Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Mù Cang Chải (18/10/1957 – 18/10/2017)

Vượt khó, vươn lên, góp sức cho sự phát triển

  • Cập nhật: Thứ ba, 17/10/2017 | 8:08:59 AM

YBĐT - Năm 1959, Mù Cang Chải đón 14 thầy giáo từ miền xuôi lên công tác, đặt những viên gạch đầu tiên gây dựng cho nền giáo dục- đào tạo huyện, đến nay đã tăng lên gần 1.800 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Năm học 2016-2017, toàn huyện có 45 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, 3 học sinh đạt giải cấp tỉnh...

Giờ học của học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở La Pán Tẩn.
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học và Trung học cơ sở La Pán Tẩn.

Các thế hệ gắn bó với sự nghiệp giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) của huyện vùng cao này từ những ngày đầu không thể nào quên bước khởi đầu gian khó. Sự nghiệp GD&ĐT ở đây gần như bắt đầu từ con số không khi 100% nhân dân trong huyện không biết chữ. Năm 1959, Mù Cang Chải đón 14 thầy giáo từ miền xuôi lên công tác, đặt những viên gạch đầu tiên gây dựng cho nền GD&ĐT của huyện.
 
Tháng 9/1959, Phòng Giáo dục huyện mới được thành lập. Công cuộc gieo con chữ trên địa bàn ngày ấy không chỉ khó khăn bởi nguồn nhân lực ít ỏi mà còn bởi cả những điều kiện như giao thông vô cùng trở ngại, công tác báo cáo hàng tháng của các hiệu trưởng về Phòng hoặc cán bộ Phòng xuống cơ sở đều đi bộ; rồi cả những hủ tục ngàn đời của người dân vùng cao… Trong những năm đầu ấy, toàn huyện chỉ huy động được 13 lớp vỡ lòng, 300 học sinh, 14 lớp bổ túc văn hóa, 350 học viên tiểu học; lớp học đều là nhà tạm bằng tranh tre nứa lá.

Những năm đất nước có chiến tranh, khó khăn lại thêm chồng chất nhưng các thầy giáo nơi này vẫn ngày đêm bám bản, bám dân dạy học trong tiếng bom đạn, nỗ lực thi đua dạy tốt, học tốt. Mạng lưới giáo dục của huyện ngày một phát triển. Trường Thiếu nhi vùng cao (nay là Trường Phổ thông dân tộc nội trú), Trường Liên cấp II+III (nay là Trường THPT), Trường Bồi dưỡng giáo dục (nay là Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Hướng nghiệp dạy nghề) lần lượt được thành lập đã tạo điều kiện cho việc học tập của con em trên địa bàn ngày một tốt hơn.

Những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, do tác động của việc xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp nên ngành GD&ĐT của huyện lại trải qua thời kỳ nhiều khó khăn. Thời điểm 1980 - 1981, số lớp trên địa bàn giảm 15%; học sinh các cấp bỏ học, tỷ lệ bình quân 28,5%; 45% giáo viên xin thôi việc và chuyển vùng công tác. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó đổi mới và phát triển sự nghiệp giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu. Đảng bộ Mù Cang Chải đã có những biện pháp chỉ đạo ngành GD&ĐT địa phương vượt qua giai đoạn này, đưa sự nghiệp giáo dục của huyện tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả như ngày hôm nay.

Đến năm học 2017 - 2018, tổng toàn huyện có 37 đơn vị trường, trong đó 15 trường mầm non, 7 trường tiểu học, 8 trường tiểu học và trung học cơ sở, 7 trường trung học cơ sở. Thầy giáo Hoàng Văn Đồng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải chia sẻ: "Có thể nói, đến nay, những kết quả, đổi thay rõ nét nhất trong sự nghiệp GD&ĐT trên địa bàn được thể hiện ở nhận thức của xã hội về giáo dục, cùng đó là sự phát triển về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, giáo viên của ngành. Trong đó, đáng mừng nhất chính là những thay đổi trong nhận thức, nhất là của đồng bào nơi đây về việc học tập của con em mình, thể hiện ở sự quan tâm, chăm lo hơn tới việc học của con em. Thay đổi trong nhận thức bao giờ cũng là điều quan trọng nhất”.
 
Đúng như chia sẻ của thầy Đồng, cùng với sự đổi thay trong nhận thức thì điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đơn vị trường học đã được tăng cường, cải thiện rất nhiều nhờ nguồn đầu tư từ các chương trình mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ, chương trình kiên cố hóa trường lớp học, các nhà tài trợ...
 
Nếu như ngày trước trường lớp học chỉ toàn tranh tre nứa lá thì nay toàn huyện có 478 phòng học (trong đó 247 phòng kiên cố, 84 phòng bán kiên cố); 25 phòng học bộ môn; 412 phòng ở cho học sinh bán trú; 131 phòng công vụ giáo viên; 123 phòng hành chính quản trị; 27 phòng ăn.
 
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành cũng không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Đến năm học 2017 - 2018, toàn ngành có gần 1.800 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, trong đó gần 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Tỷ lệ giáo viên dạy giỏi ngày một tăng. Chất lượng học tập của học sinh cũng được nâng lên rõ rệt.
 
Năm học 2016 - 2017, ở bậc tiểu học, trên 98% học sinh hoàn thành và hoàn thành tốt môn Tiếng Việt và Toán; 98,7% học sinh hoàn thành trở lên với các nhóm năng lực; 98,6% học sinh hoàn thành chương trình lớp học. Đối với bậc trung học cơ sở, chỉ còn 0,05% học sinh xếp loại hạnh kiểm yếu, 0,36% học sinh học lực yếu. Cũng trong năm học này, toàn huyện có 45 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, 3 học sinh đạt giải cấp tỉnh...
 
Cho đến nay, nhiều đơn vị trường của huyện đã đạt được thành tích quan trọng như: Trường Tiểu học La Pán Tẩn được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện được nhận Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Hai; Trường Tiểu học thị trấn Mù Cang Chải được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Huyện đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học từ năm 2001, đạt phổ cập trung học cơ sở năm 2007, phổ cập mẫu giáo 5 tuổi năm 2015. 4 đơn vị trường đã đạt trường chuẩn quốc gia...

Những thành quả của ngành GD&ĐT huyện đạt được trong thời gian qua đã từng bước nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho huyện nhà, góp phần vào sự phát triển chung của huyện ngày hôm nay.

Hạnh Quyên

Các tin khác
Hàng ngày, các thành viên Tổ tự quản về ATGT Trường THCS Quang Trung đã phân công nhau điều tiết, đưa học sinh sang đường theo hướng đi bên phải

Hơn 1.700 tổ tự quản về an ninh trật tự và gần 450 tổ tự quản về an toàn giao thông toàn tỉnh Yên Bái đã và đang góp phần phát huy tinh thần tự phòng, tự quản, tự bảo vệ ở cộng đồng trong giữ gìn an ninh trật tự.

Lực lượng chức năng giám sát việc tiêu hủy sản phẩm.

Chiều 19/4, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phối hợp cùng cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy gần 7 tấn chân gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục