Yên Bái: Dự án EVAC góp phần hướng tới chấm dứt bạo lực với trẻ em

  • Cập nhật: Thứ năm, 12/10/2017 | 7:58:05 AM

YBĐT - Cùng với Điện Biên, Yên Bái là một trong hai tỉnh trong cả nước được triển khai Dự án "Chấm dứt bạo lực ở trẻ em” (EVAC) giai đoạn 2016-2020 do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam tài trợ. Dự án chính thức được khởi động từ tháng 10/2016, trên địa bàn 10 xã của hai huyện Văn Chấn và Lục Yên.

Tập huấn giảng viên nguồn về phương pháp kỷ luật tích cực với trẻ em thuộc Dự án
Tập huấn giảng viên nguồn về phương pháp kỷ luật tích cực với trẻ em thuộc Dự án "Chấm dứt bạo lực với trẻ em" tỉnh Yên Bái.

Ông Nguyễn Xuân Hòa - cán bộ điều phối Dự án EVAC cho biết: "Mục tiêu của Dự án là giúp thanh thiếu niên dễ bị tổn thương được chăm sóc và bảo vệ khỏi nạn mua bán người, xâm hại, xao nhãng, bóc lột và những hình thức bạo lực khác thông qua sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng. Mong muốn đạt được là trẻ em, thanh thiếu niên, đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương thay đổi về thái độ, hành vi để tự bảo vệ mình nhằm giảm thiểu nguy cơ bị mua bán và các hình thức bạo lực; gia đình và người chăm sóc trẻ được trao quyền để tạo môi trường hỗ trợ thông qua việc tiếp cận các dịch vụ phù hợp để chăm sóc và bảo vệ trẻ em (BVTE); cộng đồng trở nên vững mạnh, tạo ra một môi trường an toàn và BVTE; giảm thiểu các rào cản nhằm giải quyết nạn bạo lực trẻ em, bao gồm cả mua bán người”.

Đối với Yên Bái, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được các cấp quản lý quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt vẫn cần các biện pháp can thiệp từ hệ thống, cơ chế và phương thức BVTE tại cộng đồng để đạt được hiệu quả và giảm thiểu số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo môi trường sống tốt nhất cho trẻ em.
 
Theo số liệu rà soát, đến tháng 8/2017, toàn tỉnh có trên 228.350 trẻ em dưới 16 tuổi. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là trên 4.000 trẻ. Số trẻ em có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là trên 63.660 trẻ.
 
Tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo lực vẫn còn xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm 2017, theo số liệu của Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) có 6 người bị mua bán, trong đó có 3 trẻ em, 2 trẻ vị thành niên. 

Tại 10 xã thuộc Dự án EVAC của huyện Văn Chấn và Lục Yên, kết quả rà soát cho thấy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt là 402 trẻ; trẻ có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt là 5.072 em; thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt là 2.268 em.

Dự án EVAC được lồng ghép vào Chương trình Phát triển vùng của Tầm nhìn thế giới tại huyện Văn Chấn và Lục Yên, đồng thời phối hợp với ngành lao động - thương binh và xã hội triển khai các hoạt động mang tính chỉ đạo, điều hành. Dự án thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng.
 
Ông Nguyễn Xuân Hòa cho biết thêm: "Trên địa bàn tỉnh Yên Bái, Dự án tập trung vào các hoạt động như: tăng cường năng lực cho cơ quan đối tác, đặc biệt là tăng cường năng lực cán bộ làm công tác BVTE với các hoạt động tập huấn tập trung vào tập huấn cho giảng viên nguồn để tập huấn lại cho cộng đồng về các vấn đề liên quan đến phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, di cư an toàn, phòng chống mua bán người, tập huấn kỷ luật tích cực...; tăng cường sự hiểu biết, khả năng sẵn sàng tố cáo sự việc xảy ra trong cộng đồng...”.
 
Trong năm 2017, Dự án chú trọng triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi, tập huấn nâng cao năng lực, hỗ trợ trẻ em và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn hoặc là nạn nhân bị mua bán, bạo lực và vận động chính sách.

Với các hoạt động tích cực từ khi khởi động, đến nay, Dự án đã đạt được những kết quả bước đầu. Đối với mục tiêu trẻ em, thanh thiếu niên, đặc biệt nhóm đối tượng dễ bị tổn thương thay đổi về thái độ, hành vi để tự bảo vệ mình nhằm giảm thiểu nguy cơ bị mua bán và các hình thức bạo lực, từ tháng 3/2017, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, huyện Văn Chấn và Lục Yên đã phối hợp với Dự án EVAC điều phối và giám sát tiến trình rà soát trẻ và thanh thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt.
 
Từ kết quả rà soát, ban BVTE các xã lập kế hoạch hỗ trợ các trường hợp trẻ và thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt đang cư trú trên địa bàn xã. Kết quả rà soát cũng là nguồn thông tin hữu ích để ban BVTE cấp huyện và Dự án EVAC xây dựng kế hoạch BVTE.
 
Chị Phạm Kiều Lê - cán bộ điều phối Dự án EVAC tại huyện Lục Yên cho biết: "Sau rà soát và triển khai hỗ trợ, đã có 54 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và người chăm sóc thay đổi thái độ và hành vi chăm sóc, BVTE khỏi các hình thức bạo lực và tai nạn thương tích thông qua hoạt động thăm hộ gia đình hàng tháng của các cán bộ vãng gia. 54 trẻ này còn được hỗ trợ về xe đạp, bàn ghế, sách vở học tập và 43 hộ gia đình có trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ về sinh kế, được tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện vườn rau dinh dưỡng để các gia đình phát triển kinh tế, từ đó có điều kiện chăm sóc trẻ tốt hơn”.
 
Theo chị Đỗ Thị Thanh - cán bộ Dự án tại huyện Văn Chấn, từ kết quả rà soát cũng đã lập kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ 22 trẻ trên địa bàn. Điển hình như trường hợp em Lò Văn Nam ở thôn Bản Mớ, xã Hạnh Sơn là trường hợp trẻ bị xao nhãng. Bố mẹ bỏ nhau, em ở với bố, cuộc sống khó khăn, đã được hỗ trợ để làm nhà. Đồng thời, nhà trường nơi em đang theo học cũng sẽ tăng cường quan tâm, giúp đỡ em trong học tập, tham gia hoạt động ngoại khóa, tập thể...

Cùng đó, nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn đã được Dự án tích cực triển khai hướng tới mục đích gia đình và người chăm sóc trẻ được trao quyền để tạo môi trường hỗ trợ thông qua việc tiếp cận các dịch vụ phù hợp để chăm sóc và bảo vệ trẻ.
 
Huyện Lục Yên đã tổ chức chiến dịch truyền thông phòng chống bạo lực và xâm hại trẻ em, lồng ghép sinh hoạt hè, tổ chức tết Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi tại 33 thôn, bản; tổ chức thi rung chuông vàng về chủ đề phòng chống xâm hại tình dục trẻ em.
 
Huyện Văn Chấn cũng đã tổ chức khoá tập huấn về BVTE và kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho 44 thành viên ban BVTE cấp xã. Sau khóa tập huấn, 5 xã đã xây dựng được kế hoạch họp ban BVTE và kế hoạch truyền thông về kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho trẻ, thanh niên, cha mẹ và người chăm sóc trẻ... 

Để cộng đồng trở nên vững mạnh, tạo ra một môi trường an toàn và bảo vệ trẻ, Dự án đã tiến hành rà soát và đánh giá các ban BVTE cấp xã tại huyện Lục Yên nhằm củng cố lại hệ thống BVTE tại xã, bổ sung các quy chế hoạt động cụ thể và xây dựng các chương trình tập huấn dành cho các thành viên ban BVTE về các văn bản chính sách, quản lý trường hợp tại địa phương dành cho trẻ em; tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho thành viên ban BVTE về BVTE, chính sách, quyết định thúc đẩy quyền của trẻ.
 
Ông Hoàng Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban BVTE xã Khánh Thiện (Lục Yên) cho biết: "Ban BVTE xã chúng tôi được củng cố lại với đầy đủ thành phần cơ cấu, đi vào hoạt động nề nếp, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên.
 
Qua tham gia tập huấn của Dự án, chúng tôi nhận thức sâu hơn về tầm quan trọng của công tác trẻ em đồng thời cũng được trang bị thêm rất nhiều kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và các vấn đề liên quan đến bạo lực trẻ em nói riêng. Sau tập huấn, chúng tôi cũng đã nỗ lực tập huấn, tuyên truyền lại trong cộng đồng, nhất là tại 8 thôn được triển khai Dự án, đồng thời tăng cường các hoạt động thăm hộ, tuyên truyền trực tiếp tại hộ.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, những hoạt động của Ban BVTE xã thời gian qua đã bước đầu tác động đến nhận thức, quan điểm, hành vi của người dân về chăm sóc, BVTE, nhất là giảm thiểu bạo lực với trẻ em”.  

Cùng với đó, một số hoạt động hướng tới mục đích giảm thiểu các rào cản nhằm giải quyết nạn bạo lực trẻ em, bao gồm cả mua bán người cũng đã được Dự án tổ chức, tiêu biểu là diễn đàn trẻ em cấp huyện và tỉnh. 

Tại diễn đàn, trẻ đã thảo luận và đưa ra các vấn đề trẻ quan tâm nhiều nhất, liên quan đến chủ đề của diễn đàn như: bạo lực học đường, bạo lực qua mạng, bạo lực gia đình, xao nhãng trẻ em, xâm hại tình dục... tạo kênh thông tin, cơ sở cho việc hoạch định chính sách liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn.

Qua một năm triển khai Dự án, ông Nguyễn Xuân Hoà nhận định: "Đối với Yên Bái, Dự án đã cho thấy những kết quả bước đầu, nhất là gia tăng sự quan tâm của các cấp chính quyền đối với công tác phòng chống bạo lực trẻ em; nâng cao năng lực vận hành điều phối của ban BVTE các cấp; tạo dựng được đội ngũ giảng viên nguồn để tập huấn lại nội dung, kiến thức cho cộng đồng... Trên cơ sở này, Dự án sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hướng tới tác động mạnh tới việc giảm thiểu và chấm dứt bạo lực trẻ em”.

Thu Hạnh

Các tin khác
Hiện xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt 57 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Vừa qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình điểm "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường quản lý chất thải nhựa trong trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua các tổ tự quản” tại xã Sơn A. Từ hiệu quả mô hình, HND thị xã đã nhân rộng ra tất cả các cơ sở Hội trên địa bàn.

Ảnh minh họa.

Để phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao của người dân, nhiều tuyến tàu đã được bổ sung vào chạy dịp này.

Bắc Bộ sắp bước vào đợt nắng nóng diện rộng kéo dài trong nhiều ngày, có nơi đặc biệt gay gắt trên 39 độ C.

Các tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ sắp bước vào đợt nắng nóng diện rộng kéo dài nhiều ngày, có nơi nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 39 độ C.

Cán bộ Tòa án nhân dân tỉnh phát tờ rơi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân tại phiên tòa xét xử lưu động.

Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Yên Bái đã có nhiều giải pháp thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động tự pháp và công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục