiều mặt hàng thời trang thương hiệu Việt luôn cập nhật theo xu hướng thời trang thế giới, không ngừng cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm tốt với giá cả hợp lý cùng với các sản phẩm OCOP địa phương… ngày càng chiếm được sự tin tưởng, ưa chuộng của người dân Yên Bái. Qua đó góp phần thúc đẩy Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tạo thành thói quen mua sắm hàng Việt của đa số người tiêu dùng.

Việc cấp nước sinh hoạt được duy trì hoạt động phụ thuộc vào nguồn điện từ Điện lực Yên Bình cung cấp.

Công ty cổ phần Cấp nước và Xây dựng Yên Bái vừa có thông báo về việc tạm ngừng cấp nước sinh hoạt toàn thành phố Yên Bái, trung tâm huyện Yên Bình từ 6h00 đến 17h45 ngày 29/3/2024 và hủy ngừng cấp nước ngày 30/3/2024.

ĐVTN xã Hồ Bốn tham gia tu sửa đường giao thông nông thôn tại bản Háng Đề Chu.

Thực hiện kế hoạch của Đoàn cấp trên về tổ chức các hoạt động Tháng Thanh niên năm 2024, tuổi trẻ Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải đồng loạt tổ chức các hoạt động "Ngày Chủ nhật xanh” tình nguyện cùng với nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, vận động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đảm nhận các công trình, phần việc thanh niên phù hợp với điều kiện thực tế tại chỗ cùng nhau xây dựng bản, làng ngày càng sáng, sanh, sạch, đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục